Xã hội luôn đứng về phía những người chống tham nhũng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 15/04/2015

(HNM) - Từ ngày 1-5-2015, mức thưởng cho những cá nhân tham gia chống tham nhũng sẽ được nâng cao. Theo đó, những tập thể và cá nhân tham gia chống tham nhũng có thành tích xuất sắc sẽ được Nhà nước khen thưởng.


Ngoài mức thưởng tinh thần như huân chương, bằng khen, giấy khen, các danh hiệu danh dự vật chất kèm theo được xác định từ 20 lần đến 40 lần mức lương cơ sở với những người tố cáo và tham gia chống tham nhũng. Trong trường hợp giúp Nhà nước thu hồi số tiền, tài sản có giá trị hơn 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định, nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở. Căn cứ vào quy định hiện nay, mức lương cơ sở (lương tối thiểu) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… là 1.150.000 đồng/tháng thì mức thưởng tối đa lên tới 3,45 tỷ đồng và khi lương cơ sở tăng thì mức thưởng cũng tăng lên.

Từ quy định như vậy có thế thấy quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và chắc chắn sẽ làm cho phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng dâng cao và mạnh mẽ hơn.

Chống tham nhũng là vấn đề lâu dài và vô cùng khó khăn, từ nhiều chục năm nay, Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết và kiên trì chống tham nhũng. Rất nhiều nghị quyết, chỉ thị đã ra đời, nhiều chủ trương, chính sách cụ thể và kiên quyết đã được thực hiện nhưng tham nhũng vẫn chưa bị tiêu diệt, thậm chí còn có xu hướng lan rộng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng tuy đã giành được một số thắng lợi nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Mức độ tham nhũng ở Việt Nam, có thể nói rất nặng nề, ở đâu, việc gì, lĩnh vực nào cũng có. Tham nhũng làm xói mòn lòng tin, tàn phá nền kinh tế, làm chậm bước phát triển của đất nước. Tính nan giải, khó trị của tham nhũng được lý giải từ sự yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít công chức trong bộ máy chính quyền. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có, nhưng pháp trị vẫn yếu kém và hình thức, và đáng buồn đây là một thực tế phổ biến hiện nay.

Có dạng tham nhũng nhỏ, vặt vãnh như sách nhiễu, cố ý gây phiền hà cho người dân, trì hoãn, dây dưa giải quyết các thủ tục hành chính, buộc người dân muốn được việc thì phải bỏ tiền trong túi để "lót tay". Tuy giá trị không nhiều nhưng loại tham nhũng này khá phổ biến, tác hại trực tiếp trong tư tưởng, tình cảm của người dân.

Có tham nhũng lớn trong những giao dịch tìm kiếm việc làm, thuyên chuyển, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Những giao dịch, thỏa thuận này thường đi kèm tác nhân môi giới, trung gian, tạo ra luật chơi bất thành văn, hình thành những quy định "ngầm", để đạt mục đích, tham nhũng đẻ ra tham nhũng

Có tham nhũng cực lớn, đan xen tham nhũng cá nhân lẫn tham nhũng theo nhóm, gọi là "lợi ích nhóm". Đây là dạng tham nhũng có tổ chức, có chủ mưu, thao túng vào tổ chức, thường xảy ra ở các dự án, các hợp đồng kinh tế, hoạt động đấu thầu hay trong lĩnh vực đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị... nghĩa là hầu hết các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Tặng thưởng vật chất cho những người chống tham nhũng là một biện pháp đáng khuyến khích nhưng không phải là tất cả. Vật chất là hết sức cần thiết nhưng còn cần hơn là việc bảo vệ được uy tín của Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của đất nước, sự công bằng, minh bạch trong đời sống xã hội. Muốn đạt được kết quả trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng cần kết hợp đồng bộ việc bảo vệ những người tố cáo tham nhũng và chống lại mọi biểu hiện tha hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những người có chức có quyền; huy động được tinh thần cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Xã hội thượng tôn pháp luật, công khai minh bạch đứng về phía những người đấu tranh chống tham nhũng, tất yếu tham nhũng sẽ bị đẩy lui.

Vũ Duy Thông