Lấy ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố
Chính trị - Ngày đăng : 15:54, 14/04/2015
Đó là ý kiến phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố diễn ra sáng 14-4 dưới sự chủ trì của Thường trực Thành ủy Hà Nội. Đây là hội nghị mở đầu cho các hội nghị lấy ý kiến góp ý, cũng là đợt sinh họat chính trị có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, xây dựng báo cáo chính trị Đảng bộ thành phố đạt chất lượng, làm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện, Ban biên tập Văn kiện tập trung tổ chức thực hiện, nghiên cứu, chuẩn bị, xây dựng Đề cương tổng quát, Đề cương chi tiết, biên tập dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ. Nhằm phát huy dân chủ, trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, nhân dân Thủ đô và ý kiến của các bộ, ngành Trung ương… Việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ thành phố là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy dân chủ, qua đó chắt lọc, tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, trước khi công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tiếp tục góp thêm trí tuệ vào văn kiện quan trọng này. Đồng thời, thông qua đó cũng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ trương, định hướng phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ tới.
“Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hơn 6 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII), Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Luật Thủ đô đã và đang mang lại cho Thủ đô thế và lực mới, với nhiều thành tựu nổi bật và ngày càng nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố đã và đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng, phát triển. Vì vậy, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố kỳ này đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ về nhận thức và hành động, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề đó cần được kết tinh trong báo cáo chính trị của Đại hội. Với tinh thần cầu thị, Ban Thường vụ Thành ủy luôn trân trọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của các đồng chí, những người đã luôn tâm huyết và có tình yêu đối với Thủ đô nghìn năm văn hiến. Với trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết đối với Thủ đô, cùng với trí tuệ, kinh nghiệm của mình, Thành ủy mong muốn các bác, các đồng chí thẳng thắn đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP để văn bản quan trọng này thực sự là kết tinh trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ TP và các tầng lớp nhân dân Thủ đô”- Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định.
Báo cáo đề dẫn do UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi trình bày đề xuất xin ý kiến góp ý của của cán bộ lão thành cách mạng, chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và cán bộ nguyên lãnh đạo chủ chốt thành phố qua các thời kỳ vào 4 nội chính: Về bố cục dự thảo báo cáo chính trị; về chủ đề đại hội; về phương pháp và nội dung đánh giá và phương hướng nhiệm vụ 5 năm tới (2015-2020).
Với tình cảm, trách nhiệm đối với Đảng bộ Thủ đô, 12 ý kiến phát biểu tại hội nghị và nhiều ý kiến gửi về Tiểu ban Văn kiện đã đánh giá cao việc chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Thành ủy và cơ bản thống nhất với bố cục, chủ đề đại hội. Các đại biểu cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị đã đánh giá cơ bản chính xác, khách quan về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2010-2015, những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống cũng được phản ánh khá đầy đủ, không né tránh những hạn chế, khuyết điểm. Bày tỏ vui mừng về thành tựu của Thủ đô trong nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Thủ đô và cả nước vẫn giữ vững ổn định chính trị; đời sống của nhân dân nói chung được nâng lên. Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, đoàn thể Thủ đô sau hợp nhất luôn phát huy tinh thần đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, là chỗ dựa vững chắc cho Trung ương. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ thành phố cần chăm lo hơn nữa công tác xây dựng Đảng.
Góp ý kiến về chủ đề Đại hội, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ nêu: Bốn thành tố trong chủ đề đại hội “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” là đúng nhưng cũng có thể vẫn đúng trong vài chục năm nữa, do đó chưa rõ trong 5 năm tới cần phải hoàn thành cái gì. Theo nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ, 5 năm tới, Đảng bộ thành phố cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện nền tảng để Hà Nội cơ bản trở thành thủ đô công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa vào nhiệm kỳ sau.
Về phương pháp và nội dung đánh giá, các ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy Hà Nội ban hành 9 chương trình công tác – đây là sự sáng tạo của Thành ủy, một bước cụ thể chỉ đạo đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhưng trong dự thảo không đánh giá kỹ. Vì vậy, cần đánh giá rõ kết quả 9 chương trình công tác của Thành ủy, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ qua. Cùng với đó, cách viết thành tựu và hạn chế của 30 năm đổi mới cũng cần có tầm nhìn khái quát hơn, liên quan đến những vấn đề thuộc về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được vận dụng sáng tạo ở Hà Nội (ví dụ như cùng với cả nước, 30 năm đổi mới ở Hà Nội đã đạt được thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử là làm thay đổi cơ bản diện mạo Thủ đô).
Trong báo cáo lần này có đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV và nhìn lại 30 năm đổi mới. Theo các đại biểu, kinh nghiệm của 5 năm cần cụ thể, gắn với một nhiệm kỳ, còn bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới cần có tầm khái quát cao. Những bài học của Hà Nội nên gắn với đặc thù Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, giao dịch quốc tế… Do vậy, việc cẩn trọng, trí tuệ và quyết đoán; vấn đề ổn định chính trị, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong bảo vệ Thủ đô; vấn đề đô thị đặc biệt hàng đầu liên quan đến quy hoạch quản lý đô thị; vấn đề trật tự, an toàn xã hội; vấn đề xây dựng nền tảng tinh thần cho Thủ đô cần đào sâu để nêu kinh nghiệm trong 5 năm qua và bài học kinh nghiệm sau 30 năm đổi mới.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh, bổ sung trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thành ủy luôn quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện, uốn nắn kịp thời những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời tìm ra những cái mới để bổ sung vào công tác lãnh đạo. Cùng với đó, trong khâu đột phá thứ 3 của nhiệm kỳ mới, bên cạnh nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần bổ sung nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm chế độ, chính sách để thu hút nhân tài, xây dựng nền kinh tế tri thức. Đặc biệt là cần tăng cường tuyên truyền để cán bộ, nhân dân thấy rõ những thành quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô, từ đó mỗi người thêm tự hào là cán bộ, là nhân dân Thủ đô, cùng cộng đồng trách nhiệm xây dựng Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thu nhập bình quân năm 2015 của Hà Nội ước đạt 75-77 triệu đồng/người Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVI Đảng bộ TP khẳng định: Trong 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách; nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và Thành, đặc biệt là Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XII), Luật Thủ đô… tạo bước chuyển biến mới, toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động, hoàn thành đạt và vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu Đại hội đã đề ra. Thủ đô Hà Nội đã phát huy tốt vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Diện mạo Thủ đô ngày càng thay đổi nhanh chóng và khởi sắc. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, GRDP bình quân 5 năm 2011-2015 dự kiến tăng 9,25%, gấp 1,3 lần mức tăng chung của cả nước; GRDP năm 2015 ước đạt 381.355 tỷ đồng, gấp 1,55 lần so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 ước đạt 75-77 triệu đồng, tăng 1,73-1,78 lần so với năm 2010; xây dựng, quản lý đô thị, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao. Chính trị - xã hội trên địa bàn luôn ổn định; an ninh quốc phòng, đối ngoại được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng và có nhiều chuyển biến. |