Cải cách quản trị công có tiến độ chậm

Đời sống - Ngày đăng : 13:38, 14/04/2015

(HNMO) - Kết quả từ khảo sát toàn quốc cho thấy những cải thiện không đáng kể trong quản trị và dịch vụ công ở tất cả các tỉnh.

Đây là nội dung được nêu ra tại cuộc Công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2014, diễn ra sáng 14-4, tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mật trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức.


Báo cáo PAPI năm 2014 là kết quả khảo sát năm thứ tư liên tiếp trên phạm vi toàn quốc của chương trình nghiên cứu PAPI, dựa trên trải nghiệm của 13.552 người dân được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Kết quả khảo sát PAPI 2014 một lần nữa cho thấy mức độ ổn định của PAPI. Điểm số của 5 trong 6 lĩnh vực của nội dung PAPI đo lường (gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công) có mức thay đổi 2% so với năm 2013. Tuy nhiên, dữ liệu tổng hợp cũng cho thấy những xu thế đáng quan tâm. Đó là: Vấn đề quản trị và hành chính công cần được quan tâm cải thiện hơn trong năm 2015; hay cần tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng.

PAPI 2014 cho thấy, các chỉ số nội dung về “Công khai, minh bạch” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt tiến bộ không đáng kể. Chỉ số nội dung “Thủ tục hành chính công” không có mấy cải thiện. Chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công” cải thiện chút ít nhưng mức độ hài lòng với chất lượng bệnh viện công cấp huyện lại giảm sút và chỉ số nội dung thành phần về giáo dục tiểu học công lập đạt điểm thấp nhất trong 4 dịch vụ công được khảo sát đo lường. Đặc biệt là số người dân tham gia khảo sát hầu như không ghi nhận tiến bộ gì trong chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng”. Khoảng 12% số người được hỏi cho biết họ đã phải hối lộ để được phục vụ ở bệnh viện, 30% trả lời có con đang học tiểu học cho biết họ phải hối lộ.

Khác với mọi năm, PAPI năm 2014 không xếp hạng thứ tự theo tỉnh, thành phố mà phân theo các nhóm hiệu quả (nhóm đạt điểm cao nhất, nhóm đạt điểm trung bình cao; nhóm đạt điểm trung bình thấp và nhóm đạt điểm thấp nhất) trên 6 chỉ số nội dung của PAPI. Kết quả cho thấy, không có tỉnh, thành phố nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số nội dung. Quảng Bình nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 5 chỉ số nội dung, trừ chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”. Các tỉnh Quảng Trị, Vĩnh Long, Nam Định, Long An, Bình Định và Quảng Ngãi có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở 4 chỉ số nội dung. Tỉnh Hà Giang có tên trong nhóm tỉnh đạt điểm thấp nhất ở 6 chỉ số nội dung. Lai Châu, Cao Bằng, Khánh Hòa là những địa phương thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất ở năm chỉ số nội dung. TP. Hồ Chí Minh đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung “Cung ứng dịch vụ công”, thuộc nhóm điểm trung bình thấp ở “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” và thuộc nhóm trung bình cao ở 4 chỉ số nội dung còn lại.

TP Hà Nội thuộc nhóm đạt điểm cao nhất ở chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, thuộc nhóm trung bình cao ở “Công khai, minh bạch và thuộc về nhóm điểm thấp ở 4 chỉ số nội dung còn lại. Trong đó, chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất.

Tiến sỹ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam chi biết: “Thông qua việc cung cấp bằng chứng về trải nghiệm của công dân, PAPI và các dữ liệu mà khảo sát thu thập được giống như chiếc gương phản chiếu hiệu quả của chính quyền địa phương. Mục đích của PAPI là cung cấp dẫn chứng để các cấp chính quyền sử dụng và tìm ra những giải pháp để cải thiện những vấn đề thực thi chính sách chưa hiệu quả trên thực tế, đồng thời bảo đảm chất lượng công tác quản trị và dịch vụ công cho mọi người dân Việt Nam. Từ đó, có thể cải thiện hình ảnh của chính quyền địa phương”.

Phong Thu