Dịch vụ công trực tuyến: “Công dân điện tử” chưa mặn mà

Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 14/04/2015

(HNM) - Thời gian qua, nhiều đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đã áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản qua internet) nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, công dân.

Ngày 3-4, anh Hoàng Anh Tuấn (công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) đến nộp hồ sơ hành chính tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội. Dù thủ tục hoàn toàn có thể tìm hiểu và giao dịch qua Cổng thông tin điện tử Sở QH-KT nhưng anh vẫn chọn hình thức đến tận sở tìm hiểu thông tin rồi nộp hồ sơ trực tiếp qua bộ phận "một cửa" cho… yên tâm.

Vẫn rất đông người dân đến Sở Kế hoạch - Đầu tư làm thủ tục hành chính, trong đó có không ít thủ tục có thể tìm hiểu và giao dịch qua Cổng thông tin điện tử. Ảnh: Huyền Linh


Phó Chánh Văn phòng Sở QH-KT Bùi Văn Bắc cho biết: "Sở có 5 thủ tục hành chính (TTHC), hiện toàn bộ 5 TTHC đã ở mức độ 2 (tải về các mẫu văn bản) và đầu năm 2014 đã đưa 2/5 TTHC thực hiện ở mức độ 3. Song đến nay, hầu hết tổ chức, công dân vẫn đến giao dịch trực tiếp tại sở, hoặc chỉ xem thông tin chứ không thực hiện quy trình giao dịch trên mạng". Theo ông Bắc, điều này có thể lý giải được vì thủ tục liên quan đến lĩnh vực QH-KT có nhiều thông tin về giải trình, nhiều tài liệu đi kèm phải nộp trực tiếp nên khó thực hiện hoàn toàn trên môi trường internet. Bên cạnh đó là tâm lý người dân chưa quen sử dụng giao dịch hành chính trên môi trường mạng.

Còn với Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), dù đã bắt đầu triển khai dịch vụ công trực tuyến từ năm 2007 và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về loại hình dịch vụ này nhưng kết quả cũng không cao. Đến nay, Sở KH-ĐT đã thực hiện 5 dịch vụ hành chính công trực tuyến nhưng lượng hồ sơ giao dịch qua kênh này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tổng số hồ sơ nộp trực tuyến trong năm 2014 là 53/75.435 hồ sơ tiếp nhận. Hay tại Sở Công thương, hiện có 9 dịch vụ công trực tuyến mức 3 nhưng lượng giao dịch cũng không đáng kể. Tại quận Long Biên đã có 5 TTHC thực hiện dịch vụ công mức 3 nhưng cả năm 2014 chỉ có 30 hồ sơ nộp qua mạng (trên tổng số gần 1.000 hồ sơ tiếp nhận). Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội.

Có thể thấy, nguyên nhân chính khiến dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự phát huy hết hiệu quả là do có quá ít "công dân điện tử". Việc người dân chưa có thói quen giao dịch hành chính qua internet nên chưa yên tâm sử dụng dịch vụ là trở ngại lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, hệ thống mạng đôi khi còn chậm hoặc thông tin khai báo của công dân, doanh nghiệp còn chưa chính xác, dẫn đến việc khó khăn trong quá trình thụ lý hồ sơ. Đặc biệt, nhiều loại TTHC có thành phần hồ sơ phức tạp nên chưa thể áp dụng hoàn toàn trên môi trường mạng…

Theo Nghị định số 43/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước quy định rõ: "Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phải cung cấp chức năng hướng dẫn sử dụng, theo dõi tần suất sử dụng, quá trình xử lý và số lượng hồ sơ đã được xử lý đối với từng dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 3 trở lên". Còn theo Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015, thành phố đề ra các nhiệm vụ chủ yếu: Cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức 3 và một số dịch vụ mức 4; đến cuối năm 2015 có 80% số hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp và 30% số hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy đăng ký mới xe ô tô, cấp giấy phép lái xe của người dân và doanh nghiệp đươc thực hiện qua mạng…

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, nhìn chung các đơn vị đều đang quyết tâm thực hiện theo chủ trương của thành phố và chỉ đạo của trung ương. Tuy nhiên, trước thực tế các doanh nghiệp, tổ chức và công dân chưa mặn mà với loại hình dịch vụ này cũng khiến nhiều cán bộ trăn trở. Được biết, chi phí để đầu tư, nâng cấp từ mức độ 2 lên mức độ 3 là khoảng 150 đến 200 triệu đồng/1 dịch vụ công trực tuyến, kèm theo đó là nhiều công sức, thời gian mà cán bộ phải tập huấn để sử dụng thành thạo, cũng như kinh phí để bảo đảm vận hành và duy trì… Nếu cứ đầu tư mà số người sử dụng dịch vụ quá ít thì cũng gây lãng phí và không bảo đảm được mục tiêu cải cách hành chính. Do đó, ngoài công tác tăng cường sự đầu tư, việc đẩy mạnh đơn giản trình tự thực hiện thủ tục và có giải pháp khuyến khích người dân thực hiện sẽ là "chìa khóa" cho bài toán nan giải nêu trên.

Phong Thu