Phải luật hóa việc xử lý
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 14/04/2015
Điều đó dẫn đến không ít lần dư luận không khỏi ngạc nhiên, thậm chí là bất bình, bức xúc vì những văn bản QPPL được ban hành theo kiểu "không giống ai" của một số bộ, ngành, địa phương. Tình trạng này tạo nên những thiệt hại không thể đo đếm. Trước hết là sự lãng phí về thời gian và tốn kém hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho quá trình sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh. Tiếp đó, gây nên xáo trộn về cả tâm lý và đời sống của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt, hoạt động sản xuất và kinh doanh, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính và suy giảm hiệu quả quản lý nhà nước…
Tóm lại, tác hại là thấy rõ. Tuy nhiên, tại sao những văn bản QPPL có dấu hiệu sai sót vẫn gia tăng? Trước hết là do sự hạn chế về năng lực của một bộ phận những người đề xuất, tham mưu, trình duyệt các văn bản QPPL, thậm chí là cả người ký quyết định ban hành. Cũng với đó, công tác kiểm tra, thẩm định văn bản QPPL của các bộ, ngành, địa phương chưa được coi trọng đúng mức. Việc lấy ý kiến đóng góp, tham vấn rất qua loa, hình thức khiến những chính sách dự kiến trong dự thảo văn bản không đủ độ chín. Công tác xây dựng văn bản QPPL còn thiếu cơ chế phối hợp, nhiều trường hợp chuẩn bị dự thảo một cách đối phó, tìm mọi cách để đẩy qua khâu này hay khâu khác cho xong… Và đặc biệt, một vấn đề đã từng được nhiều lần nhắc tới tại diễn đàn Quốc hội, đó là hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành, địa phương trong một số văn bản QPPL với nhiều quy định tạo thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan công quyền. Cách xây dựng chính sách hiện nay khiến người dân có cảm giác các văn bản hướng dẫn chủ yếu thiên về xử phạt, không quản được thì cấm trong khi thực tế đòi hỏi những quy định trong văn bản QPPL chỉ nên áp dụng sau khi Nhà nước đã bảo đảm đủ điều kiện cho người dân tự giác chấp hành.
Lấy ví dụ, một thời gian dài thủ tục về thuế không những gây tốn kém về thời gian mà cả tiền bạc đối với người dân, doanh nghiệp, khiến các nhà đầu tư nản lòng. Vậy nhưng, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, cả giai đoạn 2011-2014, ngành chức năng chỉ cắt giảm được vỏn vẹn 70 giờ nộp thuế. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 19/NQ-CP do Chính phủ ban hành có hiệu lực (tháng 3-2014) cho tới hết năm 2014, nghĩa là sau có 9 tháng, hàng loạt văn bản pháp luật được sửa đổi, ngành chức năng ước tính cắt giảm 370 giờ nộp thuế và cam kết tiếp tục cắt giảm khoảng 45-50 giờ còn lại vào cuối năm 2015. Đến đây người ta đặt ra câu hỏi, vì sao chuyện nên làm đó không được thực hiện trong nhiều năm trước? Như lý giải của những người làm công tác nghiên cứu thì thủ tục càng rối rắm, ngành chức năng càng dễ gây phiền hà, từ đó có cơ hội phát sinh "tiêu cực phí". Nếu mọi chuyện đều minh bạch thì đồng nghĩa với "quyền lợi", cơ hội "làm ăn" của cán bộ được giao nhiệm vụ sẽ ít đi…
Một chuyện khác. Tại hội thảo "Điều kiện kinh doanh - kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đã thẳng thắn nhìn nhận: Dù có nhiệm vụ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho doanh nghiệp hoạt động nhưng các bộ, ngành, địa phương lại tìm cách tạo ra rào cản để hạn chế bằng những văn bản, quy định trái với luật khiến người dân, doanh nghiệp phải "oằn mình" tuân thủ…
Vậy làm gì để hạn chế, hướng tới triệt tiêu những văn bản QPPL... trái luật? Vấn đề này cũng đã được bàn thảo nhiều, và tất nhiên là triệt tiêu toàn bộ những điều kiện nảy sinh như phân tích ở trên. Song quan trọng hàng đầu cần có quy định cụ thể và được luật hóa là cá nhân hay cơ quan ban hành quy định trái thẩm quyền sẽ bị xử lý thế nào? Nếu làm sai mà vẫn "bình chân như vại" thì xin lỗi, lần sau… vẫn thế!