TS Nguyễn Mạnh Hùng: Sách và văn hóa đọc đã được quan tâm
Văn hóa - Ngày đăng : 07:06, 13/04/2015
- Ông có thể nói gì về những chuyển động trong câu chuyện sách và bản quyền ở Việt Nam 2014 - 2015 vừa qua?
- Có lẽ tôi là một trong những người vui nhất khi năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố ngày 21-4 hằng năm là ngày Sách Việt Nam. Như vậy, sách và văn hóa đọc đã được Nhà nước quan tâm hơn. Tôi cũng rất vui khi được thông tin cho bạn đọc Hànộimới rằng, sách lậu đã giảm đáng kể, sách ăn cắp bản quyền đã giảm đến mức không thể tin nổi. Với tư cách một bạn đọc mê sách và là người chuyên giảng về kỹ năng đọc sách siêu tốc, riêng trong tháng 4 này tôi nhận được rất nhiều lời mời đến nói chuyện về sách và văn hóa đọc trong cả nước. Rất vui khi các cơ quan, tổ chức đã quan tâm đến sách và tri thức...
- Cụ thể những sự kiện nào khiến cho ông lạc quan về văn hóa đọc ở ta hiện nay?
- Hội Sách Hà Nội tại Hoàng thành Thăng Long thành công đến bất ngờ. Đây là một minh chứng sống động cho những ai bi quan về văn hóa đọc. Những buổi nói chuyện về sách mà có hàng trăm, thậm chí cả nghìn bạn đọc đến nghe và giao lưu. Tết âm lịch Ất Mùi 2015 là năm thứ 3 liên tiếp tôi không "ăn" tết ở Hà Nội mà "chơi" tết ngoài đường tại TP Hồ Chí Minh. 7 ngày liên tục vui ngoài đường Nguyễn Huệ, đắm mình trong Lễ hội Đường sách, chứng kiến hàng triệu bạn đọc tham quan và mua sách. Vui lắm! Người dân bây giờ đã thay đổi tư duy về sách. Tôi tin rằng chỉ vài năm nữa lượng tiền đầu tư cho sách, đầu tư cho trí tuệ sẽ tăng lên nhanh chóng.
Đặc biệt, một tin vui nữa, năm nay Hà Nội tổ chức ngày Sách Việt Nam ở Công viên Thống nhất còn TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức ngày Sách Việt Nam vô cùng đặc biệt cũng tại một địa điểm mới. Vấn đề còn đi xa hơn thế, khi có dự kiến đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1, ngay gần Nhà Thờ lớn sẽ được làm phố sách, nối tiếp truyền thống một đường sách từng có ở TP Hồ Chí Minh trước đây. Bước đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng và kế hoạch này chính là việc tổ chức ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 tại đây.
- Sự kiện văn hóa đọc, xuất bản nào của quốc tế gây ấn tượng mạnh nhất cho ông?
- Năm 2013 và 2014 tôi thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam tham dự hội nghị Xuất bản các nước ASEAN tại Jakarta, Indonesia và Yangon (Myanmar) để rồi học được rất nhiều từ bạn bè quốc tế. Tôi cũng vừa trở về từ Hội Sách Bangkok lần thứ 43 kéo dài 10 ngày. Theo báo cáo chính thức của nước chủ nhà, 88% người dân Thái Lan đọc sách, đồng nghĩa với chỉ có 12% không đọc. Trong đó các lý do không đọc là: Không có thời gian 63%, mắt kém 29,5%, không thích đọc 25,7%. Một con số nữa khiến chúng tôi cũng rất suy nghĩ: 40,2% dân số Thái Lan đọc từ 3 ngày/tuần trở lên, nhóm đọc dưới 3 ngày/tuần là 20,1%. Trong nhóm tuổi đọc (15 đến 69 tuổi) trung bình đọc 28 phút mỗi ngày.
Đặc biệt, chúng tôi đã gặp và mời bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Frankfurt Book Fair (Hội chợ sách lớn hàng đầu thế giới), bà Ursula Holpp, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á (của Hội Sách) thăm Việt Nam 4 ngày. Thật vui vì cuộc gặp giữa hai nhà hoạt động xuất bản uy tín thế giới với lãnh đạo ngành, Hội Xuất bản, Thư viện, cũng như gần 20 NXB và công ty sách, sinh viên đại học tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã mang lại những kết quả bất ngờ. Trước khi về nước, bà Phó Chủ tịch Hội Sách Frankfurt đã rất xúc động và cho biết sẽ có một bài viết để thế giới biết đến xuất bản của Việt Nam trên tạp chí hàng đầu về xuất bản Publishing Purspectives.
- Trong hợp tác bản quyền, xuất bản sách với quốc tế hiện nay thì điểm mạnh và điểm yếu của các đơn vị làm sách trong nước là gì?
- Không phải công ty sách nào, NXB nào cũng có phòng Bản quyền. Không phải cơ quan nào cũng dám bỏ tiền và cử được người ra nước ngoài mua và bán bản quyền. Quan hệ quốc tế của chúng ta chưa tốt. Hơn nữa mối quan hệ giữa các đơn vị của ngành sách chưa thật sự gắn bó và khăng khít. Xin lưu ý rằng Hội Sách lớn nhất thế giới Frankfurt của Hội Xuất bản Đức hay Hội Sách Bangkok là một bộ phận của xuất bản Thái Lan. Chúng ta chưa có sân chơi đủ mạnh, đủ uy tín cho dân xuất bản. Điểm mạnh thì có lẽ là chúng ta có một thị trường lớn với dân số 90 triệu dân và 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt thông minh, hiếu học và cha mẹ đầu tư rất mạnh vào việc học của con cái.
- Vậy ông có ý tưởng gì để phát triển ngành xuất bản trong nước?
- Cần có chiến lược quốc gia về sách. Chiến lược đó phải được triển khai. Cần có một ngân sách thích đáng cho sách. Tôi nhớ nhất trong hội nghị xuất bản năm 2014 tại Yangon, Myanmar, đại diện của Hội Xuất bản Thái Lan PUBAT đã hỏi bà Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia rằng, chính phủ nước này đã chi bao nhiêu tiền để Indonesia trở thành khách mời danh dự của Frankfurt Book Fair. Và theo tôi nhớ, con số này của Indonesia là 15 triệu USD.
Bên cạnh đó, tôi thấy các nước đều tổ chức reading tour - tức một hành trình mà họ mời các tác giả, dịch giả, biên tập viên đến tận các trường học, cơ quan để nói chuyện. Ta rất nên học và triển khai.
- Chân thành cảm ơn ông!