Chống “rác văn hóa” trên báo chí

Xã hội - Ngày đăng : 05:59, 13/04/2015

(HNM) - Những ngày qua, đối với người làm báo, thông tin về đề án quy hoạch báo chí là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Về cơ bản, có thể hiểu việc quy hoạch báo chí được thực hiện theo luật định, mục tiêu hướng tới, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son là "làm sao để tổ chức bộ máy cơ quan báo chí gọn và tinh, số lượng sẽ giảm đi nhưng chất lượng sẽ tốt hơn, tinh thần chủ đạo của đề án là quản lý báo chí để phát triển tốt hơn".


Một đề án lớn liên quan đến đời sống báo chí có thể được cơ quan có thẩm quyền thông qua trong thời gian tới, ít nhiều sẽ dẫn đến sự xao động, băn khoăn nhất định trong đội ngũ những người làm báo, những cơ quan báo chí có thể thuộc diện "tinh giản" trong nay mai. Tuy thế, thông tin về đề án cũng như sự thay đổi mà nó có thể mang lại buộc nhiều cơ quan báo chí cũng như người làm báo PHẢI TỰ NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH.

Thuật ngữ "báo lá cải" đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển báo chí thế giới. Trong lịch sử báo chí nói chung ở Việt Nam cũng từng "lưu hành" thuật ngữ này (ở thời kỳ Pháp thuộc và ở miền Nam Việt Nam dưới thời Mỹ - ngụy). Tuy nhiên, gần đây thuật ngữ này lại rộ lên. Tại sao bây giờ lại xuất hiện thuật ngữ "báo lá cải" và vì sao mà những "lộ hàng", "cướp - giết - hiếp" trở thành thông tin dường như "không thể thiếu" của không ít tờ báo và trang thông tin? Tại sao thông tin về cái xấu được người đọc và nhà báo săn đón, lan truyền nhanh chóng còn thông tin về việc tốt - người tốt ít đậm đà, ít nhận được sự quan tâm?

Hiện nay, ở Việt Nam, báo chí đã trở thành một lực lượng xã hội hùng hậu. Vào năm thứ 90 trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, đội ngũ ấy giờ đã có hơn 800 cơ quan báo chí với hơn 1.000 ấn phẩm các loại, hơn 200 kênh truyền hình và gần 100 kênh phát thanh, gần 100 cơ quan báo mạng và hơn 1.500 trang thông tin điện tử đã được cấp phép. Sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống góp phần quan trọng bồi bổ đời sống tinh thần của xã hội, nhưng cũng làm đau đầu nhà quản lý và từng có lúc khiến dư luận xã hội phải lên tiếng "phản biện". Số vụ xử phạt cơ quan báo chí có ấn phẩm báo in hoặc trang thông tin điện tử, chương trình truyền hình vì lỗi đăng tải/phát sóng thông tin sai sự thật, thông tin thiếu khách quan, thông tin phản cảm… ngày một nhiều hơn, đặc biệt trong hai năm trở lại đây.

Sự cạnh tranh thông tin ngày một rõ hơn, một mặt đem lại lợi ích thiết thực cho độc giả nhưng mặt khác, có thể khiến họ mất niềm tin vào tính chân thực của báo chí. Sức ép về tài chính có thể dẫn đến sự chệch hướng tuyên truyền, làm nảy sinh tâm lý chạy theo số tiền thu bằng nhiều cách - khá phản cảm. Có nơi giữ... "chuyên mục" cướp/hiếp/chém/giết/tình/tù/tội thường xuyên, hầm bà lằng chuyện vụ án và cả những chuyện không liên quan nhưng được "gán mác" cướp/hiếp/chém/giết/tình/tù/tội để tống vào chuyên mục. Có những tờ báo ngay trang 1 bày la liệt những cái tít chém/giết/cướp/hiếp/lộ hàng... từ trên xuống dưới mà không thấy một thông tin tốt, tích cực nào. Ngày cả các trang trong cũng vậy. Người đọc cầm tờ báo đó, đọc nó chỉ thấy sự tăm tối. Có ấn phẩm báo chí lập chuyên mục "Sao lộ hàng", đưa vào đó chuyện đời tư của người nổi tiếng, những việc mà người tử tế, nghệ sĩ chân chính không bao giờ dám chủ động đưa ra công luận. Những cái "tít" khó chấp nhận nhan nhản trên báo mạng, gây nhức nhối khi đập vào mắt người đọc. Sự dễ dãi trong việc đưa thông tin thiếu tính thẩm mỹ của một số trang thông tin và ấn phẩm báo chí đã được nhiều "sao" giải trí tận dụng triệt để, tạo cơ hội cho những Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh, Hương Tràm, Thái Hà… "hở bạo… trên báo chí", cổ súy cho trào lưu cố tình "lộ hàng", "khoe thân", "tự sướng" trong một bộ phận giới trẻ.

Cách "làm" báo kiểu đó đã vô tình cổ súy tâm lý, thói quen thích đọc/xem/nghe cái xấu, thậm chí cái bẩn. Và rồi chính tâm lý, thói quen đó lại khiến không ít cơ quan báo chí chạy theo, trở thành trào lưu "làm" báo chỉ phản ánh về cái xấu, cái hở hang.

Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn có một điểm hạn chế liên quan đến phương pháp tuyên truyền. Một mặt, chúng ta có nhiều tác phẩm chung chung, nặng về lý thuyết. Mặt khác, một số báo mạng ngày càng dành nhiều "đất" cho tệ nạn xã hội. Những "chuyên gia cởi đồ", những câu chuyện giật gân, những vụ án tình được thông tin tỉ mỉ, nhắc đi nhắc lại, lâu lâu được "tổng hợp lại" như thể muốn bạn đọc luôn nhớ tới một vấn đề đáng quên… Đó là điều nguy hiểm. Bởi lẽ, các trang thông tin điện tử có khả năng tác động đến các nhóm xã hội rộng lớn, chi phối quan điểm cá nhân nhờ khả năng tương tác với bạn đọc. Những gì được đề cập từ một bài báo có thể lan truyền nhanh chóng trong các nhóm xã hội nhờ sự cộng hưởng của mạng xã hội và cái gọi là "tâm lý đám đông", có thể dẫn đến cách hiểu trái với thực tế đời sống nếu hiện tượng xấu được mô tả kỹ, được dẫn bởi nhiều ấn phẩm cùng lúc nhưng lời phản bác lại không đầy đủ.

Gần đây, lượng thông tin về cái xấu có xu hướng lấn át so với lượng thông tin về người tốt, việc thiện. Sự hạn chế từ xu hướng ấy được cộng dồn bởi cách thông tin nhiều khi rõ tính đơn giản, một chiều, kiểu như "khen thốc khen tháo", "chê như hắt nước vào mặt", đưa thông tin về cái xấu một cách hả hê mà không lý giải nguyên nhân, cách thức giải quyết vấn đề… Cách thông tin nói trên ít nhiều để lại hệ lụy trong đời sống xã hội, nguy hiểm hơn là nó kéo thấp con người xuống.

Xã hội phát triển theo hướng tiến bộ là nhờ cái tốt, cái đẹp, cái chuẩn mực luôn là chủ đạo. Biết bao việc tốt, người tốt đã và đang tồn tại, diễn ra, lan tỏa hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Xu hướng của con người là luôn hướng đến cái tốt, cái đẹp. Chính vì thế, nhiều người đã rất bức xúc về điều này, đặt vấn đề về "ý thức câu view" và con đường dẫn tới sự xuất hiện của khuynh hướng "báo lá cải", những tác phẩm báo chí "mỳ ăn liền", nặng tính thực dụng. Thay vì vô tình dẫn dụ bạn đọc vào "ma trận" thông tin, báo chí cần và phải làm tốt chức năng định hướng dư luận nhờ năng lực phân tích sự việc/hiện tượng một cách khách quan, chân thực, dành nhiều dung lượng/thời lượng để tuyên truyền gương sáng có trong đời sống, và quan trọng là không "hy sinh bạn đọc" vì lợi ích cá nhân. Thậm chí, cách đây vài năm, có người đã lập riêng trang thông tin cá nhân để phản đối hiện tượng "báo lá cải" chỉ vì tác giả của nó đã phải trải qua những lần bức bối bởi muốn đọc tin chính thống lại chỉ thấy chuyện hở quần lót, hoặc lùng sục tư liệu về trực thăng lại chỉ thấy rặt những trò quái đản "máy bay bà già"...

Chúng ta đang phải đối đầu với "rác văn hóa" ngày một thường xuyên hơn, ngày một nhiều hơn. Thứ rác nguy hiểm đó không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội, thể hiện ở thói quen thẩm mỹ lệch lạc của nhiều bạn trẻ trên một số ấn phẩm báo chí, trang thông tin điện tử qua việc giới thiệu thường xuyên "cảnh nóng", những chuyện cướp/hiếp/chém/giết/tình/tù/tội - những biểu hiện khác lạ so với truyền thống văn hóa Việt Nam - mà còn xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội (sách "tục tĩu", nhạc "đạo", ca sĩ hát "nhép", phim "đen"…). Chống lại những thứ rác văn hóa đó phải tiến hành ngay và dài hơi những giải pháp đồng bộ. Phải có chiến lược đào tạo, định hướng, bồi dưỡng, kích thích khả năng miễn nhiễm đối với thông tin, sản phẩm văn hóa không có lợi từ phía công chúng. Khả năng ấy, đối với giới trẻ, cần được rèn luyện thông qua những bài học về kỹ năng sống được dạy trong nhà trường, qua những chương trình truyền thông được thực hiện theo chuyên đề phù hợp, qua sự giám sát, chia sẻ và góp ý từ phía gia đình nhằm điều chỉnh hành vi. Khi hành vi cá nhân được điều chỉnh thì nền tảng văn hóa xã hội trở nên vững chắc, tạo tiền đề cho việc tiếp nhận văn hóa từ nước ngoài diễn ra có chọn lọc, hạn chế sức tàn phá của thông tin "lá cải" dù nguồn gốc của những dạng thông tin đó đến từ đâu. Đối với cơ quan văn hóa, cơ quan báo chí và nhà báo, phải tự điều chỉnh, rút chân ra khỏi "đầm lầy" thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, phải thực hiện đúng chức năng thông tin, giáo dục, thẩm mỹ, định hướng. Đối với cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, rất cần (yêu cầu bức thiết) có sự điều chỉnh, điều tiết về cơ chế, pháp luật đối với hệ thống truyền thông, báo chí. Đề án quy hoạch báo chí hiện nay là một ví dụ - hy vọng đề án này sẽ được thông qua sớm và sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Đức Huy