Bao giờ thành hiện thực?

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:57, 13/04/2015

(HNM) - Từ ngày 10-4, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành dịch vụ đổi giấy phép lái xe qua mạng. Theo đó, những người có nhu cầu truy cập địa chỉ www.dichvucongdoigplx.hanoi.gov.vn hoặc www.sogtvt.hanoi.gov.vn để kê khai thủ tục.



Sau khi điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ xác nhận và cấp cho người đăng ký một mã số hẹn thời gian đến làm việc. Khi làm thủ tục cấp đổi, sẽ chụp ảnh tại chỗ và chờ khoảng 2 giờ người đề nghị cấp đổi có giấy phép lái xe mới. Mức lệ phí cấp đổi qua mạng không tăng (135.000 đồng/trường hợp). Người dân sẽ không phải tốn phí nhiều thời gian chờ đợi làm thủ tục, rồi phải quay lại để nhận giấy phép lái xe và đám "cò" trong lĩnh vực này cũng không còn "đất diễn". Công nghệ thông tin (CNTT) mang lại hiệu quả như thế nào trong cải cách thủ tục hành chính có lẽ không phải bàn nhiều.

Cải cách thủ tục hành chính nói riêng và cải cách hành chính nói chung phải đi đôi với ứng dụng CNTT. Cũng vì vậy, đề án tin học hóa của Chính phủ đã được triển khai nhiều năm qua. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đánh giá một cách toàn diện này (đã mang lại những gì và quan trọng hơn là xác định thời gian tiếp theo sẽ phải làm gì?), trong khi đó cả công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đang hết sức ì ạch. Hải quan điện tử , thanh toán điện tử, xác thực điện tử... đã "nhúc nhích", nhưng chưa biết đến khi nào mới thật sự là một phần trong đời sống của người dân, trong hoạt động của doanh nghiệp.

Mức độ ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính có liên quan trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Vì sao? Có một thực tế là hệ thống hạ tầng CNTT của TP Hồ Chí Minh được xếp hạng mạnh nhất cả nước, nhưng ở nhiều nơi, đường đi của "một cửa liên thông điện tử" thực chất vẫn chỉ là chuyện cán bộ làm thay dân, mang hồ sơ từ nơi này đến nơi khác. Còn liên thông đúng nghĩa - liên thông điện tử vẫn là câu chuyện dài dài. Một vị lãnh đạo thành phố thừa nhận là: Nhận thức và hiểu biết của một số cán bộ về CNTT còn nhiều hạn chế, kéo theo hiệu quả cải cách thủ tục hành chính chưa cao...

Liên kết thông tin theo chiều rộng và chiều sâu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là đất đai, xây dựng... không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ hành chính công, tránh được những phiền hà, tiêu cực không đáng có, mà còn giải quyết rất nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước như nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính minh bạch... Do vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử với các hệ thống liên kết, kết nối thông tin dữ liệu đa chiều. Tuy nhiên, để làm được điều đó, phải giải quyết hàng loạt vấn đề từ cách tiếp cận, phương pháp triển khai đến xây dựng cơ sở dữ liệu... Tóm lại, rất nhiều việc phải làm.

Trước mắt, theo Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến hết năm nay sẽ cung cấp hầu hết dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). Mục tiêu này có trở thành hiện thực không? Chỉ có thể nói là hy vọng. Bởi lẽ nó phụ thuộc rất nhiều vào những việc làm cụ thể như dịch vụ đổi giấy phép lái xe qua mạng mà Sở GT-VT Hà Nội đang thực hiện, thế nhưng những việc làm tương tự vẫn chưa có nhiều ở các đơn vị, địa phương.

Thế Phương