Bộ trưởng Bộ Y tế: Cố gắng không để bệnh nhân nằm ghép
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:31, 12/04/2015
Vấn đề quá tải bệnh viện với hình ảnh vài bệnh nhân nằm ghép trên một giường bệnh, thậm chí giường bệnh được kê ra cả hành lang bệnh viện đã không còn xa lạ ở không ít bệnh viện hiện nay. Những vấn đề liên quan sát sườn đến cuộc sống của mỗi người dân, ví dụ như Luật Bảo hiểm Y tế áp dụng vào cuộc sống như thế nào? Những điều này sẽ được người đứng đầu ngành y tế - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời người dân trong chuyên mục Dân hỏi bộ trưởng trà lời tuần này.
PV: Thưa Bộ trưởng, người dân mỗi khi đi khám bệnh hoặc phải nằm viện, thấy rất mệt mỏi và vất vả vì việc quá tải bệnh viên. Được biết đến nay đã có khoảng 40 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép giường điều trị. Thông tin này đã làm cho người dân rất vui mừng. Tuy nhiên, người dân cũng lo ngại là liệu các cơ sở y tế có chạy theo thành tích, sau đó đẩy phần "khó" về cho bệnh nhân, bởi trên thực tế khá nhiều bệnh viện trong số những bệnh viện đã ký cam kết vốn dĩ luôn quá tải trầm trọng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi nghĩ rằng, việc cam kết này không phải chạy theo thành tích bởi đối với những bệnh viện có khả năng ký là họ đã phải thống nhất trong lãnh đạo và các khoa phòng trong bệnh viện.
Thứ 2, số giường của các bệnh viện này đã tăng lên trong thời gian qua, xây mới các bệnh viện hoặc đã chuyển sang cơ sở 2, cơ sở 3.
Trong thời gian qua, các bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh dưới đề án của Bộ Y tế đã xây dựng một hệ thống các bệnh viện vệ tinh (thực chất là các bệnh viện tuyến tỉnh khoảng 45 bệnh viện) đã được chuyển giao và đào tạo cán bộ. Họ có thể thực hiện các kỹ thuật cao như: Can thiệp tim mạch, chấn thương chỉnh hình, điều trị ung thư, điều trị sản nhi… và những bệnh viện này không chuyển lên tuyến trên.
Đó là giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đang tập trung để giúp không chuyển lên tuyến trên nên đã giúp giảm tải, ngay cả bệnh viện tuyến huyện cũng được chuyển giao đề án, chuyển giao kỹ thuật (gọi tắt là đề án 1816).
Chúng tôi cho rằng một yếu tố khả thi nữa là các bệnh viện đã có sự sắp xếp tổ chức một cách khoa học hơn đối với các bệnh nhân nằm nội trú. Đó là những kết quả thực lực chứ không phải chạy theo thành tích.
PV: Thưa Bộ trưởng, rất nhiều ý kiến gửi thư về chuyên mục bày tỏ thắc mắc tại sao những bệnh viện lớn như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hay Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình... vốn quá tải và thường xuyên xảy ra tình trạng nằm ghép lại không ký cam kết “không để người bệnh nằm ghép”? Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Người dân đòi hỏi việc này là đúng bởi vì với những bệnh viện lớn này của tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn như: Bệnh viện ung bướu và Chấn thương chỉnh hình hiện nay cơ sở của họ rất chật hẹp.
Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những bệnh viện này có khả năng thực thi được. Khi các bệnh viện hoàn thành cơ sở mới sẽ đăng ký tham gia như: Bệnh viện Bạch Mai (19 tầng), Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ khánh thành Tòa nhà trung tâm ung bướu, Bệnh viện ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải có cơ sở 2 và chấn thương chỉnh hình. Hiện nay họ chưa có khả năng bởi số giường bệnh không tăng.
Bộ Y tế và các UBND địa phương quyết liệt chỉ đạo tăng thêm số giường bằng cách xây thêm tòa nhà mới hoặc khẩn trương tích cực khởi công cơ sở 2.
Bên cạnh đó cũng tăng cường mở rộng hơn nữa mạng lưới bệnh viện vệ tinh của tuyến tỉnh để họ tự chuyển giao và giảm bớt bệnh nhân chuyển lên tuyến trên. Trong nghiên cứu độc lập của chúng tôi thấy rằng, từ 30% đến 60% bệnh nhân điều trị tại tuyến cuối của Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh là có thể điều trị ở tuyến dưới và thời gian nằm viện có thể rút ngắn.
PV: Thưa Bộ trưởng, theo Luật BHYT mới áp dụng, bắt buộc người dân phải mua BHYT theo hộ gia đình. Trước đây, chỉ cần cá nhân mua là đủ giờ cả nhà phải mua bảo hiểm rất tốn kém. Với người dân nghèo như chúng tôi, vài trăm nghìn cũng là rất quý. Cho nên người dân không đồng ý với việc bắt buộc mua bảo hiểm như vậy. Bộ trưởng có thể giải thích như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Chúng tôi xin giải thích với người dân đây là những kinh nghiệm mà các nước đã từng trải qua khi muốn thực hiện bảo hiểm toàn dân khi họ có điều kiện kinh tế xã hội giống như mình bây giờ. Họ bắt buộc phải theo hộ gia đình mới có thể mọi người dân được chia sẻ.
Thứ hai, theo nguyên tắc của BHYT, đây không phải quỹ tương trợ mà là cơ chế tài chính để chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng. Vì thế khi chúng ta mua bảo hiểm cho những người trong hộ gia đình có nghĩa là ta chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với người trong gia đình mình trước và sau đó chia sẻ với cộng đồng và từ đó cộng đồng lại chia sẻ với những người bị ốm.
Cách thức này khuyến khích cho nhiều người dân càng nhiều người tham gia bảo hiểm càng tốt. Và nó còn thể hiện sự chia sẻ những quyền lợi và trách nhiệm trong cộng đồng.
Khi tham gia theo hộ gia đình, quyền lợi được tăng lên, quy định hiện nay đối với người đầu tiên đóng bảo hiểm là khoảng 621.000 đồng, nếu từ người thứ 2 trở lên sẽ giảm xuống đóng ở mức còn 80% và khoảng 40% khi đến người thứ 5 so với mệnh giá hiện nay.
Như vậy, càng nhiều người tham gia giá trị của mỗi thẻ bảo hiểm càng giảm trừ người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, những người có công Nhà nước mua thẻ hoàn toàn và trả hết các chi phí theo quy định của bảo hiểm.
Những người khác khi tham gia bảo hiểm cũng được trả 80% chi phí khám chữa bệnh. Đây cũng là gói dịch vụ cho người dân được hưởng vào loại cao nhất. Ví dụ như ở các nước xung quanh, với mệnh giá của họ từ 80 - 120 USD trong khi Việt Nam chỉ có 30 USD. Các nước chỉ cho hưởng 4 thuốc điều trị ung thư, còn chúng ta có 10 thuốc. Việt Nam còn có chạy thận nhân tạo và cả một số kỹ thuật cao cũng được thanh toán với khoảng 40 tháng lương và khi tham gia trên 5 năm được quyền lợi cao hơn nữa.
PV: Thưa Bộ trưởng, Luật BHYT mới đã được áp dụng từ 1/1/2015 đến nay đã gần 3 tháng. Vậy khi áp dụng Luật vào cuộc sống, ngành Y tế gặp những bất cập, vướng mắc gì không?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hiện nay, Luật BHYT cũng gặp một số khó khăn khi triển khai luật như: Công tác tuyên truyền chưa rộng, chưa sâu và chưa hiệu quả nên nhiều người dân chưa thấy được đây là quyền lợi của mình và cũng chưa hiểu được là tham gia danh sách như thế nào, thủ tục phiền hà. Một số chính quyền cấp ủy vẫn nghĩ đây là công tác của ngành y tế và bảo hiểm xã hội - đây cũng là chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới.
Khi cấp ủy chính quyền và các Ban ngành tham gia mới có thể động viên được người dân tham gia và huy động được các nguồn hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, toàn quốc đã đạt được tỷ lệ 70% mua BHYT số còn lại là 30% là rất khó khăn. Những người cận nghèo được nhà nước mua 70%, 30% còn lại chỉ cần đóng 200.000 đồng nhưng những hộ cận nghèo không muốn tham gia. Họ vẫn trông chờ vào Nhà nước. Nhưng với những hộ dân có mức sống trung bình hiện nay nhà nước mới hỗ trợ 30% còn 70% vẫn là một thách thức; sinh viên, học sinh mới hỗ trợ 50% còn 50% nữa cũng là một sự cố gắng. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng sinh viên, học sinh phải cố gắng đạt tỷ lệ cao. Một điều nữa chúng tôi thấy rằng, giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế và thủ tục khám chữa bệnh nhiều khi còn phiền hà cho nên cũng làm cho người dân chưa thật mặn mà để tham gia bảo hiểm y tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!