Về nơi học sinh không biết chữ vẫn lên tới... lớp 7
Giáo dục - Ngày đăng : 18:59, 12/04/2015
Thực tiễn cho thấy, bấy lâu nay việc giáo dục ở vùng cao còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập và đáng suy ngẫm. Để vận động được học sinh đến trường, thầy cô phải xuống tận từng bản, kết hợp với chính quyền địa phương để thuyết phục các em đi học. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh do nhận thức còn hạn chế nên chưa hiểu được ý nghĩa của việc giáo dục. Cùng với đó, nhiều học sinh vì ham chơi, lêu lỏng, xem việc đến trường như… đi chơi. Có lẽ rằng, suy nghĩ “thích thì học, không thích thì nghỉ” đã trở nên khá phổ biến đối với không ít học sinh vùng cao. Chính điều này mới dẫn đến việc các em có lên lớp nhưng chẳng thu thập được kiến thức là bao.
Bên cạnh đó, nhiều trường dù biết rõ năng lực của học sinh nhưng vẫn “nhắm mắt” cho qua, không xử lý quyết liệt đối với các học sinh này nên đã tạo ra “lỗ hổng” rất lớn về mặt kiến thức. Phải chăng, các thầy cô cũng tỏ ra bất lực với các trường hợp này? Tuy nhiên, việc học sinh đã học lên lớp 4, 5, thậm chí lên đến lớp 7, nhưng không biết chữ khiến không ít người phải băn khoăn.
"Thấy con cắp sách ra khỏi nhà nhưng không biết đi đâu?"
Cùng anh Hồ Tria, trưởng bản Kỳ Nơi (xã A Túc, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đi tìm gặp các em Hồ Văn Thế, Hồ Văn Thùy (con của anh Hồ Văn Đức và chị Y Thư, trú tại bản Kỳ Nơi), chúng tôi cảm thấy bất ngờ vì các em đã học đến lớp 4, 5 nhưng chưa biết chữ. Để kiểm chứng, chúng tôi yêu cầu các em viết ra tên họ của mình, nhưng sau một hồi hí hoáy, em Thế chỉ viết được họ, còn Thùy cũng chỉ viết được những chữ O, A nhưng rất nguệch ngoạc. Hiện Thế đang học lớp 5, còn Thùy học lớp 4 Trường Tiểu học A Túc. Cả Thế và Thùy đều cho rằng, các em chỉ biết xem mẫu và chép lại chứ không thể tự viết được.
Sau một hồi hí hoáy, em Hồ Văn Thùy (con chị Thư) chỉ viết được vài chữ cái. |
Chị Thư, mẹ cháu Thế cho biết: “Thường ngày vợ chồng tui đi rẫy, còn các cháu theo bạn đến trường. Vì bận bịu với công việc nên không giám sát được các con có đến trường hay không. Khi về nhà cũng không hề thấy chúng lấy sách vở ra ôn bài. Vợ chồng tui không biết chữ nên không thể bày cho con được, chủ yếu là anh em tự bày cho nhau”.
Chúng tôi tiếp tục tìm gặp em Hồ Văn Thắng, học sinh lớp 7 Trường THCS A Dơi (xã A Dơi). Vừa thấy chúng tôi, em Thắng bỏ chạy một mạch lên rẫy để... trốn, mặc dù cha mẹ em đã nhiều lần ra thuyết phục nhưng em nằng nặc không chịu quay về. Anh Hồ Văn Liên (bố em Thắng) cho biết, Thắng rất nhát và sợ gặp người lạ.
Nói về chuyện học tập của con, anh Liên buồn bã: “Tui đi rẫy suốt ngày nên không biết con học hành thế nào. Nhiều lần bảo con viết chữ nhưng nó bảo không biết viết, hai vợ chồng cũng không biết làm gì hơn”. Lý giải về việc cháu Thắng không biết viết chữ, anh Liên cho hay, cháu bị khiếm khuyết ở tai nên không nghe được lời của người khác nói.
Vợ chồng anh Liên bất lực trước việc học tập của con trai. |
Chị Hồ Thị Bừ (mẹ em Thắng) tiếp lời: “Vợ chồng tui không biết chữ nên mọi sự đều nhờ các thầy cô ở trường dạy dỗ. Nguyện vọng của gia đình là mong sao các con biết được cái chữ, nhưng không hiểu sao học đến lớp 7 mà cháu không biết cái gì”.
Em Hồ Văn Nhờ (bạn học của Thắng) cho hay, Thắng không thường xuyên đến trường mà chỉ tìm đến chơi ở các quán gần trường. Khi thấy bạn đi học về thì Thắng về theo, thỉnh thoảng lên lớp cũng không tập trung học. Thầy cô nhiều lần khuyên nhủ nhưng Thắng vẫn không nghe.
Qua tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra một số học sinh khác như em Hồ Niêm Tuân, Hồ Văn Thái (đều là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học A Túc) cũng không thể viết được chữ nếu không có sự chỉ dẫn của người khác. Em Tuân viết được chữ nhưng còn khá chậm chạp. Bên cạnh đó, những phép toán đơn giản các em cũng không tự làm được.
Nhà trường thiếu quyết liệt, nhẹ tay với học sinh
Theo anh Tria: "Việc nhiều học sinh không biết chữ có một phần lỗi rất lớn là do phụ huynh không quan tâm gì đến việc học tập của con cái. Nhiều người suốt ngày đi rẫy để kiếm sống, không cần biết con cái học tập ra sao. Hơn nữa, do không biết chữ nên cũng không thể bày cho con. Chính vì vậy, việc học tập của con cứ phó mặc cho thầy, cô ở trường. Nhưng tui cũng thắc mắc không biết vì sao các cháu không biết chữ mà vẫn được nhà trường cho lên lớp?".
Lý giải về việc học sinh không biết chữ, ông Bùi Công Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học A Túc cho rằng, những em này bị khiếm khuyết, thuộc dạng cá biệt. Việc cho các cháu lên lớp hay ở lại cũng không có ý nghĩa, bởi nếu ở lại lớp thì các em sẽ chán nản rồi bỏ học, ra bên ngoài phá phách. Đưa các em vào lớp cũng là cách để quản lý các em, ngăn không để các em làm việc xấu.
Dường như, sự thiếu quyết liệt từ các thầy, cô và nhà trường đã tạo cho các học sinh này không còn ý thức tự phấn đấu. Bên cạnh đó, làm cho các em mất đi kiến thức căn bản, xem việc lên lớp cho đủ chỗ, còn kết quả thế nào phụ thuộc vào nhà trường?
Ông Minh nói: “Lên lớp các thầy, cô cũng quan tâm kèm cặp, chỉ bảo cho học sinh nhưng các em này rất ham chơi, có lúc ngủ gật trong lớp mà không chịu chú tâm học hành”.
Trường Tiểu học A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi có nhiều học sinh không biết chữ. |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tuận, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa, thừa nhận có nhiều học sinh không biết chữ, biết đọc thành thạo, nhưng nếu có người chỉ bảo thì các em vẫn có thể viết được. Ông Tuận cũng cho rằng đó chỉ là số ít, bởi những em này thuộc diện khuyết tật, kỹ năng tiếp thu bài rất chậm, phần vì ham chơi lêu lỏng.
Nói về việc học sinh không biết chữ nhưng vẫn được lên lớp, ông Tuận giải thích rằng đó là kết quả của từng quá trình học và đã được liệt kê rõ trong học bạ. “Vừa qua, khi nhận được thông tin phản ánh, đoàn kiểm tra đã vào tận trường nơi các em đang theo học để xác minh. Những em không biết chữ đều rơi vào dạng khuyết tật, đọc và viết chậm nhưng không đến mức viết không được tên. Sắp tới, Phòng Giáo dục sẽ tổ chức khảo sát lại chất lượng học tập ở những trường này” - ông Tuận nói.