Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh: Nghĩa tình sắt son
Chính trị - Ngày đăng : 07:13, 12/04/2015
Tiết mục văn nghệ tái hiện các cánh quân tiến vào Sài Gòn và vui mừng khi đất nước thống nhất - Ảnh: Tuổi trẻ |
Tham dự, về phía TP Hà Nội có các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; về phía TP Hồ Chí Minh có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cùng Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều tướng lĩnh quân đội, cán bộ cách mạng lão thành, cựu chiến binh và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tiết mục văn nghệ tái hiện các cánh quân tiến vào Sài Gòn và vui mừng khi đất nước thống nhất - Ảnh: Tuổi trẻ |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương lớn miền Bắc đã ra sức thi đua lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành điểm tựa to lớn, hậu phương lớn của chiến trường miền Nam. Miền Bắc không chỉ chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, mà còn "chia lửa" với tiền tuyến lớn. Ở miền Nam thân yêu, phong trào Đồng Khởi (Bến Tre) lan rộng từ Vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Ngày 8-10-1960, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra lễ kết nghĩa giữa 3 thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn, nhân dân Huế đã tặng nhân dân Hà Nội và nhân dân Sài Gòn bức trướng thêu: "Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là cây một cội, là con một nhà" - biểu tượng của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng độc lập, hòa bình của dân tộc. Vượt qua những chặng đường gian lao, vất vả, đấu tranh anh dũng, ta càng chiến đấu càng mạnh. Đầu năm 1975, quân và dân ta đã giành những thắng lợi cực kỳ to lớn...
Sau những chiến thắng vang dội như Phước Long, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Xuân Lộc…, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất với tinh thần "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "Một ngày bằng 20 năm". 11h30 ngày 30-4-1975, lá cờ chiến thắng đã tung bay phấp phới trên Dinh Độc Lập, quân ta đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam như một trang chói lọi nhất của thời đại Hồ Chí Minh và mở ra chặng đường mới của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tự vệ Hà Nội cùng bộ đội pháo cao xạ sẵn sàng chia lửa với miền Nam ruột thịt. Ảnh tư liệu |
Ôn lại một chặng đường lịch sử của 3 miền Bắc - Trung - Nam, tấm lòng thủy chung, son sắt của hậu phương lớn miền Bắc "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", tình nghĩa gắn bó giữa 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, tại 3 điểm cầu, chương trình đã giao lưu với các nhân chứng lịch sử, ôn lại kỷ niệm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với tấm lòng biết ơn sâu nặng gửi đến Đảng, đến Bác Hồ vĩ đại cùng các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa 3 thành phố kết nghĩa Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết dân tộc. Sức mạnh ấy đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. 40 năm qua, mọi người con khắp ba miền của nước Việt Nam thống nhất đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chương trình có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi tình đoàn kết dân tộc, khẳng định niềm tự hào của thế hệ trẻ đối với Đảng, Bác Hồ và thế hệ cha anh đi trước. Ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, các thế hệ người Việt Nam hôm nay nguyện mang hết sức mình xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh"; có vị thế trên trường quốc tế; đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của đất nước, bảo vệ nền hòa bình, độc lập mà lớp lớp người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để có được, để trao gửi cho con cháu hôm nay.
Trong tình hình thời chiến, thực hiện chủ trương chú trọng xây dựng kinh tế trung ương, lấy xây dựng kinh tế địa phương làm trọng tâm của Đảng và Bác Hồ, Thủ đô Hà Nội dấy lên những phong trào thi đua lớn như Ba đảm đang, Ba quyết tâm... Công nhân các nhà máy hăng hái làm thêm giờ, thêm việc với tinh thần chắc tay búa, vững tay súng... Hàng vạn thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam: Năm 1965, thành phố động viên được 15,3 nghìn người vào quân thường trực; năm 1968, Hà Nội giao số quân bằng tổng số cả hai năm 1966-1967... Cùng với sức người, đã có hàng nghìn tấn hàng vì đồng bào miền Nam được làm ra bởi công sức công nhân, lao động Thủ đô. Tháng 1-1969, Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ trong giai đoạn mới là tập trung đẩy mạnh xây dựng kinh tế địa phương, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc, bảo đảm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam... Nêu cao tinh thần yêu nước, Hà Nội nỗ lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |