Đề tài không bao giờ cũ...

Văn hóa - Ngày đăng : 06:49, 12/04/2015

(HNM) - Ngày 10-4, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã giới thiệu bộ phim tài liệu nhựa (2 tập) mang tên

Tên phim "30/4 - Ngày thống nhất" đã cho thấy tinh thần của tác phẩm điện ảnh nằm trong dòng phim tài liệu cách mạng, tập trung vào chủ đề Ngày thống nhất đất nước. Nhưng, sau 40 năm diễn ra sự kiện lịch sử, bên cạnh sự chân thực, phân tích sắc sảo, khán giả còn đòi hỏi có những tình tiết, phát hiện mới về tư liệu, sự kiện, nhân vật và đặc biệt là các yếu tố thể hiện rõ thông điệp, nguồn lực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Hình ảnh Đại tá Nguyễn Thành Trung trong phim.


Với độ dài 2 tập, bộ phim đã đưa người xem trở lại với những dấu mốc không thể nào quên suốt chặng đường kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược tới ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối. Phim chú trọng xử lý tư liệu, phân tích tình hình quốc tế, trong nước, những bài học rút ra trong chiến tranh với cái nhìn đa chiều từ phía ta, phía đối phương, ý kiến của các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử, kiều bào ta ở nước ngoài... Hồi ức của các tướng lĩnh (mà theo ê-kíp làm phim, ngày càng khó tìm gặp, phỏng vấn) cũng góp phần làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử. Còn đó những bài học không bao giờ cũ như sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao; sức mạnh 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; kết hợp tổng tiến công và nổi dậy... Tất nhiên, điều này, bằng cách này hay cách khác, đã từng được phản ánh trong một số phim tài liệu về sự kiện này trong suốt 40 năm qua.

Đạo diễn phim "30/4 - Ngày thống nhất" - Đại tá, NSND Lê Thi chia sẻ: Chiến thắng 30-4 là điều ai cũng biết. Vấn đề đặt ra là phải lý giải và chỉ ra điều quan trọng nhất sau chiến thắng này chính là tinh thần hòa hợp dân tộc. Có thể nói, đây chính là tinh thần nòng cốt, tạo điểm nhấn cho bộ phim. Người xem dễ dàng nhận ra thông điệp nói trên qua những chi tiết, hình ảnh đã được đoàn phim dày công tìm kiếm, xử lý.

Ngay từ cuối năm 1975, đạo diễn Trần Việt đã có bộ phim "Chiến thắng lịch sử Xuân 1975" với nội dung phim dừng ở mốc thống nhất Bắc Nam năm 1975, từng giành Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977. Sau này, phim "Khoảnh khắc mùa xuân" (đạo diễn Trần Phi) tái hiện những giờ phút hào hùng đánh chiếm Dinh Độc Lập của quân giải phóng cũng được trao giải A Hội Nhà báo Việt Nam 1995. Nói về phim tài liệu đề tài chiến thắng 30-4 cũng không thể không nhắc đến "Mùa xuân toàn thắng" (gồm 4 tập của các đạo diễn Trần Duy Hinh, Nguyễn Khắc Lợi, Lê Thi) được đánh giá là "một thiên hùng ca khá đồ sộ" về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975...

Khỏi phải bàn cãi về tầm vóc sự kiện 30-4-1975 cũng như thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trong chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thống nhất đất nước là chấm dứt chiến tranh và chia cắt, non sông liền một dải, mở ra tương lai, cơ hội cho sự phát triển của cả dân tộc. Nhìn lại 40 năm qua, với những bộ phim tài liệu đề cập tới sự kiện này càng thấy rõ, đây là một đề tài không bao giờ cũ. Điện ảnh tài liệu nói chung và điện ảnh tài liệu về đề tài giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn cần những tác phẩm xứng tầm với lịch sử. Ở đó, không đơn thuần chỉ là việc khai thác tư liệu, mà phải thể hiện được tầm nhìn, tư tưởng và tính nghệ thuật nhằm chuyển tải thông điệp khát vọng hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của cả dân tộc Việt Nam.

Hải Giang