Thương vụ sáp nhập “đình đám”
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:37, 12/04/2015
Tuyên bố chung của hai tập đoàn đưa ra cho biết, hợp đồng được ký bằng tiền mặt và trao đổi cổ phiếu. Theo đó Shell sẽ trả cho mỗi cổ phiếu của BG 3,83 bảng Anh tiền mặt cộng với 0,4454 cổ phiếu hạng B của mình. Như vậy mỗi cổ phiếu của BG sẽ có giá 13,67 bảng Anh, cao hơn 52% so với giá trung bình trong 90 phiên giao dịch gần đây nhất. Tổng cộng Shell sẽ phải chi ra 47 tỷ bảng cho thương vụ, đồng thời sẽ phải chuyển giao 19% cổ phiếu của Shell cho các cổ đông của BG. Cả Shell và BG đều hài lòng với quyết định sáp nhập này, bởi bản hợp đồng được kỳ vọng sẽ cho ra đời một tập đoàn mạnh hơn, có khả năng cạnh tranh lớn hơn trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới bất ổn. Vì thế, ngay sau khi tuyên bố sáp nhập, giá cổ phiếu của BG đã lập tức tăng mạnh tới 40%.
BG là tập đoàn sản xuất khí đốt lớn thứ ba ở Anh, chủ yếu thăm dò và khai thác khí đốt và sản xuất khí hóa lỏng. Việc mua lại BG cho phép Shell tiếp cận với những mỏ dầu dồi dào sản lượng của BG ở Brazil, nguồn khí đốt còn chưa được khai thác ở khu vực Đông Phi và một dự án khí hóa lỏng lớn ở Australia. Không dừng lại ở đó, thương vụ sẽ đưa Shell trở thành nhà sản xuất khí hóa lỏng lớn nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, thương vụ sáp nhập dầu khí "đình đám" nhất trong thập kỷ này là kết quả của tình trạng giá dầu mỏ giảm mạnh trong vài tháng qua, khiến giá của các doanh nghiệp dầu mỏ cũng bị giảm. BG cũng không phải ngoại lệ khi giá dầu giảm sâu. Giá cổ phiếu của tập đoàn này đã giảm khoảng 30% trong vòng một năm qua. Vì thế, thương vụ này có thể kéo theo làn sóng sáp nhập trong lĩnh vực dầu khí thời gian tới. Thực tế cho thấy, khi giá năng lượng cao, các hãng dầu mỏ hài lòng với việc tiếp tục khoan dầu. Ngược lại khi giá giảm, họ thường chật vật xoay xở giữa lợi nhuận thấp và chi phí cao. Các công ty nhỏ khi đó trở thành mục tiêu thâu tóm hấp dẫn. Những thương vụ mua bán - sáp nhập lớn tạo ra các đại gia trong lĩnh vực năng lượng.
Với giá dầu ở dưới mức 60 USD/thùng, Shell sẽ không phải cái tên duy nhất có tham vọng tăng quy mô bằng việc mua bán - sáp nhập. Hãng dịch vụ dầu mỏ - Halliburton (Mỹ) gần đây cũng đã đề nghị chi 34,6 tỷ USD cho Baker Hughes (Mỹ). Repsol (Tây Ban Nha) năm ngoái cũng bỏ ra hơn 8 tỷ USD thâu tóm một công ty Canada. Nhiều thương vụ nhỏ hơn trong ngành cũng đã được công bố. Số thương vụ mua bán - sáp nhập tăng vọt khiến người ta nhớ đến thời hoàng kim của hoạt động sáp nhập ngành năng lượng. Đó là thời điểm cuối những năm 90, giá dầu giảm rất mạnh đã tạo ra nhiều cuộc sáp nhập lớn như BP và Amoco, Chevron và Texaco và đình đám nhất là Exxon và Mobil.