Bài 1: Hạn chế tư tưởng trông chờ... ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 12/04/2015

(HNM) - Được trung ương cho phép thực hiện thí điểm phân cấp mạnh một số lĩnh vực, TP Hà Nội đã ban hành các quyết định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành.

LTS: Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương theo hướng vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cấp dưới, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền thành phố là mục tiêu trong phân cấp quản lý kinh tế - xã hội đã được TP Hà Nội thực hiện trên 3 lĩnh vực: Kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, văn hóa - xã hội. Dù đã tạo tính chủ động cho mỗi ngành, địa phương, nhưng thực tiễn 5 năm qua cho thấy, một số nội dung vẫn chưa bảo đảm quản lý thống nhất; không ít bất cập đã bộc lộ, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

Bài 1: Hạn chế tư tưởng trông chờ... ngân sách

Được trung ương cho phép thực hiện thí điểm phân cấp mạnh một số lĩnh vực, TP Hà Nội đã ban hành các quyết định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần nâng cao tính chủ động của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều vấn đề cần điều chỉnh.

Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, một trong những công trình được phân cấp quản lý, xây dựng. Ảnh: Bá Hoạt


Tăng tính chủ động cho cơ sở

Ngay sau khi có Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 55/2011/QĐ-UBND quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; tỷ lệ phần trăm phân chia từ nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ dự toán chi ngân sách thuộc TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Các đơn vị đều cơ bản chấp hành nghiêm túc quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi gắn với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội (KT-XH) trên địa bàn. UBND thành phố cũng đã ban hành các quy định phân cấp quản lý KT-XH một số lĩnh vực cụ thể như: Quản lý doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung…; đồng thời rà soát, đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp quản lý KT-XH của địa phương. Sở Tài chính và Sở KH&ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố phân bổ dự toán chi ngân sách giữa các cấp và giữa các sở, ngành của thành phố cơ bản phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ sau phân cấp.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đánh giá, việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi đã góp phần thúc đẩy tính chủ động, tích cực của chính quyền địa phương. Việc quy định cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi và ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu ngân sách đã tạo điều kiện cho các quận, huyện, thị xã chủ động hơn trong việc xác định và phân bổ, sử dụng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi đã được phân cấp; hạn chế một phần tư tưởng trông chờ hay phụ thuộc vào ngân sách cấp trên. Cũng qua phân cấp, đã tăng tính chủ động cho các địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo phân cấp, bảo đảm cho cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Theo số liệu tổng hợp, trong 5 năm (2011-2015), tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) toàn thành phố khoảng 121 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn phân cấp cho quận, huyện, thị xã chiếm 24%. Ngoài 7 quận tự cân đối ngân sách (có tỷ lệ điều tiết về thành phố), 23 quận, huyện, thị xã còn lại đều được ngân sách thành phố bổ sung cân đối và bổ sung hỗ trợ có mục tiêu để thực hiện các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thực hiện chế độ, chính sách mới phát sinh trong thời kỳ ổn định ngân sách.

Phân cấp rõ việc, rõ trách nhiệm

Không chỉ tăng tính chủ động cho cơ sở, việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KT-XH còn giảm tải một phần công việc cho các sở chuyên ngành để tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp. Giai đoạn 2011-2015, TP Hà Nội đã thực hiện nguyên tắc, việc cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời hơn và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện; phân cấp rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp; đồng thời gắn phân cấp nguồn thu với nhiệm vụ chi.

Có thể nói việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư XDCB đã tạo tính chủ động cho các địa phương trong phân bổ cho các dự án, giúp họ chủ động huy động các nguồn thu để tạo nguồn chi cho đầu tư XDCB và hạn chế việc phân bổ kế hoạch XDCB dàn trải. Từ kết quả này, các quận, huyện, thị xã thuận lợi hoàn thiện thủ tục đầu tư XDCB, công tác giải ngân, thanh quyết toán dự án đầu tư. Nhận định về hiệu quả trong phân cấp, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho rằng, việc thành phố phân cấp nhiệm vụ chi rõ ràng (bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) cho từng cấp ngân sách đã tránh được tình trạng chồng chéo. Nhất là trong định mức chi ngân sách, thành phố quy định rõ ràng, dễ hiểu, tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra của HĐND và UBND quận, phường đối với thực hiện dự toán ngân sách của đơn vị.

Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND thành phố, cơ chế phân cấp không chỉ giảm bớt công việc cho cấp thành phố mà còn khuyến khích các địa phương chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu, đồng thời phấn đấu tăng thu ngân sách để có nguồn chi... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua quá trình thực hiện cho thấy, việc phân cấp của TP Hà Nội cũng đang bộc lộ những bất cập đòi hỏi cần có sự điều chỉnh cho phù hợp trong thời kỳ ổn định nguồn thu, nhiệm vụ chi giai đoạn 2016-2020...

Việt Tuấn