Xử phạt thôi... chưa đủ!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 12/04/2015

(HNM) - Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 10-4, ngày đầu cảnh sát giao thông đồng loạt tiến hành xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi xe gắn máy, xe đạp điện, các đơn vị đã lập biên bản xử phạt 199 trường hợp vi phạm, nhắc nhở 44 trường hợp, tạm giữ 13 phương tiện của người vi phạm.



Còn theo Cục Cảnh sát giao thông, trên địa bàn 47/63 tỉnh, thành phố cả nước đã có 1.280 trường hợp bị lập biên bản, 1.210 trường hợp bị xử phạt và lực lượng chức năng đã nhắc nhở 1.390 trường hợp... Con số này phản ánh phần nào thực trạng của việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Sở dĩ nói "phần nào" vì thực tế, rất nhiều bậc làm cha, làm mẹ vẫn chưa cho con trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Và điều này cũng phần nào cho thấy việc chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật nói chung và trên lĩnh vực giao thông nói riêng luôn là vấn đề thời sự.

Trước hết, có thể nói, không phải đến thời điểm này, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên 6 tuổi tham gia giao thông bằng xe gắn máy, xe đạp điện mới thu hút sự quan tâm của dư luận, từ nhiều năm trước, những quy định này đã được đưa vào luật, văn bản dưới luật... Thế nhưng, nhiều người làm cha, làm mẹ vẫn bất chấp quy định, trong khi đó các lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở... nên hiệu lực thi hành pháp luật trong cuộc sống chưa cao. Và từ nhiều tuần trước, việc tuyên truyền đã được đẩy mạnh, băng rôn được đưa ra nhiều tuyến phố, các trường học trong cả nước cũng rất rốt ráo trong việc phổ biến yêu cầu học sinh và các bậc phụ huynh thực hiện quy định này. Tuy nhiên, không phải ai cũng để tâm thực hiện. Cũng vì thế trong ngày đầu ra quân xử phạt, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng: Mức xử phạt mỗi lần vi phạm không đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi ngồi trên xe máy từ 100 dến 200 nghìn đồng bằng giá một chiếc mũ bảo hiểm ngoài thị trường, nhưng tôi thấy quan trọng hơn chính là việc bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ... Nhưng cũng không ít người viện dẫn: Do bận việc nên chưa có thời gian mua mũ bảo hiểm cho trẻ...

Sự thờ ơ trong việc thực hiện quy định nêu trên là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, gây tử vong trẻ em ở lứa tuổi học sinh vẫn tăng cao. Theo thống kê mới đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, trong đó, nguyên nhân không đội mũ bảo hiểm chiếm tới 50%. Một con số hết sức đáng lo ngại đối với toàn xã hội; đồng thời cũng rất đáng quan tâm với ý nghĩa cảnh báo đối với các bậc làm cha, làm mẹ. Thế nhưng, với nhiều người vẫn là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi..." và rồi trách nhiệm, việc đáng phải làm của các bậc phụ huynh và của mỗi học sinh để bảo đảm an toàn cho con em mình hay cho chính mình lại trở thành việc của nhà trường và của toàn xã hội (nhà trường phải nhắc nhở, các lực lượng chức năng phải ra quân, phải xử phạt)... Đây có phải là một nghịch lý?

Rõ ràng khi các bậc làm cha, làm mẹ chưa tròn trách nhiệm với con em mình và khi nhiều học sinh vẫn chưa ý thức được việc đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính mình..., thì xử phạt nghiêm khắc là giải pháp hiệu quả nhất để điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, để giảm chấn thương hoặc tử vong do tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh thì xử phạt chỉ là một trong nhiều giải pháp. Một giải pháp không kém phần quan trọng là nâng cao chất lượng mũ bảo hiểm cho lứa tuổi học sinh. Bởi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đúng quy cách thì khi tai nạn giao thông xảy đến vẫn không thể lường hết hệ lụy. Trong khi đó, mũ bảo hiểm rởm, không bảo đảm tiêu chuẩn vẫn được bày bán trên rất nhiều tuyến phố và tình trạng đội mũ bảo hiểm theo kiểu "cho có" vẫn diễn ra.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, để giảm tai nạn cho lứa tuổi học sinh phải có những giải pháp đồng bộ từ việc sản xuất mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng đến xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm và quan trọng hơn là sự quan tâm thông qua những hành động cụ thể để bảo vệ "tương lai của đất nước", chứ không phải đẩy việc làm "của tôi", trách nhiệm "của tôi" cho toàn xã hội.

Thế Phương