Bài cuối: Giai đoạn mới, vai trò mới

Chính trị - Ngày đăng : 06:08, 12/04/2015

(HNM) - Quân và dân miền Bắc, trong đó có vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội Anh hùng, có thể tự hào vì đã dốc toàn bộ khả năng và sức mạnh để cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975.



Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976) đã đánh giá: "Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa". Quân và dân miền Bắc, trong đó có vai trò quan trọng của Thủ đô Hà Nội Anh hùng, có thể tự hào vì đã dốc toàn bộ khả năng và sức mạnh để cùng cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975.

Thu hoạch lương thực tại Quốc Oai trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ảnh: Hoàng Thiết


Hà Nội và "hậu phương lớn" miền Bắc

Xuất phát từ vị trí, vai trò của hậu phương, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám khóa II (1955) nhận định "Miền Bắc là chỗ đứng của ta, bất kể trong tình hình nào miền Bắc cũng phải được củng cố". Tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (9-1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của nhân dân ta, nền có vững nhà mới chắc, gốc có mạnh cây mới tốt".

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc mà tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội chính là nguồn sức mạnh to lớn cả về vật chất và tinh thần trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và góp phần quyết định xây dựng ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước.

Muốn hậu phương chiến lược vững mạnh không thể thiếu tiềm lực kinh tế. Xây dựng hậu phương có tiềm lực kinh tế phát triển mới có thể đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ngày càng lớn của chiến tranh, mới đủ sức đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh để đi đến thắng lợi cuối cùng. Mặt khác, kinh tế có phát triển mới có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở hậu phương, mới duy trì và bồi dưỡng được sức dân trong điều kiện chiến tranh ác liệt kéo dài. Nếu coi tiềm lực chính trị là cơ sở thì tiềm lực kinh tế là điều kiện thúc đẩy tiềm lực quốc phòng.

Năm 1965, hậu phương miền Bắc xây dựng được 18.600 hợp tác xã bậc cao, trên 90% hộ nông dân vào hợp tác xã, gần 700 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn thóc trên 1 hécta mỗi năm. Tới năm 1970, sản lượng lương thực toàn miền Bắc đạt xấp xỉ 5,3 triệu tấn, tăng hơn nửa triệu tấn so với năm 1969. Vào thời điểm đó, nếu như năng suất lúa bình quân cả năm trên 1ha ruộng hai vụ của miền Bắc đạt 43,11 tạ thì thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình là hai địa phương đạt năng suất trên 5 tấn thóc/ha… Về công nghiệp, tỉ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm công - nông nghiệp của miền Bắc tăng từ 42,4% năm 1960 lên 53% năm 1965. Sau đó, tới năm 1970, những cơ sở công nghiệp ở các địa phương mà Hà Nội là trọng điểm, bị địch tập trung đánh phá trong chiến tranh phá hoại phần lớn đã được khôi phục, giá trị tổng sản lượng công nghiệp đạt vượt mức kế hoạch đề ra và xấp xỉ bằng năm 1965…

Hướng ra tiền tuyến, Thủ đô Hà Nội và nhân dân miền Bắc đã thực hiện "mỗi người làm việc bằng hai" để tăng cường tiềm lực kinh tế, không ngừng đưa lực lượng, phương tiện và vật chất vào chiến trường với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt. Những phong trào thi đua lớn như "Ba đảm đang", "Ba quyết tâm", "Năm xung phong", "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ trong giai đoạn mới được Thành ủy Hà Nội xác định là tập trung đẩy mạnh xây dựng kinh tế địa phương, góp phần củng cố hậu phương miền Bắc, bảo đảm phục vụ tiền tuyến lớn miền Nam đã được các địa phương nhiệt tình hưởng ứng, nhân rộng, trở thành những cao trào cách mạng đi vào lịch sử của từng ngành, từng giới. Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" khởi nguồn từ quê hương Đan Phượng đã lan tỏa, động viên, thôi thúc hàng triệu phụ nữ miền Bắc tiễn chồng, con ra mặt trận. Rồi phong trào "chiếc gậy Trường Sơn" khởi phát từ miền quê Hòa Xá thuộc huyện Ứng Hòa như lời nhắn nhủ, cổ vũ lớp lớp thanh niên lên đường, "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"...

Những đóng góp thiết thực của Thủ đô Hà Nội và địa phương miền Bắc thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của hậu phương đối với tiền tuyến đã góp phần quan trọng cùng quân và dân miền Nam ruột thịt làm nên chiến thắng vĩ đại Mùa xuân năm 1975. 40 năm trôi qua, những bài học kinh nghiệm về xây dựng ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là di sản vô giá đối với nhân dân ta, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những bài học cho hôm nay

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối chiến lược và phương pháp tiến hành chiến tranh cách mạng đúng đắn, hợp lòng dân đã khơi dậy, quy tụ ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc của toàn dân tộc tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, làm nên những kỳ tích ở cả tiền tuyến và hậu phương. Tại Hà Nội và khắp các địa phương miền Bắc, ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc đã được thể hiện bằng hành động cụ thể, bằng hiệu quả chiến đấu, hiệu suất công tác ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng từ trung ương đến địa phương, cơ sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, hợp tác xã...

Đặc biệt, thực tiễn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy, xây dựng ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, cả đường lối và phương pháp cách mạng, cả sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác tuyên truyền, động viên chính trị, phát huy quyền dân chủ của nhân dân trong xây dựng và chiến đấu. Trong đó, công tác tuyên truyền, động viên chính trị được đặc biệt coi trọng với nội dung, hình thức tổ chức phong phú, sinh động, nhờ đó đã kịp thời cổ vũ, động viên cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, ý chí quyết tâm thống nhất Tổ quốc vào cuộc kháng chiến. Mỗi phong trào đều có mục tiêu rõ ràng, thiết thực, có chỉ tiêu cụ thể, thích hợp với từng đối tượng, và có những khẩu hiệu hừng hực khí thế cách mạng tiến công, điển hình là một số phong trào khởi xướng tại Hà Nội như: phụ nữ "Ba đảm đang"; thanh niên "Ba sẵn sàng"; "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"… Chính điều đó đã huy động được toàn diện sức mạnh của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, đồng thời tăng cường sự nhất trí về chính trị, củng cố vững chắc niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi, quyết tâm biến đường lối, phương pháp cách mạng thành hành động cách mạng.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện công cuộc đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều thuận lợi và nguy cơ thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, tiến hành xây dựng và chuẩn bị hậu phương đất nước trên các mặt, phù hợp với yêu cầu và điều kiện mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước phải luôn được đặt gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong thời bình, chúng ta phải tích cực chủ động xây dựng Thủ đô và các địa phương trở thành hậu phương vững mạnh toàn diện trên tất cả các mặt, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc. Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, kết hợp giữa xây dựng và và bảo vệ vững chắc hậu phương để đáp ứng kịp thời với các tình huống. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, thực hiện triệt để quyền dân chủ của nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô và đất nước.

Và đặc biệt, hơn bao giờ hết, tinh thần "Hà Nội vì cả nước", "Cả nước vì Hà Nội" không chỉ được thắp sáng trong những năm tháng chiến tranh mà phải trở thành hành động cụ thể, thiết thực để mở ra những cơ hội mới trong hợp tác và phát triển cho Thủ đô cùng các địa phương trong cả nước.

Thái Sơn