Chuyện ít biết về người vẽ chân dung Bác bằng máu ở cửa ngõ Sài Gòn

Chính trị - Ngày đăng : 08:00, 11/04/2015

Sau trận chiến đấu vô cùng khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 28.4.1975 của các chiến sĩ Quân đoàn 2, ai cũng biết câu chuyện cảm động của người chiến sĩ - họa sĩ Lê Duy Ứng lúc bị thương nặng đã lấy chính dòng máu chảy tràn ra từ khóe mắt để vẽ chân dung Bác Hồ.


Nhiều người đã cảm phục trước nghị lực vươn lên trong cuộc sống anh, nhưng ít ai biết những chuyện ly kỳ phía sau cuộc đời chàng trai dũng cảm ấy đã xảy ra như thế nào.

Bản sao bức vẽ Bác Hồ bằng máu được họa sĩ Lê Duy Ứng giữ gìn cẩn thận.


Sống lại ở… nhà xác tiền phương

Bây giờ chàng trai Lê Duy Ứng đã lên chức ông nội. Tin vui lớn mà ông báo cho chúng tôi là Chủ tịch nước vừa phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông - điều mà chính Chủ tịch Nước cũng phải ngạc nhiên: Sao bây giờ mới được phong?! Còn tin buồn là hai mắt của ông sau khoảng thời gian được phẫu thuật cho sáng lại, thì giờ đang trở về lại trạng thái mờ đục, thấy bóng tối nhiều hơn ánh sáng. Nhưng ông vẫn miệt mài vẽ tranh, nặn tượng mỗi ngày. Bức tranh về trận chiến can trường của những anh hùng Gạc Ma mà ông vừa mới hoàn thành, còn thắm ướt màu sơn, đem ra “khoe” chúng tôi cho thấy rằng, tinh thần và nghị lực của ông vẫn còn “sung” lắm.

Ký ức về giờ phút thập tử nhất sinh của 40 năm trước, ông còn nhớ rất rõ: “Khi đó, chỉ còn cách cửa ngõ Sài Gòn 30km, tôi bị trúng phải đạn của súng chống tăng M72 làm bị thương ở đầu, ngực và nặng nhất là hai mắt. Trong phút hoảng loạn vì đau đớn, cận kề cái chết, bỗng hình ảnh của Bác ùa về trong tâm trí tôi. Với tất cả niềm mến yêu và kính trọng, tôi lấy hết sức lực cuối cùng, dùng các đầu ngón tay thấm dòng máu nóng đang chảy tràn ra từ hai khóe mắt, ký họa thật nhanh chân dung của Bác.

Không hiểu sao, tôi nhớ rất rõ từng chi tiết, đường nét chân dung Bác. Chỉ vài phút sau, bức chân dung đã được hoàn thành kèm theo dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin/ Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân”.

Máu tuôn chảy nhiều quá, tôi cứ lịm dần đi, nhưng đã kịp cuốn bức vẽ cất vào trong ngực áo cẩn thận” - họa sĩ Lê Duy Ứng chia sẻ. Bức họa đã trở thành một trong những biểu tượng của niềm tin chiến thắng của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Khi được đồng đội tìm thấy, toàn thân ông đã bất động, mạch đã ngừng đập, máu chảy đẫm áo. Lúc thay quân phục cho ông, các y sĩ kinh ngạc khi phát hiện ra bức chân dung vẽ Bác Hồ bằng máu trong ngực áo. Trong suốt quãng thời gian chờ đồng đội chuẩn bị áo quan, ông bất ngờ tỉnh dậy, thều thào kêu: “Nước, nước!”. Rất may lúc đó có một chiến sĩ quân y tên là Hồ Chí Quyết tình cờ đi ngang qua nên vội vàng lao vào kiểm tra và sửng sốt khi phát hiện chiến sĩ Lê Duy Ứng đã tỉnh lại.

Người ta vừa bế ông ra khỏi nhà xác độ chừng được 60m thì ngay lập tức, nhà xác của trạm tiền phương bị bom địch trút xuống, vùi lấp trong tro bụi. Một lần nữa ông lại thoát chết trong gang tấc.

Lập kế hoạch… tự tử

Khi được thông báo thương tật ở mắt là 91% và có thể không nhìn thấy vĩnh viễn, ông tuyệt vọng. Ông không còn cảm giác hạnh phúc của người mới thoát khỏi tử thần, bởi vì đối với một người họa sĩ, mù cũng đồng nghĩa với… đã chết.

Trong hơn một tháng điều trị ở Nha Trang, ông đã nhiều lần lập kế hoạch cho cái chết của mình. Lần thứ nhất, mỗi khi đến giờ uống thuốc, ông lại trình bày với y tá về bệnh khó ngủ để xin một viên thuốc garadenal. Đây là dạng thuốc an thần có cấp độ độc cao, liều gây chết người của garadenal là 5g, nhưng có người chỉ uống 1gr cũng có thể tử vong. Dồn được đến viên thứ 6 thì cô y tá Dung phát hiện ra ở dưới gối và đem cất đi.

Lần thứ hai, ông được một vài đồng đội đưa đi tắm biển. Trong lúc đang tắm, ông buông tay đồng đội, tiến ra vùng nước sâu để trầm mình, nhưng ngay lập tức lại bị đồng đội túm lấy tay dắt chuyển vào trong bờ, thế là kế hoạch thất bại lần nữa.

Lần thứ ba, ông được một người đồng đội cũng là thương bình đưa đi dạo phố, khi nghe tiếng ôtô chạy ầm ầm bên đường, ông nhoài người trượt vào bánh xe, nhưng lại bị đồng đội nhoài người kéo lại. Điều đã khiến ông từ bỏ hẳn ý định tự tử, lại là một buổi chiều muộn ở quân y viện, ông bỗng nghe thấy tiếng hát của một thương binh nào đó rất rõ, cất lên. Giọng hát tươi vui, lảnh lót, chứa đựng sự yêu đời, làm ông không khỏi ngạc nhiên.

Ở cái chốn toàn thương binh thế này, sao có người lại vui vẻ đến thế? Ông liền gọi một y sĩ lại hỏi, cô y tá liền đáp như động viên: “Là một người bị thương rất nặng, nặng hơn anh gấp nhiều lần, anh ấy bị mù hai mắt, cụt hai tay, lại bị mảnh bom vạt mất một bên mặt”. Thông tin đó làm ông kinh ngạc lẫn cảm phục người đồng đội ấy, cảm như mình tìm thấy được ánh sáng niềm tin của cuộc sống.

Khi được chuyển ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội, ông lại ở cùng phòng với người thương binh kia, vì cả hai đều là thương binh nặng. Tên người đó là Vũ Đình Phơn, quê ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Người mà nhiều năm sau ông có dịp gặp lại, thì ông Phơn đang sống hạnh phúc với cả một đàn con. Còn lúc ở Viện 108, ông Phơn là bạn tri kỷ, là người tạo động lực, niềm tin để ông không “đòi” chết. Đặc biệt, có lần đang mò mẫm đắp tượng Bác Hồ thì ông nghe tiếng của một người nói đặc giọng Quảng Bình: “Ứng giỏi thật! Đôi bàn tay rất nhạy cảm!”.

Trái tim ông xao xuyến khi biết đối diện với mình chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc đó, Đại tướng nói, Beethoven sáng tác những bản nhạc hay nhất lúc đã bị điếc hai tai, hãy lấy tấm gương đó mà phấn đấu và rèn luyện! “Lời của Đại tướng như tiếp thêm nhiên liệu vào “cây đèn niềm tin” của tôi, và theo tôi tới suốt cuộc đời” - ông trầm tư.

Được bạn gái… cầu hôn

Lúc này tinh thần của ông đã khá lên, nhưng ông vẫn giấu tình trạng của mình, không để cho gia đình biết, kể cả đối với cô bạn gái mà ông rất đỗi yêu thương - cô Trần Thị Lê, người con gái Hà Nội xinh xắn, nết na. Hai người gặp nhau tại Quảng Trị năm 1973, nhưng chiến tranh đã nhanh chóng làm họ phải xa cách như nhiều đôi trẻ khác. Ông tìm mọi cách trốn tránh, nhưng một người bạn đã báo tin cho cô Lê là ông đã bị thương rất nặng, đồng thời nói rõ số phòng, khoa của Bệnh viện 108 cho cô.

Hai vợ chồng ông trong một buổi lễ gần đây.


Cô ấy đã đến bên tôi dịu dàng: Anh ra mà sao không báo tin với em? Tôi nén yêu thương lại rồi bảo với cô ấy, em hãy về và tìm lấy một người nào khác đi, anh bây giờ tàn tật rồi, không lấy vợ nữa. Rồi chúng tôi cùng khóc. Cô ấy nói trong nước mắt: Em yêu ai thì chỉ yêu đến chết một người thôi. Nhưng tôi vẫn từ chối cô ấy và khuyên đi về.

Lần thứ hai cô ấy lại vào viện, lại thuyết phục tôi rằng: Em muốn gánh một phần vất vả cho cuộc đời của anh. Lần này cô ấy lại bị tôi từ chối tiếp. Nhưng không nản, cô ấy cứ thi thoảng lại vào bệnh viện thăm, động viên tôi như thế. Tôi chuyển vào Vinh điều trị cô ấy cũng vào thăm.

Rồi một lần, cô ấy đã đưa cả bố mẹ và các em vào viện rồi nói: Anh đừng từ chối em mãi thế, em biết anh từ chối rồi anh cũng sẽ có vợ, em cũng sẽ có chồng, nhưng người vợ anh lấy anh sẽ không biết mặt. Còn em là người yêu cũ anh biết mặt rồi, sau này nếu sinh con ra, người ta nói con giống em thì anh tưởng tượng luôn được mặt con. Câu nói này đã làm tôi quá xúc động, vì thế ngày 19.9.1976, chúng tôi đã quyết định làm lễ cưới tại khu tập thể Trương Định (Hà Nội) dù trong lòng vẫn lo bà ấy sẽ khổ cả đời vì tôi cho mà xem” - ông cười hiền hậu.

Đến năm 1977, hai người sinh con trai đầu lòng đặt tên là Lê Đông Hà để kỷ niệm nơi lần đầu tiên gặp nhau tại Quảng Trị đổ nát. Năm 1982, ông được Giáo sư - bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân phẫu thuật ghép giác mạc, mắt ông sáng trở lại như một phép màu. Hai người sinh tiếp con gái đặt tên là Thu Hà, kỷ niệm mùa thu Hà Nội sáng mắt của ông.

Gần 40 năm qua họ đã lặng lẽ đi bên nhau, làm chỗ dựa cho nhau đi qua những sóng gió cuộc đời.

- Họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình); nhập ngũ tháng 9.1971 khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

- Ngày 28.4.1975, khi bị thương hỏng cả hai mắt, ông đã dùng máu để vẽ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã sáng tác hàng ngàn bức tranh, tượng; tổ chức 44 cuộc triển lãm nghệ thuật; giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước.

- Ông đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, 1 Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Chủ tịch Nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 30.10.2013.

Theo Lao Động