Vì hạnh phúc của chính gia đình mình

Bạn đọc - Ngày đăng : 07:31, 11/04/2015

(HNM) - Trong những ngày vừa qua trên báo chí, truyền hình liên tục đưa tin về thực hiện quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em, qua đó chúng tôi biết bắt đầu từ ngày 10-4 phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên, học sinh (HS) đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt hành chính,




Nghe tivi thông báo, mỗi năm cả nước có gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có hơn 50% là do không đội mũ bảo hiểm chúng tôi càng hiểu và đồng tình phải thực hiện quyết liệt quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, HS khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để chủ trương trên được thực hiện, cần nâng cao nhận thức cho mỗi HS và phụ huynh HS. Mặc dù những năm qua đã có nhiều biện pháp tuyên truyền về đội mũ bảo hiểm trong HS, nhưng việc thực hiện vẫn mang nặng tính hình thức, chưa có nhiều chuyển biến tích cực vì còn thiếu chế tài xử phạt nghiêm, tạo ra tâm lý coi thường, nhờn luật. Ngay trong gia đình tôi cũng vậy. Còn nhớ cách đây ba năm, khi Hà Nội triển khai quy chế phối hợp giữa hai ngành giáo dục và công an về an toàn giao thông trường học, tôi đã nhắc nhở các con mình mua mũ bảo hiểm phù hợp cho bốn đứa cháu nội, ngoại. Lúc đó, các con tôi cũng viện ra đủ lý do để trì hoãn: Nào là các cháu còn bé xương cổ chưa đủ cứng cáp để đội mũ, trường học gần nhà không cần đội mũ, rồi con đội mũ còn bố mẹ phải lo quản lý mũ rất bất tiện… Chỉ đến khi đứa cháu con nhà em ruột tôi mất do tai nạn giao thông vì không đội mũ bảo hiểm thì các con tôi mới tự giác kiểm tra lại chất lượng mũ bảo hiểm của cả gia đình và trang bị đủ mũ cho các cháu nội, ngoại. Vì vậy, tôi rất ủng hộ chủ trương kết hợp giữa tuyên truyền và xử phạt vi phạm hành chính, kèm với đó là các hình thức nhắc nhở nghiêm khắc HS cùng những trường học để xảy ra tình trạng HS, cán bộ, giáo viên không đội mũ bảo hiểm, vi phạm Luật Giao thông...

Nhìn lại những hình ảnh ngày đầu xử phạt hành chính (10-4) đối với các trường hợp trẻ em, HS không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên sóng truyền hình và các trang báo điện tử tôi thấy yên tâm hơn vì ý thức chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm của HS và phụ huynh đã có chuyển biến rõ rệt. Số phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con; tình trạng HS không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện đã giảm hẳn. Con số thống kê nhanh cho thấy, đến trưa ngày 10-4, trên địa bàn toàn quốc lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ phải xử lý 800 trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tôi thấy rất vui với cách xử lý thấu tình đạt lý của các anh Cảnh sát giao thông Hà Nội. Dù siết chặt kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm nhưng các anh công an đã khéo léo kết hợp lồng ghép cả công tác tuyên truyền trong xử lý từng tình huống. Ngoài nhắc nhở các bậc phụ huynh tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để nêu gương, bảo đảm an toàn cho chính con em mình, các chiến sĩ Cảnh sát giao thông còn hướng dẫn, giảng giải cho các em HS hiểu về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Những hình ảnh đó khiến nhiều người dân thấy thân thiện, văn minh hơn, phần nào giúp "cải thiện" hình ảnh Cảnh sát giao thông trong mắt người dân và quan trọng hơn là đã không gây ra áp lực tâm lý đối với các em HS khi vi phạm.

Để quy định về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em trở thành ý thức, thói quen hàng ngày, tôi nghĩ trong thời gian tới vẫn rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của nhà trường, gia đình và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu mọi người đều ý thức sâu sắc được rằng đây là việc làm để bảo đảm an toàn tính mạng cho con em mình, vì hạnh phúc của chính gia đình mình thì việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, HS sẽ được các gia đình tự giác thực hiện, không cần phải áp dụng đến các chế tài xử phạt.

Đỗ Thị Kim Thanh