Lòng trắc ẩn và lỗ hổng trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 11/04/2015

(HNM) - Mấy ngày qua, sau hàng loạt thông tin đưa ra từ các trang mạng, đặc biệt là mạng xã hội, rất nhiều người dân Thủ đô đã mua dưa hấu để giúp đỡ nông dân một số tỉnh miền Trung. Cũng chẳng có gì khó hiểu bởi việc


Cũng là dưa hấu, nhưng những người tinh ý sẽ thấy có hai loại được bán trong đợt "cao điểm" này là dưa tròn và dưa dài. Dưa tròn được thu mua để hỗ trợ nông dân gặp mưa lũ trái mùa, nếu không thu hoạch, bán nhanh thì thiệt hại không thể đo đếm. Dưa dài là loại dưa được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị ùn ứ do tốc độ kiểm tra, thông quan chậm chạp của phía đối tác.
Nếu không được giải phóng sớm dưới cái nắng đầu hè, hàng chục tấn dưa chờ xuất khẩu sẽ hỏng. Theo phản ánh của một số cơ quan truyền thông đại chúng, một cán bộ Bộ Công thương đã nảy ra "sáng kiến" chuyển dưa ngược từ cửa khẩu về Hà Nội để bán. Dù là dưa tròn hay dưa dài, việc làm nghĩa hiệp của mọi người đều rất đáng ghi nhận, hoan nghênh.

Thế nhưng, nói đi phải có nói lại. Người nông dân "đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương" chịu cảnh được mùa, mất giá không phải là chuyện mới, thậm chí năm nào cũng tái diễn trước sự (dường như là) bất lực của các cơ quan chức năng. Chuyện vì thiên tai, lũ lụt phải thu hoạch nhanh, thu hoạch sớm "xanh nhà hơn già đồng" cần sự hỗ trợ, tương thân, tương ái của đồng bào cả nước là rất đáng hoan nghênh. Dù rằng phía sau đó là những hạn chế trong quy hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân phát triển sản xuất hay yếu kém trong tiêu thụ nông sản, công nghệ chế biến sau thu hoạch... không thể nói chuyện... rút kinh nghiệm.

Một phóng sự trên kênh truyền hình thời sự quốc gia mới đây đã phản ánh việc hàng dài xe dưa hấu xuất sang Trung Quốc xếp hàng chờ đến lượt qua cửa khẩu, dẫn tới hư hỏng. Việc này đã diễn ra 13 năm trước và liên tục tái diễn hằng năm. Chuyện này xảy ra không chỉ với dưa hấu, mà cả vải thiều, xoài... và nhiều nông sản khác. Theo một lãnh đạo ngành hải quan, "lỗi" chính là tốc độ kiểm tra, thông quan của phía bạn. Trong khả năng của mình, hải quan cửa khẩu chỉ nỗ lực làm việc theo giờ nhập hằng của phía bạn để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu nhằm giảm tối đa thiệt hại cho nông dân, thương lái. Hơn chục năm liên tục diễn ra thực trạng trên nhưng các cơ quan chức năng không thể tìm ra giải pháp phối hợp với các bên đối tác để khắc phục, thật sự là điều đáng buồn! Không thể nói các cơ quan hữu quan nước nhà từ ngành nông nghiệp tới ngành công thương rồi ngành tài chính thiếu trách nhiệm bởi họ đã nỗ lực tối đa xử lý… tình huống. Đáng buồn ở đây là các cơ quan chức năng dường như chưa quyết tâm, nỗ lực tìm giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề để rồi... "sáng kiến" của vị cán bộ Bộ Công thương nào đó chuyển dưa quay lại Hà Nội để bán ngang giá, thậm chí cao hơn xuất khẩu trở thành "giải pháp đúng". Vì sao vậy? Vì chí ít cũng hạn chế phần nào thiệt hại. Thế nhưng, như đã nói, đó chỉ là giải pháp xử lý tình thế.

Lòng trắc ẩn, "thương người như thể thương thân" của người dân Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung luôn tràn đầy, nhưng không thể mua, ăn dưa ngày này qua ngày khác. Nếu sản lượng dưa quá lớn, liên tục đổ về thì chắc chắn người tiêu dùng cũng… ngán. Rõ ràng bài toán phối hợp chặt chẽ từ quy hoạch, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ, công nghệ chế biến sau thu hoạch là rất quan trọng. Chỉ khi làm tốt điều đó, nông dân mới thoát khỏi cảnh "được mùa mất giá". Không phải các cơ quan chức năng không biết chuyện đó, vấn đề là trách nhiệm hỗ trợ nông dân đến đâu? Là dưa, là vải có thể kêu gọi, phát động người dân "ưu tiên dùng hàng Việt Nam", còn nếu là ớt, là hành, là tỏi… thì sao? Phải chăng là lỗi hệ thống? Có người đặt ra những câu hỏi như vậy. Rõ ràng lòng nhân ái không thể khỏa lấp lỗ hổng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyễn Đức