Quan trọng là thiết kế chính sách
Công nghệ - Ngày đăng : 06:43, 10/04/2015
Khoa học công nghệ cần được đầu tư có trọng điểm. Ảnh: Nhật Nam |
- Thưa ông, sau khi có kết quả kiểm toán từ năm 2010-2014 vừa qua Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra một số hạn chế trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho KH&CN. Ở góc độ của Bộ KH&CN, ông nhìn nhận như thế nào về một số hạn chế này?
- Ông Nguyễn Ngọc Song: Hoạt động kiểm toán những năm qua mang tính kiểm toán ngân sách, tức là kiểm toán tiền và tài sản chứ chưa lần nào thực hiện kiểm toán chuyên đề mang tính ngân sách chuyên ngành như năm 2015. Tuy nhiên, cũng giống như các Bộ, ngành khác, trong quá trình kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện ra một số vấn đề còn hạn chế. Ví dụ như tính tuân thủ chưa cao, một số đơn vị trong quá trình sử dụng ngân sách nhà nước chưa có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nội dung chi còn chưa phù hợp, tài sản của Nhà nước chưa được sử dụng đúng mục đích. Thông qua mỗi một lần kiểm toán, bản thân đơn vị cũng có những nhận thức và chấn chỉnh những hành vi, hoạt động của mình.
- Nguyên nhân của những hạn chế trên là gì, thưa ông?
- Ông Nguyễn Ngọc Song: Những hạn chế, khiếm khuyết mà Kiểm toán nhà nước chỉ ra trong việc sử dụng kinh phí cho KH&CN có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Nguyên nhân chủ quan đó là có phần do cơ quan chủ trì, người chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trong quá trình thực hiện có sơ suất. Có những người cố tình làm sai quy định quản lý tài chính nhà nước. Bên cạnh đó, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo. Ví dụ như: Nguồn lực ngân sách nhà nước cho KH&CN là 2% theo quy định của Luật KH&CN năm 2013, nhưng trong thực tế lại không đủ. Như năm 2014 là 1,36%, năm 2015 là 1,52% ít hơn so với luật quy định. Hơn nữa, phân bổ nguồn lực không được tập trung thậm chí còn sai mục đích, đặc biệt là ở địa phương, trong phần kinh phí đầu tư phát triển. Trong báo cáo tổng kết của Vụ Phát triển KH&CN địa phương cho biết, phần kinh phí đầu tư phát triển sử dụng đúng mục đích chỉ chiếm 40%. Nguyên nhân đó là sau khi phân bổ dự toán ngân sách, Luật Ngân sách hiện tại phân cấp cho HĐND các địa phương tự quyết định tên dự án, và quá trình thực hiện. Qua quá trình rà soát, các tỉnh, địa phương, các dự án không liên quan đến KH&CN nhưng vẫn tính vào kinh phí hoạt động KH&CN.
- Vậy chúng ta sẽ khắc phục những hạn chế trên bằng cách nào?
- Ông Nguyễn Ngọc Song: Nghị định 95/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014, Chính phủ đã quy định trong Điều 4 rất cụ thể đó là nội dung chi ngân sách cho KH&CN. Trên cơ sở đó, trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ rà soát tất cả dựa trên nội dung này về tỷ lệ chi giữa ngân sách địa phương với ngân sách trung ương, tỷ lệ chi giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển. Bộ KH&CN cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư để đưa ra tỷ lệ điều chỉnh hằng năm cho phù hợp, đặc biệt là phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của từng Bộ, ngành, địa phương tức là của khu vực trung ương và khu vực địa phương trong từng thời kỳ, thời gian cụ thể.
- Kết quả kiểm toán cũng cho thấy một thực tế là cơ chế sử dụng quỹ trong KH&CN còn chưa hợp lý và nhiều bất cập. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?
- Ông Nguyễn Ngọc Song: Hiện nay có Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, quỹ đã được thành lập và hoạt động vào năm 2008. Quỹ này có 2 nội dung. Thứ nhất là tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản, theo đánh giá của nhiều cơ quan là tương đối tốt. Thứ hai là để cho vay, tuy nhiên sau 5, 6 năm hoạt động, quỹ vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu nào. Bên cạnh đó còn có Quỹ Phát triển KH&CN của Bộ, ngành, địa phương. Quỹ được thành lập theo Quyết định 117/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã có 29 tỉnh, thành và 2 Bộ thành lập Quỹ này. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng chưa triển khai hiệu quả được nguồn lực từ quỹ.
Để khắc phục những hạn chế trên, quan trọng nhất là thiết kế chính sách, trong đó Quỹ bộ, ngành, địa phương phải liên thông với quỹ doanh nghiệp để phục vụ tối đa doanh nghiệp; liên thông trong các doanh nghiệp với nhau. Theo Luật KH&CN và Luật Thuế thu nhập, doanh nghiệp nhà nước phải trích lập tối đa là 10% thu nhập tính thuế hằng năm cho Quỹ Phát triển KH&CN doanh nghiệp. Các khu vực doanh nghiệp khác ngoài nhà nước trích quỹ theo tỷ lệ hợp lý. Khi doanh nghiệp có quỹ này sẽ rất chủ động trong việc đổi mới công nghệ, sáng tạo, tạo ra năng lực cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm cho doanh nghiệp. Năm 2015 là năm của doanh nghiệp theo tinh thần của Chính phủ. Những người làm chính sách ở các Bộ đều nhắm tới phục vụ doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp muốn phát triển được phải tạo năng lực cạnh tranh, để làm được điều đó, không có con đường nào khác là đổi mới công nghệ. Đấy là quy trình làm tốt nhất.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi.