Sẽ có nhiều cơ hội cho Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 14:55, 09/04/2015
Hai bên dự kiến sẽ ký kết các văn bản quan trọng vào cuối quý 2 năm nay. Việc ký kết này sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa 2 nước gấp 2.5 lần. Là thành viên trong phái đoàn của chính phủ Nga lần này, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nga, Denis Manturov, cũng là đồng chủ tịch Tổ công tác Việt Nga (thuộc Ủy ban Liên Chính Phủ về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học – Kỹ thuật) đã trả lời phỏng vấn riêng với báo HNMO.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov |
-Ông đánh giá thế nào về vấn đề thiết lập khu vực tự do mậu dịch, khi Việt Nam ký hiệp định tham gia Liên minh kinh tế Á Âu?
- Hôm nay chúng tôi cũng có đàm phán liên quan đến khu vực tự do mậu dịch. Về vấn đề này, khi Việt Nam ký hiệp định tham gia Liên minh kinh tế Á Âu thì sẽ có rất nhiều cơ hội, đặc biệt trong đó có hai cơ hội lớn: Một là tình hình đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế các nước trong Liên minh kinh tế Á Âu sẽ thuận lợi hơn, gia tăng nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phát triển; Hai là thương mại hai chiều, ba chiều, song phương đa phương trong nhóm này cũng sẽ gia tăng, do đó các con số đề ra ban đầu hoàn toàn khả thi và chắc chắn sẽ đạt được. Theo tôi, kinh doanh thương mại hiện nay giữa hai nước Nga và Việt Nam đạt 3,7 tỷ là thấp quá. Như các bạn đã biết thì chính phủ hai nước đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 nâng mức kim ngạch lên 10 tỷ. Con số 10 tỷ cũng chưa phải là giới hạn cuối cùng vì tiềm năng của hai quốc gia còn rất lớn, con số này rất có thể phải tăng thêm nữa.
Nếu nói về những ngành, nghề cụ thể, những lĩnh vực kinh tế cụ thể thì các bạn cũng biết giữa hai nước Việt Nam và Nga có rất nhiều dự án ưu tiên chung trong nhiều lĩnh vực. Đầu tiên tôi sẽ nói đến lĩnh vực chế tạo ô tô vì đây là lĩnh vực chúng tôi rất quan tâm. Trong hôm nay, chúng tôi đã có tổ chức các cuộc đối thoại với một số công ty sản xuất, chế tạo và lắp ráp ô tô của Nga là đối tác với Việt Nam. Thí dụ như xe UAZ của Nga đã trở thành một thương hiệu mà Việt Nam đã biết rất rõ. Vấn đề đặt ra không chỉ là cung ứng những mẫu ô tô này sang Việt Nam mà phải tổ chức lắp ráp ở Việt Nam nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam càng ngày càng cao lên.
Một thương hiệu ô tô rất lớn nữa là xe Kamaz – một dòng xe tải cũng rất quen thuộc ở Việt Nam. Hướng phát triển sản phẩm này tại Việt Nam cũng không chỉ là bán ô tô vận tải Kamaz mà còn phải tổ chức lắp ráp, bảo hành, bảo dưỡng ở Việt Nam nữa. Ngoài ra, hiện một số công ty ô tô nước ngoài phát triển ở Nga đã dần thành thương hiệu ở Nga (sáng tạo 1 số mẫu đặc biệt, chỉ sản xuất ở Nga). Chẳng hạn như loại xe Renault của Pháp, một số mẫu chỉ sản xuất ở Nga thôi chứ không sản xuất ở bất cứ đâu trên thế giới. Vậy Renault (Nga) cũng rất có thể sẽ phát triển tại Việt Nam. Hoặc ví dụ Nissan (hãng ô tô của Nhật), Nissan Nga (liên doanh tại Nga) cũng có 1 số mẫu chỉ phát triển tại Nga. Do vậy chúng tôi cũng tính đến khả năng đưa Nissan Nga vào hợp tác liên kết với Việt Nam để phát triển mặt hàng này ngay tại Việt Nam. Ngoài ra, trong ngành sản xuất ô tô Nga còn có xe Gaz được sản xuất như kiểu xe bus, hiện cũng đã gây dựng được thương hiệu. Chúng tôi cũng tính toán để có những cơ sở lắp ráp, bảo dưỡng loại xe này ở Việt Nam.
Về lĩnh vực công nghiệp nhẹ, chúng tôi biết rằng, biết Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm và tiềm năng trong sản xuất công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày... trong khi đó ở Nga trước đây ngành này còn rất non kém. Hiện tại, chúng tôi cũng quan tâm và sẽ tổ chức khu vực công nghiệp nhẹ ở nước Nga phải phát triển hơn nữa. Chúng tôi cũng nhìn thấy tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Nga như: Việt Nam có thể đầu tư vào Nga trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ (các cơ sở dệt may, sản xuất giày,…). Như vậy sẽ có lợi cho cả hai bên mà đó cũng là lợi thế của Việt Nam. Về vấn đề này chúng tôi đã đối thoại với Việt Nam nhiều tháng nay rồi. Và tôi có thể khẳng định rằng, sẽ có rất nhiều triển vọng cho Việt Nam trong hợp tác kinh tế lĩnh vực công nghiệp nhẹ với Nga.
Cần nói thêm rằng, giữa Nga và Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư ưu tiên trị giá 20 tỷ USD. Hôm nay, tôi cũng đã trao đổi với các đồng sự của tôi ở Bộ Công thương Việt Nam là phía Nga sẽ theo dõi giám sát tiến trình đầu tư. Hôm nay chúng tôi cũng đã ký văn bản tuyên bố về vấn đề này. Theo đó, hai Bộ Công thương sau khi đã rà soát danh sách 17 dự án ưu tiên chung thì thấy có 2 dự án đã sẵn sàng triển khai. Đó là dự án Titan. Việt Nam có những khu vực giàu titan lẫn trong cát và phía công ty Nga cũng đã sẵn sàng qua khảo sát, triển khai. Một công ty rất kinh nghiệm khác của Nga về làm giàu mỏ, làm giàu quặng cũng đã bắt tay vào triển khai tại Việt Nam rồi. Vậy là trong số 17 dự án được rà soát hôm nay thì có 2 dự án đã sẵn sàng để triển khai thực hiện. Về phía Nga, các đơn vị cũng đã sẵn sàng bỏ vốn đầu tư nhưng hiện chúng tôi vẫn đang chờ những quyết định, giải pháp, cơ chế từ phía Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư Nga tiếp cận những vấn đề này được thuận lợi (khoáng sản, mỏ).
Tôi cũng xin nói thêm về lĩnh vực chế tạo máy bay - một lĩnh vực mà chúng tôi có rất nhiều kinh nghiệm. Trong chuyến thăm này, chúng tôi cũng chủ ý bay sang đây với máy bay Sukhoi Super Jet 100 – loại máy bay phiên bản business chứ không phải loại máy chở khách thông dụng, phổ biến, cũng để giới thiệu, bàn bạc với các đối tác Việt Nam nhằm quảng bá loại máy bay này. Đây là loại máy bay rất tốt, định hướng phát triển sẽ là máy bay chở khách phục vụ trên các chặng bay thường xuyên đông khách. Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm quảng bá ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể hiện nay khu vực Đông Nam Á cũng đã có rất nhiều khách đặt mua máy bay...
Nếu Việt Nam gia nhập Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan (VCUFTA) vào năm 2025 thì ngành nghề nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, thưa ông?
Trước hết là những ngành công nghiệp quy mô lớn. Bởi quy mô lớn ở thị trường lớn sẽ có khối lượng sản xuất lớn, nhiều sản phẩm, lượng đầu tư lớn hơn và cùng đó doanh thu lớn. Điều quan tâm giữa hai nước là làm sao tổ chức sản xuất trực tiếp tại Việt Nam và sản phẩm không chỉ được biết đến ở Việt Nam mà sẽ trở thành thương hiệu chung có thể xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á và thậm chí là khu vực rộng hơn nữa.
Còn đối với những ngành nghề truyền thống của Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang nước khác như nông nghiệp (rau, củ, quả...); với việc khu tự do mậu dịch hình thành thì Việt Nam sẽ có lợi hơn vì thị trường sẽ được mở rộng, Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Nga mà còn xuất khẩu sang các nước khác như Kyrgyzstan, Armenia, Belarus, Kazakhstan (các nước cũng thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu). Cơ hội xuất khẩu, miễn thuế hoặc thuế thấp đối với Việt Nam là rất lớn. Vấn đề cần quan tâm ở đây chỉ là vấn đề năng lực sản xuất của Việt Nam, còn lợi thế thì thấy rất rõ ràng rồi.