Hình ảnh khó quên trong chiến tranh Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 13:07, 09/04/2015
Lính Mỹ đốt nhà dân tại khu vực gần Sài Gòn tháng 11/1965. Trong chiến tranh Việt Nam, binh sĩ Mỹ đã phạm nhiều tội ác như thảm sát dân thường, hãm hiếp phụ nữ. Việc Washington sa lầy vào cuộc chiến vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của chính dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam ở miền nam Việt Nam tháng 6/1966. Chiến dịch phun hóa chất cực độc để khai quang của Washington diễn ra từ năm 1962 đến 1971 với mật danh Ranch Hand. Mục tiêu của Nhà Trắng là tạo ra những vùng đất mà cây cối không thể mọc nhằm loại bỏ lớp ngụy trang tự nhiên của quân đội miền bắc tiến vào miền nam.
Lính Mỹ trườn sát mép ruộng ở miền nam Việt Nam năm 1966.
Thi thể một binh sĩ Mỹ được đưa lên trực thăng sơ tán ở Tây Ninh. Washington tổn thất nặng nề về người và của khi tham gia cuộc chiến ở Việt Nam. Khoảng 58.000 binh sĩ thiệt mạng cùng hơn 300.000 người khác bị thương trong cuộc chiến. Ngoài ra, nước này còn mất 9.000 máy bay, trực thăng và nhiều thiết bị khác.
Dàn chiến cơ Mỹ gần Sài Gòn cách đây gần 50 năm.
James E Callahan, quân nhân đến từ Massachusetts, hô hấp nhân tạo cho một đồng đội bị thương nặng ở chiến trường Việt Nam năm 1967.
Bức ảnh "Em bé napalm" của Nick Ut, nhiếp ảnh gia AP, mang tính biểu tượng về tính tàn khốc của cuộc chiến. Trong ảnh, cô bé Phan Thị Kim Phúc vừa chạy vừa khóc khi Mỹ dội bom napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh, năm 1972. Sức nóng của bom khiến em không còn mảnh áo quần và lưng, tay bỏng nặng.
Người nhà mừng rỡ đón một quân nhân Mỹ trở về tại căn cứ không quân ở California. Theo Hiệp định Paris được ký ngày 27/1/1973, Washington rút quân khỏi miền nam Việt Nam, đóng các căn cứ quân sự và hai bên trao đổi tù binh.
Những nhân sự cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn trước khi chiến tranh kết thúc.
Hình ảnh xe tăng của bộ đội giải phóng húc đổ cổng dinh Độc lập ngày 30/4/1975 đi vào lịch sử.
Người dân nô nức đổ ra đường phố Sài Gòn mừng ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. Việt Nam sang một trang sử mới.