Di tích lịch sử quốc gia đang bị xâm hại
Đời sống - Ngày đăng : 06:54, 09/04/2015
Do chưa được bàn giao mốc giới, khu vực bảo vệ di tích chùa Tư Khánh đang bị san lấp, biến thành điểm tập kết rác thải. |
Theo các tài liệu thì chùa Tư Khánh được xây dựng từ thế kỷ XVI, trên đất Xóm 4C, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm. Từ khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993 đến nay chùa luôn được chính quyền, phật tử và người dân địa phương quan tâm giữ gìn, bảo tồn. Tuy nhiên, do chưa được bàn giao mốc giới để xác định rõ khu vực cần được bảo vệ theo nội dung Quyết định số 2015/QĐ-BT nên thời gian qua một số hộ gia đình sống liền kề đã ngang nhiên đổ đất, phế thải để lấn chiếm và xây dựng trái phép các công trình trên đất đã được khoanh vùng bảo vệ chùa. Thậm chí, một số trường hợp còn lợi dụng các khu đất trống để trồng cây, biến đất bảo vệ di tích thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt, khiến cho cảnh quan của chùa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử, nằm liền kề với khuôn viên chùa có một ao công (còn gọi là ao chùa), diện tích rộng 685m2. Nếu đối chiếu với bản đồ địa chính phường Đông Ngạc đo năm 1994 thì ao chùa nằm trên thửa đất số 3, tờ bản đồ số 4. Còn so với Quyết định số 2015/QĐ-BT năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích đã được UBND thành phố cùng các sở, ngành xác nhận thì toàn bộ diện tích này nằm trong quy hoạch khu vực bảo vệ 1 của di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia. Song, vì chưa được bàn giao mốc giới nên từ năm 2000 trở lại đây, 4 hộ gia đình sống liền kề với chùa đã ngày đêm san lấp hàng chục mét vuông mặt nước và xây dựng trái phép các công trình kiên cố trên đất lấn chiếm.
Khi các vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng nêu trên chưa bị xử lý theo quy định của pháp luật thì năm 2004, viện lý do cần có người trông coi chống lấn chiếm, ông Trương Công Nghênh, một người dân địa phương đã thông qua HTX Đông Thắng để đứng ra khai thác mặt nước ao chùa. Điều đáng nói là từ năm 2000, toàn bộ diện tích ao trên UBND thành phố đã giao cho UBND phường Đông Ngạc quản lý theo Quyết định số 3187/QĐ-UB ngày 30-6-2000, nhưng HTX Đông Thắng vẫn ngang nhiên để cho ông Nghênh quản lý, khai thác trái phép mặt nước trong ao. Sự việc không dừng lại tại đây, lợi dụng việc khai thác ao, từ tháng 12-2009 đến 9-2010, ông Nghênh đã đổ đất, san lấp 357m2 mặt nước, khiến cho ao chùa hiện nay hoàn toàn bị biến dạng, rất khó cải tạo. Được biết, trước vấn đề này, Công an huyện Từ Liêm (cũ) đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị an đối với Trương Công Nghênh. Đồng thời, ngày 14-11-2013 UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 8663/UBND-TNMT giao UBND huyện Từ Liêm (cũ) kiểm tra cụ thể và quyết định xử lý nghiêm những vi phạm theo thẩm quyền. Thế nhưng, vì đến nay việc bàn giao mốc giới chưa được thực hiện nên người dân khu vực vẫn thường xuyên mang rác, phế thải đến ao chùa đổ trộm. Tình trạng này, diễn ra hết sức phức tạp, với mức độ ngày một nghiêm trọng, không chỉ khiến cho môi trường, cảnh quan di tích bị ảnh hưởng, ô nhiễm nặng nề mà còn gây bức xúc cho đông đảo du khách mỗi khi đến tham quan, vãng cảnh chùa.
Theo phản ánh của Thượng tọa Thích Thanh Hùng, để có điều kiện trông coi, quản lý phần diện tích đã được quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ di tích, thời gian qua nhà chùa đã nhiều lần có đơn gửi đến UBND huyện Từ Liêm (cũ) và các sở, ngành đề nghị sớm thực hiện việc bàn giao mốc giới. Thế nhưng, ngày 17-9-2013, UBND huyện Từ Liêm lại có công văn số 1002/ UBND-VPTD cho biết: "Việc đề nghị cắm mốc giới cho chùa Tư Khánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện". Còn các sở, ngành thì hơn một năm nay vẫn chưa có hồi âm cho biết đơn vị nào có trách nhiệm đứng ra bàn giao mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích theo quy hoạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra vào năm 1993. Ngày 4-4-2015, quan sát thực tế tại khu vực ao chùa, phóng viên nhận thấy hiện nay diện tích 685m2 cơ bản đã bị người dân san lấp lấn chiếm gần hết; diện tích còn lại thì ngập trong rác thải. Trao đổi vấn đề này với Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc Nguyễn Quang Thậm, ông Thậm cho biết: Để bảo vệ, quản lý khu đất này nhà chùa có thể xây dựng rào ngăn nhưng phải thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng.
Như vậy, khi chưa được chính quyền và cơ quan chức năng bàn giao mốc giới thì chùa Tư Khánh vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục cấp phép xây dựng. Để bảo tồn các giá trị về kiến trúc, nghệ thuật tại chùa Tư Khánh, đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành hữu quan xem xét và sớm có hướng giải quyết dứt điểm sự việc này.