"Vua" diệt chuột!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:30, 09/04/2015
Từ xót xa, sinh ý tưởng
Cũng như nhiều người con của xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội, sau khi xuất ngũ, ông Trần Quang Thiều lại quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Để nuôi 6 đứa con ăn học, vợ chồng ông chỉ trông vào mấy sào ruộng. Ngặt nỗi, ruộng đã ít, con lại đông, cả năm bỏ công chăm bẵm ruộng đồng, nhưng chỉ vì chuột hoành hành nên năng suất không như ý muốn. Nhìn cánh đồng quê hương hoang tàn vì mất mùa, lại thêm chuột hại, thương người nông dân lúc nào cũng cần cù, lam lũ mà vẫn thiếu thốn, ông Thiều buồn lắm. Biết bao lần, người nông dân ấy lẳng lặng hàng giờ đứng nhìn cánh đồng quê xác xơ vì bị chuột hại. Nhiều đêm, dưới ánh trăng khuya, ông chậm rãi bước đi, suy tính.
Ông Thiều hướng dẫn cách đặt bẫy chuột cho khách hàng. |
Nào đặt bẫy, nào dùng thuốc... nhưng đánh trước, lũ chuột lại phá sau. Bao nhiêu công sức, tiền của, niềm hy vọng cho một vụ bội thu bị lũ "họ Tý" cướp tay trên. Quyết tâm tìm cách diệt chuột của ông Thiều ngày càng tăng theo nỗi xót xa đó. Năm 2000, ông bắt đầu "rước chuột" về nhà nuôi. Khi đó, nhiều người bảo ông gàn, chê ông rỗi việc... nhưng ông bỏ ngoài tai. Nào ai biết, ông nuôi chuột để nghiên cứu quy luật hoạt động của chúng, từ đó thử nghiệm các giải pháp diệt chuột. Nào khâu mắt, cắt râu, bẻ răng... sau 5 tháng nghiên cứu, hàng loạt thắc mắc của ông lần lượt được giải mã.
Ông Thiều nhận ra rằng, chuột có một đặc điểm rất riêng là đi về cùng một đường. Con đầu tiên cắn ở ruộng nào, con tiếp theo cũng đến đúng ruộng đấy để cắn. Chúng hoạt động từ chập tối đến 21h và tiếp tục hành trình từ 3h đến 5h hằng ngày. Ông cũng phân chuột thành 3 loại và đo được tốc độ di chuyển của từng loại. Chuột cũng là loài có sức sinh sản ghê gớm. Chuột cái sinh sản ít nhất là 3 con và nhiều nhất là 13 con/lứa. Chuột mẹ chỉ chửa 21 ngày, chuột con mới 40 ngày tuổi đã có thể sinh sản lứa sau. Con mẹ đẻ được 3 lứa con thì đàn con của nó cũng đẻ được 1 lứa. Chuột bà đẻ được 5-6 lứa thì chuột cháu cũng đẻ được 2-3 lứa. Vì vậy, muốn diệt chuột phải tìm đúng thời điểm chúng phát dục. Tuy nhiên, trong thời kỳ phát dục, chuột cái thường không ăn mồi lạ nên dù đặt bẫy có mồi vẫn không thể nào bắt được.
Nắm vững đặc điểm, tập tính của chuột, ông bắt đầu sáng tạo bẫy hình bán nguyệt không cần mồi bằng thép, kích thước nhỏ, có chốt an toàn, có quả đối trọng bằng cao su ở giữa, lò xo khỏe, chỉ chạm nhẹ là sập bẫy. Ông còn tìm đến Viện Vật lý (Hà Nội) để đo tốc độ sập của bẫy. Khi chắc chắn tốc độ sập của bẫy nhanh hơn tốc độ di chuyển của chuột, ông mới vừa lòng.
Kể từ khi ông Thiều sáng tạo ra bẫy, cánh đồng quê hương vắng hẳn bóng chuột. Nông dân xã Văn Bình ai cũng phấn khởi vì ruộng không còn bị chuột phá. Năm 2002, đích thân ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây (trước đây) đã đến tận nhà ông Thiều để kiểm nghiệm thực tế hiệu quả từ việc diệt chuột. Thấy bẫy chuột của ông tốt, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây đã mua hơn 30 nghìn bẫy phát cho các huyện trong tỉnh để diệt chuột.
Nỗi niềm của "nhà khoa học chân đất"
Tiếng lành đồn xa, các huyện rồi các tỉnh bắt đầu tìm về Văn Bình học hỏi kinh nghiệm diệt chuột. Cán bộ nông nghiệp ở nhiều địa phương đã tìm đến nhà ông Thiều để tìm hiểu thực tế, mời ông đến giảng dạy cách diệt chuột cho nông dân. Cũng bắt đầu từ đó, ông được "phong" là "vua" diệt chuột.
Luôn đau đáu với những lo toan, vất vả của người nông dân nên khi được các địa phương mời, ông Trần Quang Thiều lập tức "xách bẫy lên và đi". Tuy nhiên, đã không ít lần, ông Thiều phải đón nhận những ánh mắt nghi ngờ, giễu cợt của chính những người nông dân. Ông nhớ lại, một lần được mời vào Quảng Trị, sau khi diệt chuột ở 6 huyện, ông đến gặp gỡ bà con nông dân ở huyện thứ 7. Vừa được giới thiệu bước lên bục, một nông dân đã quát lớn: "Chúng tôi bị mắc lừa nhiều lắm rồi, thuốc diệt chuột toàn thuốc rởm, chuột phá hết. Ông bẫy có mồi còn không ăn ai lại gọi ông bẫy không mồi về làm gì, định lừa gạt nữa à!".
Ông Thiều từ tốn bước lên hội trường nói: "Đặt chân đến đây, tôi chưa ăn một hạt cơm nào của nhân dân. Bà con cũng chưa mất với tôi một đồng nào. Tôi sẽ cho các bác mượn 500 cái bẫy chuột để thực hành trước. Chiều nay chúng ta đi đặt bẫy. Sáng ngày mai, các bác đến đây tôi hướng dẫn lý thuyết, thắc mắc gì lúc đó các bác cứ hỏi". Sợ ông Thiều làm dối bỏ chuột vào bẫy trước, người nông dân kia đòi ông đi cùng mình. Tối hôm ấy, ông ta không dám ăn cơm mà gọi vợ mang cơm ra đồng để canh chừng. Ông nông dân gỡ 30 cái bẫy được 40 con chuột. Hôm sau, khi ông Thiều giảng xong, người này xách cả chuột lên hội trường để xin lỗi "vua" diệt chuột, xin lỗi cán bộ xã, huyện vì trót nặng lời.
Có lần ông vào tận Kon Tum để cứu sâm Ngọc Linh bị chuột tàn phá. Ông leo đồi từ 3h sáng đến 16h mới đến nơi. Tuổi cao, đi lại nhiều nên leo được nửa đường, ông Thiều không thể đi nổi vì mệt quá, 2 người đàn ông phải đi hai bên xốc ông lên tận nơi. Nhìn thấy ông Thiều, có người ngao ngán lắc đầu: "Sâm Ngọc Linh chỉ còn rất ít thôi, chuột phá hết rồi. Chúng tôi bắn nỏ, đặt bẫy rồi nhưng không được. Thấy ông tâm huyết chúng tôi cũng cảm động lắm, nhưng chắc không được đâu!". Đêm hôm ấy, sau khi hướng dẫn cho mọi người đặt bẫy, ông Thiều mệt quá, nằm thiếp đi nhưng giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng hú quá to. Hóa ra chuột dính bẫy chết, người dân mừng quá hú hét vang cả núi đồi.
Trong quá trình bẫy chuột, ông bị mẩn ngứa do bọ chét ký sinh trên cơ thể chuột bám vào, bị ghẻ khô là chuyện như cơm bữa. Những nốt ngứa không chảy nước nhưng làm ông khó chịu cả ngày. Rồi cũng có lần ông bị rắn độc cắn, sốt li bì cả tuần.
Không chỉ diệt chuột trên đồng, ông Thiều còn "trả lại sự bình yên" cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn, các cơ quan, sân bay... do bị chuột phá. Có đồng chí công an nói với ông Thiều: "Bắt cướp, bắt nghiện chúng tôi làm được chứ bắt chuột thì phải nhờ đến tay ông". Năm 2012, Bộ Quốc phòng Campuchia đã mời "vua" diệt chuột sang giúp. Họ đài thọ toàn bộ tiền đi lại, ăn ở . Ông giúp diệt chuột ở những kho vũ khí, hướng dẫn cách đặt bẫy cho quân nhân Campuchia, đích thân Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này cũng đi gỡ chuột. Khi hỏi tiền công, nhất định ông không nhận. Vị thứ trưởng nước bạn đã mua rất nhiều quà biếu "vua" diệt chuột.
Suốt 15 năm làm nghề diệt chuột, ông Thiều đã đi hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, diệt khoảng 41 triệu con chuột, cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước hơn 32 triệu bẫy chuột. Bẫy chuột của ông Thiều được bán với giá 9 nghìn đồng/bẫy nhỏ và 20 nghìn đồng/bẫy trung bình, bảo hành 2 năm. Có người bảo ông Thiều: "Tivi mua cả chục triệu đồng chỉ bảo hành vài tháng, cái bẫy chuột có mấy nghìn mà được bảo hành những 2 năm". Ông Thiều cười trả lời: "Tôi cũng là nông dân nên rất hiểu sự nghèo khó của họ, bán cho nông dân cái gì cũng phải bền, tốt mà giá rẻ thì họ mới đỡ khổ". Được biết, cơ sở sản xuất bẫy chuột của ông Thiều đã tạo công ăn việc làm cho 58 lao động địa phương với mức lương 4-8 triệu đồng/người/tháng.
Sau 15 năm gắn bó với nghề diệt chuột, ông Trần Quang Thiều đã trở thành một người bạn tin yêu của nông dân. Đi đến đâu cũng có người quen, bạn bè từ nông dân cho đến cán bộ mỗi địa phương. Ông đã được tặng hơn 35 bằng khen của các bộ, ngành, một bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo năm 2009; giải nhất Sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam 2010...