Củng cố chiến lược xoay trục
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 09/04/2015
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong bài phát biểu với sinh viên ĐH Arizona ngay trước thềm chuyến công du Châu Á, với hai điểm đến là Nhật Bản và Hàn Quốc (từ ngày 7 đến 11-4). Đây là chuyến công du Châu Á đầu tiên của tân chủ nhân Lầu Năm Góc kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 2 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (Ảnh ABC News) |
Tuyên bố trên không có gì bất ngờ bởi ngay khi được Tổng thống Barack Obama đề cử chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông A.Carter đã tái khẳng định xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tân Bộ trưởng Quốc phòng A.Carter cho rằng vai trò trụ cột của Mỹ đã góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực chiếm già nửa dân số thế giới, "ngôi nhà" của một nửa nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua. Đó là lý do ông chọn Nhật Bản và Hàn Quốc làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương cũng như tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến công du Nhật Bản của Bộ trưởng A.Carter diễn ra trong bối cảnh tháng 7-2014 chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua một quyết định lịch sử. Đó là lần đầu tiên, kể từ khi Hiến pháp của Nhật Bản ra đời (năm 1947) đến nay, cho phép quân đội Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài để giúp các đồng minh. Động thái này cho phép Washington và Tokyo thắt chặt hơn nữa hợp tác quân sự, tăng cường hỗ trợ nhau trong bảo đảm an ninh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trên tinh thần đó, trong cuộc hội đàm ngày 8-4 tại Tokyo, Bộ trưởng A.Carter cùng lãnh đạo đồng cấp nước chủ nhà Gen Nakatani đã tái khẳng định rằng liên minh an ninh Mỹ - Nhật đang chặt chẽ hơn bao giờ hết. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị công bố những nguyên tắc chỉ đạo mới tại cuộc đàm phán theo cơ chế "2+2", với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao 2 nước vào ngày 27-4 tại Washington. Chuyến thăm của ông A.Carter diễn ra đồng thời với việc Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên cập nhật các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác quốc phòng kể từ năm 1997. Theo tài liệu sửa đổi, hai đồng minh này sẽ mở rộng quy mô tương tác nhằm thúc đẩy việc nới lỏng những hạn chế trong Hiến pháp của Nhật Bản đối với quân đội nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản G.Nakatani cũng giải thích về kế hoạch bị trì hoãn lâu nay liên quan đến việc tái bố trí căn cứ không quân Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ ở Ginowa tới một cơ sở mới ở khu vực bờ biển Nago, tỉnh Okinawa. Tuy nhiên, Tỉnh trưởng Okinawa, ông Takeshi Onaga đang nỗ lực ngăn cản kế hoạch này vì rất nhiều cư dân địa phương vẫn đang phản đối.
Ngay sau khi kết thúc chuyến công du Nhật Bản, Bộ trưởng A.Carter sẽ tới Hàn Quốc trong ngày 9-4 để khẳng định quyết tâm của Mỹ trong bảo đảm an ninh đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á trước các hành động mà Mỹ và Hàn Quốc gọi là "khiêu khích" từ bên ngoài. Đây được xem là thông điệp trấn an của Mỹ gửi đến Hàn Quốc trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên không ngừng nóng sau các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên. Điểm dừng chân thứ 3 của Bộ trưởng A.Carter sẽ là Hawaii, nơi ông sẽ họp với dàn chỉ huy quân sự Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch trong tháng 5 tới, Bộ trưởng A.Carter sẽ tiếp tục trở lại Châu Á để tham dự Đối thoại thường niên Shangri-La tại Singapore. Bộ trưởng A.Carter cũng sẽ thăm Ấn Độ, nơi ông thực hiện các hoạt động chuẩn bị cho chuyến đi sắp tới của Tổng thống B.Obama nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa Mỹ với "tiểu lục địa" Ấn Độ. Trong bối cảnh Mỹ dường như đang "phân tâm" vì các diễn biến ngày một phức tạp tại Trung Đông cùng cuộc khủng hoảng Ukraine, sự nổi lên của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria hay Yemen… chuyến công du Châu Á của Bộ trưởng A.Carter cho thấy Mỹ quyết không "lơ là" với khu vực có vị trí địa - chiến lược, chính trị và kinh tế có tính sống còn với cả Bắc Mỹ.