Hà Nội chi viện và “chia lửa” với chiến trường miền Nam

Chính trị - Ngày đăng : 06:12, 09/04/2015

(HNM) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4 được xem là chiến công vĩ đại nhất của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bài 3: Lưu danh "Ba sẵn sàng"

(HNM) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4 được xem là chiến công vĩ đại nhất của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Với tinh thần "Ba sẵn sàng", lớp lớp thanh niên Hà Nội quyết tâm "Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập", "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" đã cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng "lưu danh đến muôn đời".

Đã hơn 50 năm kể từ ngày Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" nhưng ông Vũ Hữu Loan, Bí thư Thành đoàn Hà Nội năm ấy, vẫn nhớ mãi ký ức của một thời "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Ông cho biết: Lúc đấy không khí sôi sục lắm, hàng nghìn thanh niên viết đơn tình nguyện đi chiến đấu và phong trào "Ba sẵn sàng" ra đời đã đáp ứng tinh thần của tuổi trẻ Hà Nội.

Phong trào "Ba sẵn sàng" với ba nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Phong trào được ví như "mồi lửa" đã thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như "củi khô" chờ được đốt cháy. Ngay trong tuần đầu tiên phát động phong trào đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng ký nhập ngũ rồi chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng tăng lên hơn 200.000 thanh niên. Hàng nghìn sinh viên, học sinh còn thể hiện quyết tâm bằng việc viết thư bằng máu xin được ra trận…

Trong đêm 9-8-1964, đêm Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào "Ba sẵn sàng" chống Mỹ cứu nước trong toàn thành phố, 26.000 thanh niên Thủ đô Hà Nội đã xuống đường lên án hành động leo thang chiến tranh của Mỹ. Từ Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố, lớp lớp thanh niên công nhân, nông dân, trí thức, học sinh đeo ba lô, lá ngụy trang trên vai rầm rộ diễu hành qua các đường phố lớn biểu thị quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc giao cho. Bà Dương Thị Vịn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố cho biết: "Thời điểm đó, tôi nhận được hai giấy gọi, một giấy báo đi học đại học ở nước ngoài, một giấy báo gia nhập đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước của Thủ đô. Mặc dù anh trai duy nhất trong gia đình vừa hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng cha tôi đã khuyên "Học đại học thì học lúc nào cũng được, còn đánh Mỹ là thời cơ nghìn năm có một, đánh Mỹ xong con về học đại học cũng chưa muộn". Thế là tôi xếp lại ước mơ riêng lên đường nhập ngũ. Tôi cùng anh chị em trong Đại đội 816 khu Hai Bà Trưng hăng hái vào các tuyến lửa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình mở đường, san lấp hố bom để các chuyến xe của ta bon bon ra mặt trận…

Từ ngày khởi đầu, phong trào "Ba sẵn sàng" đã sớm trở thành một phong trào cách mạng rộng lớn, thu hút hàng chục vạn thanh niên Thủ đô và đã lan rộng ra toàn miền Bắc, trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ. Tháng 3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào "Ba sẵn sàng" của tuổi trẻ Thủ đô. Tháng 5-1965, Đoàn Thanh niên các cơ quan trung ương đã tổ chức Đại hội sơ kết phong trào "Ba sẵn sàng". Tại đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khen ngợi: "Các cháu là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng".

Bảy năm sau ngày phát động phong trào "Ba sẵn sàng" (năm 1971), cuộc chiến tranh chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Thực hiện chủ trương của Đảng dồn mọi sức lực để làm nên chiến thắng, một lần nữa Hà Nội lại đi đầu trong phong trào đưa nữ thanh niên vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Hơn 500 nữ thanh niên Hà Nội tuổi đời từ 17 đến 20 rời tay cuốc, tay cày, rời nhà trường lên đường nhập ngũ, lập nên "Tiểu đoàn Trưng Trắc". Sau 3 tháng huấn luyện, các chị nhận được lệnh hành quân vào chiến trường và bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559. Bà Ngô Thị Tuyết, Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn Trưng Trắc cho biết: "Kế thừa phong trào "Ba sẵn sàng" và "Năm xung phong", chúng tôi đã hăng hái lên đường. Nhiệm vụ chính của tiểu đoàn là làm y tá, hậu cần, giữ kho, thông tin, văn thư, bảo mật, tổng đài, giao liên, san lấp hố bom… Dù phải dầm mưa, dãi nắng, phải chịu những trận sốt rét kéo dài, cuộc sống thiếu thốn... nhưng bất cứ nhiệm vụ nào, nữ thanh niên trong Tiểu đoàn Trưng Trắc cũng đều hoàn thành". Vũ khí trong tay nhiều khi chỉ là quang gánh, cuốc xẻng nhưng với lòng gan dạ sắt của tuổi trẻ thời đại Hồ Chí Minh, họ đã làm nên những chiến tích thần kỳ. Các chị luôn bảo đảm cho dòng người, dòng xe ngày đêm nối nhau ra trận, bảo đảm cho đường dây thông tin được thông suốt, kịp thời cấp cứu thương binh… Suốt 5 năm chiến tranh ác liệt (1971-1975), 500 nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc có mặt làm nhiệm vụ trên 2 mái Đông - Tây Trường Sơn, Phà Gianh (Quảng Bình), A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Chiến tranh kết thúc, nhiều chị lại nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nước bạn Lào. Năm 1977, hầu hết các nữ chiến sĩ Tiểu đoàn Trưng Trắc đã xuất ngũ nhưng đã có 7 người hy sinh, 30 người là thương binh.

Năm tháng sẽ qua đi nhưng không khí sục sôi ra trận của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với những phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong", "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"… sẽ luôn được thế hệ trẻ Thủ đô và lớp người đi qua chiến tranh trân trọng, giữ gìn. Truyền thống quý báu, tự hào đó còn là điểm tựa để thế hệ trẻ Thủ đô hôm nay phát huy hơn nữa trí tuệ, sức lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiền Phương