Sinh viên Việt Nam “đuối” vì kém giao tiếp tiếng Anh
Xã hội - Ngày đăng : 14:59, 08/04/2015
Cầu nhiều nhưng cung không đủ “chất”
Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, ngày càng nhiều các tập đoàn lớn, công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để mở rộng thị trường. Trước những cơ hội đó, tiếng Anh trở thành một công cụ đắc lực để người lao động khẳng định năng lực của mình. Thực tế cho thấy giới trẻ đang có nhiều cơ hội tại các môi trường quốc tế bởi khả năng nắm bắt nhanh và tư duy nhạy bén, tuy nhiên hơn nửa sinh viên ra trường vẫn bơi trước dòng biển tìm việc mà không thể chớp lấy cơ hội bởi năng lực tiếng Anh còn hạn chế dù được học bài bản ngoại ngữ từ trên ghế nhà trường.
Giờ học tiếng Anh của sinh viên Việt Nam (ảnh: Internet) |
Theo khảo sát của Vụ Giáo dục Đại học về việc sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, có khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm. Điều này cho thấy hơn nửa số sinh viên sau khi ra trường không đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Đây là một thực trạng đáng lo ngại khi nhiều sinh viên ra trường nhưng vẫn chưa trang bị kỹ càng ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp sau ra trường cao.
Chia sẻ về trực trạng trên, ông Bùi Phi Hùng – Giám đốc Tổ chức Giáo dục đào tạo Hi! Language School cho biết: “Việc học ngôn ngữ nên cần phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đặc thù sinh viên Việt Nam là khi còn ngồi trên ghế nhà trường là các bạn được đào tạo về ngữ pháp rất tốt, tuy nhiên vì không có nhiều cơ hội thực hành nên kỹ năng nghe – nói bị yếu mới dẫn đến tình trạng “hẫng” khi áp dụng ngoài đời thường. Việc này sẽ thể hiện rõ nhất khi các bạn gặp các tình huống cần giao tiếp với người nước ngoài. Chính vì vậy các bạn trẻ cần phải chú trọng tới kỹ năng nghe nói và dành thời gian thực hành nhiều hơn để việc học ngoại ngữ được hiệu quả”.
Đuối khi giao tiếp thực tế
Trong thực tế, việc học ngoại ngữ cũng giống như một đứa trẻ học tiếng mẹ đẻ, việc học cần bắt đầu bằng việc lắng nghe – bắt chước và tập nói, sau đó mới học viết và đọc. Tuy nhiên quá trình học ngoại ngữ của các bạn trẻ lại ngược lại, quá chú trọng vào ngữ pháp, thiếu thực hành nên khả năng giao tiếp còn hạn chế. Rất nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng đọc hiểu rất tốt, có thể trả lời email và soạn tài liệu thành thạo, tuy nhiên khi gặp gỡ người nước ngoài lại ấp úng, không thể giao tiếp trôi chảy. Đây là tình trạng chung của đa số giới trẻ và điều này góp phần không nhỏ vào việc bỏ lỡ cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế.
Bạn Hoàng Anh (SV trường ĐH KHXH và NV) là một cô gái năng động và nhiều ý tưởng. Tham gia Câu lạc bộ truyền thông của trường, Hoàng Anh chia sẻ có lần được giao nhiệm vụ đón tiếp một vị diễn giả nước ngoài đến trường tham dự hội thảo, Hoàng Anh đã rất lo lắng vì mặc dù điểm tiếng Anh luôn trong top của lớp nhưng bạn lại chưa nói chuyện với người nước ngoài bao giờ. “Trước khi gặp họ mình đã rất run rồi, nhưng không ngờ rằng khi đối diện với người thật thì mình quên hết những gì đã chuẩn bị, thậm chí khi họ nói mình còn không nghe đươc hết và gần như không nói được gì, đến giờ nghĩ lại mình vẫn còn thấy xấu hổ”.
Cũng là một người nắm chắc ngữ pháp tiếng Anh, Hữu Việt sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh loại giỏi và sở hữu một CV tiếng Anh rất đẹp, cậu bạn tự tin “apply” hồ sơ vào một công ty có vốn đầu tư nước ngoài nổi tiếng nhưng nhanh chóng bị loại bởi trong phần phỏng vấn trực tiếp với quản lý người Mỹ, cậu đã không thể giao tiếp trôi chảy, mặc dù có rất nhiều ý tưởng hay nhưng lại không thể trình bày được. Chính điều này khiến Việt khó khăn khi tìm công việc theo sở thích, mặc dù cậu cầm trên tay tấm bằng giỏi.
Sinh viên cần chủ động trong việc học tiếng Anh
Bởi những lối mòn trong quan điểm và phương pháp học nên để tránh bỏ lỡ cơ hội cho bản thân và chiếm được ưu thế sau khi ra trường, sinh viên cần phải thực sự chủ động trong việc học ngoại ngữ. Ông Bùi Phi Hùng đưa ra thêm những lời khuyên, đầu tiên đó là gạt bỏ tâm lý “ngại’, trốn tránh khi phải sử dụng tiếng Anh. Lời khuyên thứ hai đó là bản thân các bạn phải từ bỏ được việc học tập theo lối mòn, tức là thay vì thụ động tiếp thu những kiến thức từ phía thầy cô và nhà trường, sinh viên cần phải tăng cường thời gian luyện phản xạ nghe – nói trong quỹ thời gian học tập. “Những bạn trẻ không sợ chủ động giao tiếp tiếng Anh là những người tiến bộ rất nhanh. Phần lớn giới trẻ hiện nay lựa chọn học giao tiếp để cân bằng kỹ năng nghe nói và đọc viết của mình. Học viên tại Hi! Language School hiện tại 80% là sinh viên ĐH và 20% là người đi làm, trong đó hơn 70% các bạn lựa chọn khóa Tiếng Anh giao tiếp để theo học. ”, ông Hùng chia sẻ.
Trong thời đại hội nhập, tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thiết yếu và là công cụ đưa sự thành công tới gần hơn với mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Để không bị “đuối” giữa dòng, việc đầu tư quỹ thời gian cho việc học tiếng Anh giao tiếp là một việc quan trọng cần được các bạn trẻ nhìn nhận nghiêm túc hơn.