Băn khoăn “số vênh” nợ xấu
Kinh tế - Ngày đăng : 14:33, 08/04/2015
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng các tổ chức tín dụng phải bán cho VAMC khoảng 100.000 tỉ đồng. Đây là tổng số nợ xấu mà NHNN công bố với đại diện các NH tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng đầu tháng 3, sau khi họ nhận được văn bản ấn định cụ thể số nợ của từng ngân hàng phải bán. Lập tức nhiều ngân hàng cho biết số nợ họ phải bán quá cao, thậm chí có ngân hàng còn lo không biết lấy nợ xấu đâu để bán...
Theo số liệu báo cáo tài chính năm 2014 do các ngân hàng công bố cho thấy con số nợ xấu đã giảm đi nhanh chóng. Thí dụ, nợ xấu của cuối quý II/2014 của Ngân hàng Vietcombank còn chiếm 3,09% thì đến cuối năm 2014 đã giảm xuống còn 2,3%. Ngân hàng Vietinbank, 6 tháng đầu năm 2014 nợ xấu là 2,5%, thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 0,89%...
Nói về bán nợ xấu, một ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) xin được giấu tên cho biết: năm 2014 tỷ lệ nợ xấu của chúng tôi đã giảm gần 40% so với năm trước. Lý do giảm là bởi dư nợ tăng, bán nợ cho VAMC, phát mại được một số tài sản thế chấp và xử lý nợ từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Vậy mà nay vẫn chưa “thông” được số nợ xấu cần bán với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.
Cũng có ngân hàng nêu hiện nay họ đã có cơ hội đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ để xử lý nợ xấu hơn là bán nợ xấu cho VAMC. Họ muốn thực hiện giải pháp này nhằm tránh “cái sảy nảy cái ung”, nhất là khi không hoàn thành chỉ tiêu bán nợ sẽ bị chế tài, thanh tra, giám sát rồi dễ bị liệt vào “danh sách xấu”.
Một vấn đề nữa cũng khiến các NH thương mại cổ phần băn khoăn là theo quy định VAMC chỉ mua những khoản nợ xấu có dư nợ cho vay trên 1 tỷ đồng với cá nhân và trên 3 tỷ đồng đối với tổ chức. Trong khi đó họ có tới 80% các khoản nợ cho vay đối với cá nhân dưới 1 tỷ đồng/khoản vay và dưới 3 tỷ đồng/khoản vay đối với tổ chức không nằm trong diện mua của VAMC.
Có thể thấy rằng những băn khoăn của TCTD về con số nợ xấu do NHNN thông báo cho mình là điều dễ hiểu. Họ lo không có nợ xấu để bán là bởi tỷ lệ nợ xấu công bố trên trang web của NHNN là số liệu được tổng hợp từ báo cáo hàng tháng, hàng quí của chính các ngân hàng thương mại và họ tự đánh giá, xếp loại nợ xấu... Còn tỷ lệ nợ xấu nữa là do cơ quan thanh tra, giám sát NHNN thống kê qua công tác kiểm tra giám sát của họ. Ngoài ra, còn con số nợ xấu do các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá, công bố. Thông thường thì ba số liệu này rất “vênh” nhau.
Vì thế, để có thể bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng rất muốn thống nhất tỷ lệ số nợ xấu với cơ quan quản lý. Chắc chắn sự “vênh” về con số nợ xấu sẽ được Ngân hàng Nhà nước, VAMC và đại diện các ngân hàng đi đến thống nhất trên cơ sở Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013, Thông tư 09 ngày 18/03/2014 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 02) của NHNN.
Nếu nhìn các con số của các NHTMCP công bố thì nợ riêng nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) của các ngân hàng hiện nằm trong mức phổ biến khoảng 500-3.000 tỉ đồng/đơn vị. Theo số liệu trên trang web của NHNN, tính đến ngày 31/12/2014 tổng dư nợ của toàn hệ thống đạt 3.970.548 tỉ đồng. Nợ xấu đã giảm mạnh từ mức trên 4% của tháng 6-2014 xuống 3,22% tổng dư nợ đến thời điểm trên. Như vậy số tuyệt đối nợ xấu sẽ là 127.851 tỉ đồng. Và từ giờ đến tháng 9/2015 các TCTD phải bán khoảng 100.000 tỉ đồng nợ xấu nữa thì số nợ xấu chỉ còn gần 28.000 tỉ đồng chiếm một tỷ lệ quá thấp trên tổng dư nợ. Điều đó lý giải tại sao một số NH lại lo không còn nợ xấu để bán và muốn “chốt” số nợ xấu với NHNN.
Hầu hết các NH đều không mặn mà việc bán nợ xấu nhiều vì bán nợ nhiều cho VAMC thì họ bắt buộc phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro càng lớn để có thể chủ động sử dụng dự phòng mà xử lý nợ xấu. Theo quy định, mỗi khoản nợ bán cho VAMC thì chí ít phải trích 20% dự phòng rủi ro gói nợ đó. Ngoài ra, nếu bán nhiều thì số lãi dự thu phải thoái ra càng lớn, ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận của NH ở cả hai đầu, đầu vào lãi dự thu lẫn đầu ra dự phòng rủi ro…
Dù còn những băn khoăn từ phía các NH nhưng các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng khả năng thực hiện các mục tiêu như NHNN nêu tại Chỉ thị 02 là hoàn toàn khả thi. Sự ráo riết của NHNN đối với các NH để đưa nợ xấu giảm theo lộ trình bằng một mệnh lệnh hành chính là cần thiết vì nếu không làm như thế chắc chắn có NH sẽ chây ỳ, viện đủ lý do để không thực hiện rốt ráo xử lý nợ.
Để đưa nợ xấu về dưới mức 3%, rất cần phải hoàn thiện thêm về khuôn khổ pháp lý liên quan tới xử lý nợ xấu nhất là cơ chế phát mại tài sản, xử lý tài sản bất động sản… sao cho phù hợp thực tế. Điều này cần sự phối hợp giữa NHNN với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Chính phủ cũng cần phải có cơ chế đặc biệt để giải quyết vấn đề nợ xấu đặc biệt ở Việt Nam.