Nâng cao năng lực phụ nữ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Xã hội - Ngày đăng : 20:01, 07/04/2015
Dự án “Sức sống Mê Kông” kéo dài trong 3 năm (2013 - 2016) với tổng số tiền đầu tư là 1.2 triệu USD. Mục tiêu ban đầu là tiếp cận và hỗ trợ cho ít nhất 5.000 chị em phụ nữ tại huyện Tam Bình và thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Dự án “Sức sống Mê Kông” là chương trình tài chính dựa trên tiết kiệm, trong đó phụ nữ tập hợp thành các ngân hàng nhóm, thực hành tiết kiệm, cho thành viên nhóm vay tiền làm kinh doanh nhỏ để tạo thêm thu nhập. Thông qua việc kết hợp tập huấn về quản lý tài chính, vận hành ngân hàng nhóm và hướng dẫn cách làm kinh doanh, chương trình đã giúp phụ nữ Vĩnh Long có cơ hội phát triển năng lực, trở thành người làm chủ cuộc sống và mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng.
Trong hơn một năm qua, Coca-Cola, PACT cùng đối tác là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp thử nghiệm mô hình tại tỉnh Vĩnh Long, thu hút sự tham gia của hơn 3,500 phụ nữ. Chị em tham gia đã và đang tổ chức họp ngân hàng nhóm đều đặn, thực hành tiết kiệm, nhận lợi tức từ việc tiết kiệm và cho vay, đồng thời khởi nghiệp hoặc mở rộng các hoạt động kinh doanh đang có. Hơn 1,300 doanh nghiệp nhỏ đã được chị em triển khai và duy trì ổn định đến nay. Dựa trên thành công này, Coca-Cola, PACT và USAID sẽ mở rộng dự án sang các huyện khác.
Bà Đặng Thị Thanh Bình - Quản lý quốc gia của PACT, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở chính ở Hoa Kỳ, đơn vị trực tiếp triển khai dự án “Sức sống Mê Kông” cho biết: "Trong hơn 40 năm qua, các hoạt động của PACT nhằm cải thiện cuộc sống của người nghèo và người yếu thế. Dự án này giúp PACT đạt được mục tiêu và hướng đến tầm nhìn của tổ chức là “một thế giới mà trong đó người nghèo, đặc biệt là phụ nữ yếu thế được nói lên tiếng nói của mình, xây dựng các giải pháp cho mình và làm chủ tương lai”.
Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola khu vực Đông Dương cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi dành cho dự án “Sức sống Mê Kông” là góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực phụ nữ địa phương thông qua văn hóa tương trợ, chia sẻ lẫn nhau của chị em, đồng thời mang đến cho họ cơ hội vay vốn, phát triển kinh doanh. Với những nỗ lực này, chúng tôi hướng tới việc đem lại những thay đổi tích cực nhằm góp phần giúp chị em nâng cao vị trí xã hội và có cuộc sống tốt đẹp hơn".