Họp Thường vụ Quốc hội: Đề nghị bãi bỏ các khoản phí gây bức xúc

Chính trị - Ngày đăng : 20:48, 06/04/2015

Những khoản thu như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố... cần được rà soát, bãi bỏ.


Luật hóa để minh bạch các khoản phí, lệ phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật sau 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và Lệ phí, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; Tiếp tục rà soát để đảm bảo tính hợp hiến, đồng bộ, tập hợp đầy đủ mọi nguồn thu từ phí, lệ phí vào Ngân sách nhà nước

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển


”Lần này xác định khá rõ. Luật hóa để minh bạch các khoản thu. Liên quan đến quyền, nghĩa vụ nộp cho Nhà nước phải minh bạch, rõ ràng”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến cho rằng Luật điều chỉnh bao gồm cả phí, lệ phí do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện là chưa thực phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong một số lĩnh vực cần khuyến khích. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với quan điểm trên, đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ quy định đối với khoản thu phí, lệ phí thuộc dịch vụ công do Cơ quan nhà nước thực hiện.

Các dịch vụ do các tổ chức và cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện sẽ được thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ nhằm đẩy mạnh xã hội hóa và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời bỏ các quy định liên quan đến các khoản thu từ phí, lệ phí của các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước thực hiện trong Dự thảo Luật.

Cần rà soát bãi bỏ một số loại phí

Theo Tờ trình của Chính phủ, Danh mục phí, lệ phí kèm theo Dự thảo Luật bao gồm 51 khoản phí và 39 khoản lệ phí. Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí việc bãi bỏ, chuyển sang cơ chế giá và bổ sung mới một số khoản phí, lệ phí như Tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, Danh mục phí, lệ phí quy định trong Dự thảo Luật chưa cụ thể, chỉ quy định theo nhóm, loại phí, lệ phí; một số loại phí, lệ phí chưa rõ về tên gọi với nội hàm. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung và quy định chi tiết các khoản phí, lệ phí, có phân loại theo nhóm ngành cụ thể ngay trong Dự thảo Luật.

”Để bảo đảm tính khả thi của Luật, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị, bổ sung điều, khoản giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình và báo cáo Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết.

Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị rà soát lại danh mục cho đầy đủ vì thiếu nhiều khoản phí, lệ phí đã được quy định trong nhiều luật hiện hành.

Về một số loại phí cụ thể, Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí và thực hiện theo cơ chế giá, các quy định này đã được thể hiện tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật Giá. Theo quy định này, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá.

Đối với Lệ phí môn bài, theo ông Phùng Quốc Hiển, về bản chất là khoản lệ phí thu hàng năm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm quản lý, kiểm kê, kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện đang hoạt động. Dó đó, nhất trí việc chuyển thuế môn bài là khoản lệ phí như Dự thảo Luật.

Liên quan lệ phí trước bạ, cơ quan thẩm tra cho rằng, Nhà nước thu lệ phí trước bạ nhằm thực hiện xác lập quyền sở hữu và sử dụng về tài sản của công dân. Do vậy, việc thu lệ phí chính là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân về sở hữu, sử dụng tài sản.

Các ý kiến nhất trí quy định khoản thu lệ phí trước bạ trong Danh mục lệ phí. Tuy nhiên hiện nay, cơ chế thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ % trên giá trị tài sản và giao cho Hội đồng nhân dân tỉnh quy định với tỷ lệ thu khác nhau, dẫn đến thiếu thống nhất về mức thu trên toàn quốc.

Trong phần kết luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần quy định tỷ lệ thống nhất về một mức đối với mỗi loại tài sản, đảm bảo tính thống nhất, hợp lý đối với khoản thu này, ”không thể để mua cái nhà, cái ô tô ở mỗi tỉnh mỗi khác”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với quan điểm Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như Lệ phí hải quan...) nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu; một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự án luật cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9./.

Theo VOV