Kỳ vọng góp phần hoàn thành chỉ tiêu
Thể thao - Ngày đăng : 07:00, 06/04/2015
Đây không phải lần đầu điền kinh Việt Nam có VĐV tập huấn tại Mỹ. Cách đây gần một năm, bộ tứ Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy cùng HLV Nguyễn Trọng Hổ đã tới Mỹ tập huấn trong khoảng hơn 4 tháng để chuẩn bị cho ASIAD 2014. Chuyến tập huấn có thể coi là mang tính đột phá về cách nghĩ, cách làm của những người chịu trách nhiệm với bộ môn. Bởi họ chấp nhận đưa VĐV đến nơi tập huấn đắt đỏ hơn so với những địa điểm quen thuộc trước đây. Đổi lại, ở Mỹ lại có đông đảo HLV hàng đầu thế giới và điều kiện tập luyện chuyên nghiệp hơn. Có những trục trặc ban đầu ở chuyến tập huấn đó, như việc thay đổi địa điểm tập huấn chỉ sau hơn 2 tuần tập luyện, nhưng rồi cuối cùng mọi việc cũng đâu vào đấy. Sau chuyến đi ấy, Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền thực sự phát huy tốt khả năng bản thân trong đó, Quách Thị Lan giành tấm HCB ASIAD đầu tiên trong đời. Người trong cuộc từng kể rằng, có tập huấn tại Mỹ, nữ VĐV người Thanh Hóa và các đồng đội mới được chỉnh sửa những thói quen, động tác mà lúc tập ở Việt Nam họ không nhận ra. Những thứ tưởng nhỏ nhặt ấy, như cách đánh gót chân khi chạy, cũng ảnh hưởng nhiều đến thành tích chung.
Chính sự phát triển của Quách Thị Lan đã khiến ngành thể thao Thanh Hóa mong muốn cho VĐV sáng giá nhất của điền kinh tỉnh nhà lại được tiếp tục tập luyện tại Mỹ. Sự sốt sắng của thể thao Thanh Hóa cùng với mong muốn đầu tư mạnh tay cho VĐV trọng điểm của Tổng cục TDTT gặp nhau nên mới có chuyến đi tập huấn tại Mỹ lần thứ 2 của Quách Thị Lan theo phương thức "nhà nước và đơn vị chủ quản cùng làm". Phương thức này từng rất thành công trong trường hợp đầu tư cho Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) nên một lần nữa được hy vọng ở trường hợp của Quách Thị Lan. Ít ra, thời điểm này trong hai môn cơ bản của Olympic tại Việt Nam, môn bơi đã có "gương mặt đại diện" là Nguyễn Thị Ánh Viên. Còn điền kinh chưa có ai và có lẽ ở thời điểm này, Quách Thị Lan xứng đáng được đầu tư để thành "gương mặt đại diện" như Vũ Thị Hương ngày nào.
Theo dự kiến, ngoài Quách Thị Lan thì VĐV người Nam Định Nguyễn Thị Huyền cũng góp mặt trong chuyến tập huấn kỳ này. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ Quách Thị Lan có tên vì đơn giản là đơn vị chủ quản Thanh Hóa là đội "chịu chơi". Dù vậy, Quách Thị Lan lại không có HLV Việt Nam đồng hành trong suốt chuyến tập huấn này, chỉ có phiên dịch viên là người của Tổng cục TDTT để hỗ trợ giao tiếp, thủ tục giấy tờ. Điều này khác với Nguyễn Thị Ánh Viên khi luôn có HLV người Việt Nam (HLV Đặng Anh Tuấn) theo kèm. Quách Thị Lan sẽ phải tự tập với chuyên gia, phải làm quen với việc tự thân vận động về chuyên môn, duy trì chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi. Cũng có không ít lo ngại rằng, liệu VĐV này có thích nghi với điều kiện này được không. Thế nhưng, như những người có trách nhiệm thì có khi đó lại là điều hay để VĐV này phải hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và hun đúc ý chí vươn lên. Đây cũng là chuyến tập huấn phục vụ cơ hội đoạt HCV SEA Games 28 ở nội dung 400m và 400m vượt rào của Quách Thị Lan qua đó có thể giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam hoàn tất chỉ tiêu giành 10 HCV.
Còn sau đó, có thể sẽ tiếp tục là những chuyến tập huấn dài hạn tại Mỹ như trường hợp với Nguyễn Thị Ánh Viên, nhằm giúp Quách Thị Lan ổn định ở nhóm đầu châu lục cũng như giành vé chính thức tham dự Olympic 2016. Tất nhiên, tập huấn dài ngày sẽ hao tốn tiền của, nhưng khi đã xác định đầu tư trọng điểm cho VĐV cũng như xây dựng cho cô thành gương mặt đại diện cho điền kinh Việt Nam thì đó cũng không phải là rào cản không thể vượt qua.