Chiến sự leo thang tại Yemen: Nguy cơ thảm họa nhân đạo

Thế giới - Ngày đăng : 06:42, 06/04/2015

(HNM) - Đã 10 ngày trôi qua kể từ khi liên quân các nước Arab, do Saudi Arabia dẫn đầu, phát động cuộc không kích quy mô nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo Houthi ở miền Nam Yemen và tiếp viện vũ khí cho các lực lượng trung thành với Tổng thống Ab-drabbu Mansour Hadi,

Cảnh tan hoang sau cuộc không kích của liên quân tại Yemen.



Một trong những điểm giao tranh ác liệt nhất giữa lực lượng trung thành với Tổng thống phải đi lánh nạn A.Hadi và phiến quân Houthi trong tuần qua là thành phố cảng Aden. Thành phố lớn thứ hai của Yemen này được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng ủng hộ Tổng thống A.Hadi. Với sự hỗ trợ của liên quân, lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Yemen đã đẩy lùi các tay súng Houthi ở một số khu vực tại miền Trung Aden, trong đó có dinh thự của ông A.Hadi, vốn bị lực lượng này chiếm đóng thời gian qua. Tuy nhiên, ghi nhận của báo chí 48 giờ qua cho thấy, chiến dịch không kích liên quân do Saudi Arabia đứng đầu, nhằm bảo vệ chính quyền hợp pháp của Tổng thống A.Hadi, mới chỉ dừng lại ở việc ngăn chặn bước tiến của phiến quân Houthi, chưa thể đẩy lui lực lượng này khỏi thành phố cảng chiến lược Aden.

Tình hình chiến sự tại Yemen diễn biến ngày càng phức tạp khiến dư luận quốc tế hết sức quan ngại. Với mục tiêu tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia vùng Vịnh này, Nga vừa trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một dự thảo nghị quyết kêu gọi một lệnh tạm ngừng không kích nhân đạo. Là nước ủy viên thường trực HĐBA, Nga đã hối thúc cơ quan gồm 15 thành viên tiến hành phiên họp khẩn cấp và xem xét dự thảo nói trên với nội dung chính là yêu cầu liên quân tạm ngừng không kích để tạo điều kiện cho các nước liên quan và các tổ chức quốc tế sơ tán công dân nước ngoài khỏi Yemen. Bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo đang xấu đi nghiêm trọng tại đây, Mátxcơva đã yêu cầu lập tức thiết lập các kênh hỗ trợ để bảo đảm hàng cứu trợ đến với người dân. Song, văn kiện gói gọn trong một trang không nêu khung thời gian lệnh ngừng không kích có hiệu lực cũng như không đề cập tới những lời kêu gọi trước đó của HĐBA, yêu cầu phiến quân Houthi hạ vũ khí và trở lại bàn đàm phán. Vì thế, các nước ủy viên HĐBA tỏ ra khá thận trọng với đề xuất của Nga. Lời kêu gọi khẩn thiết trên của Nga có cơ sở khi cuộc chiến không khoan nhượng giữa lực lượng trung thành với Tổng thống A.Hadi và phiến quân Houthi đang đẩy quốc gia hơn 23 triệu dân đứng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của LHQ, đã có khoảng 600 người thiệt mạng và gần 1.700 người bị thương trong hai tuần giao tranh ác liệt vừa qua. Giám đốc Sở Y tế thành phố Aden Al-Kheder Lassouar lo ngại, số thương vong ngày càng tăng khiến các cơ sở y tế, bệnh viện của địa phương không đủ thuốc men và nguồn lực để cứu chữa. Vì thế, ông kêu gọi các tổ chức quốc tế cũng như các nước Arab đang tham gia liên quân chống Houthi cung cấp hỗ trợ y tế khẩn cấp cho các bệnh viện trong thành phố. Tuy nhiên, tình hình chiến sự chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều sân bay, cảng biển bị đóng cửa cản trở công tác vận chuyển và phân phối hàng cứu trợ cho người dân.

Không chỉ có sự đối đầu giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến tại Yemen thời gian qua đã có tác động lớn đến chính sách ngoại giao của nhiều nước trong khu vực. Sự đối đầu tôn giáo giữa một bên là liên minh các quốc gia có dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số với bên kia là các nước chịu ảnh hưởng của dòng Shiite chiếm đa số, trong đó có Iran. Vì thế, ngay sau khi liên quân Arab không kích Yemen, cả Iran và Syria đã lên tiếng phản đối khi gọi hành động này là "sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ Yemen". Trong khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước Arab lại cho rằng Iran hậu thuẫn cho lực lượng phiến quân Houthi. Với Mỹ, tuy không trực tiếp tham gia chiến dịch không kích đẩy lùi phiến quân Houthi do Saudi Arabia dẫn đầu nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cam kết hỗ trợ tình báo qua các vệ tinh do thám và công tác hậu cần. Cuộc chiến ngày càng trở nên căng thẳng khiến hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa, tị nạn ở những nơi không bảo đảm điều kiện sinh hoạt với tương lai vô cùng mờ mịt.

Đình Hiệp