Khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng
Chính trị - Ngày đăng : 06:21, 06/04/2015
Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Ảnh tư liệu |
Thượng tướng Phan Trung Kiên, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Một trong những nguyên nhân cơ bản và chủ yếu dẫn đến thắng lợi của Đại thắng Mùa xuân 1975, mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc vào ngày 30-4-1975 là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này được thể hiện ở chỗ: Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta anh dũng chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc; kiên quyết và khôn khéo sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đảng đã giải quyết đúng đắn và sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng; giải quyết thành công nhiều vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng, xây dựng lực lượng cách mạng và phương pháp cách mạng, về phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự. Trong cuộc chiến tranh này, Đảng đã phát huy cao độ trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh để đánh thắng chủ nghĩa đế quốc xâm lược; phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, xây dựng, củng cố, phát triển khối đoàn kết thống nhất của toàn thể cộng đồng các dân tộc Việt Nam; phát huy cao độ sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, phân hóa, cô lập triệt để kẻ thù để giành chiến thắng hoàn toàn cho dân tộc Việt Nam.
Trước kẻ địch có tiềm lực quân sự mạnh, Đảng ta đã có chiến lược phù hợp, định hướng cho cả dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973), trên cơ sở so sánh lực lượng địch - ta trên chiến trường miền Nam có sự thay đổi căn bản theo hướng có lợi cho ta, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp từ ngày 18-12-1974 đến 8-1-1975 đã hạ quyết tâm: "Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian hai năm 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta; tiến hành rất khẩn trương và hoàn thành mọi mặt công tác chuẩn bị tạo điều kiện chín muồi tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam Việt Nam. Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975".
Căn cứ vào điều kiện của ta, tình hình địch, yếu tố địa hình, thời tiết; kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, để bảo đảm chắc thắng, Đảng đã chỉ đạo tập trung tạo ưu thế về lực lượng một cách hợp lý để đánh thắng địch. Cụ thể, trong Chiến dịch Tây Nguyên, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu đã nhận định xét về tổng thể, lực lượng ta và địch tương đương nhau, ta không có không quân, nhưng trên hướng và mục tiêu chủ yếu Buôn Ma Thuột ta tập trung bộ binh gấp 4,5 lần địch, xe tăng thiết giáp gấp 5,5 lần, pháo binh gấp 5 lần nên đã tạo nên sức mạnh để tiếp tục giành thắng lợi trong trận đánh địch phản kích và rút chạy trên đường số 7. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tham mưu xác định Sài Gòn là nơi trú, đóng các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Vì vậy, ta tập trung lực lượng áp đảo, gấp địch 1,7 lần, số đơn vị tập trung gấp 3 lần. Với chủ trương trên ta đã giành ưu thế về lực lượng và hình thành các binh đoàn chủ lực cơ động có sức tiến công rất mạnh, tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế vượt trội và kết thúc chiến dịch với thời gian ngắn nhất. Tính riêng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ ngày 26-4-1975 đến ngày 30-4-1975, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân chủ lực, quân địa phương thuộc Quân khu 3 ngụy, những đoàn quân thuộc Quân khu 1 và 2 chạy về cố thủ và chi viện cho địch ở Sài Gòn - Gia Định, diệt và làm tan rã khoảng 269.000 tên địch, thu 276.000 súng các loại (trong đó có 518 khẩu pháo), 409 xe tăng, thiết giáp, 858 máy bay các loại, 6.457 tàu, xuồng chiến đấu, 3.296 xe ô tô và nhiều phương tiện, khí tài khác, giải phóng hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định, góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tá, TS Nguyễn Văn Bạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) khẳng định: Chiến thắng năm 1975 thể hiện ở đường lối lãnh đạo đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối đó của Đảng ta, trong đó, trực tiếp là đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng… Đường lối đó có sự kế thừa kinh nghiệm từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được bổ sung, phát triển và từng bước hoàn thiện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Chiến thắng còn là một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, để lại nhiều bài học quý giá. Một trong những yếu tố quyết định tạo nên thắng lợi của cách mạng và cuộc chiến tranh nhân dân đó là sự lãnh đạo sáng tạo, năng động và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ kính yêu sáng lập và dìu dắt. Với phương pháp, hình thức phong phú, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện với những chiến lược, sách lược năng động để Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi mãi là bản hùng ca toàn thắng, là nguồn động lực tinh thần to lớn cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.