Giải quyết triệt để các sự cố truyền thông bằng cách nào?

Xã hội - Ngày đăng : 05:49, 06/04/2015

(HNM) - Trước những phản ứng gay gắt của dư luận và những nỗ lực nhằm tìm ra sự thật phía sau phóng sự "Khi áo trắng học sinh chìm trong khói shisha" (miêu tả nhóm học sinh ở Hà Nội hút shisha, phát sóng vào ngày 27-3), tối 4-4, kênh truyền hình VTC 14 đã chính thức có lời xin lỗi.

Theo đó, lãnh đạo kênh VTC 14 đã kiểm tra chi tiết, rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và nhận thấy có những lỗi nghiệp vụ, trong đó, ê kíp sản xuất chưa tuân thủ đầy đủ nguyên tắc trong việc sử dụng thông tin và hình ảnh khi ghi hình phát sóng với đối tượng là trẻ vị thành niên. Truyền hình VTC và lãnh đạo kênh VTC 14 đã kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm sâu sắc; tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của cả nhóm tác nghiệp...; đồng thời gửi lời xin lỗi tới những học sinh đã tham gia, trả lời phỏng vấn trong phóng sự truyền hình này.

Một lời xin lỗi là cần thiết và việc tạm đình chỉ hoạt động sản xuất của ê kíp thực hiện phóng sự cũng là việc không thể không làm. Như vậy, câu chuyện gây sốc trong dư luận xã hội đã có hồi kết, tạm cho là có hậu, khi nhà đài công khai xin lỗi vì những sai lầm do họ gây ra. Tuy nhiên, sự kiện "khủng hoảng truyền thông" này nối tiếp những trường hợp tương tự trong thời gian gần đây nói lên những "khuyết tật" nguy hiểm của giới truyền thông.

"Sự cố" của VTC 14 cho thấy vấn đề không chỉ ở "những lỗi nghiệp vụ" hay "phương pháp thể hiện chưa phù hợp". Bộ luật Dân sự đã có quy định rõ ràng về việc nghiêm cấm sử dụng hình ảnh của người khác mà việc đó làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người trong ảnh. Hơn nữa, dù với mục đích gì thì việc sử dụng hình ảnh của học sinh dưới 18 tuổi cũng phải có sự trao đổi rõ ràng, phải được sự chấp thuận của chính các em và gia đình hoặc người giám hộ; việc xuất hiện trên sóng truyền hình bảng tên của trường học cụ thể phải có sự đồng ý của nhà trường... Ở một khía cạnh khác, có thể nói, việc đề nghị học sinh tham gia một chương trình truyền hình có nội dung nhạy cảm thì dù ở thể loại báo chí nào cũng phải cân nhắc (với học sinh nói chung và học sinh mắc lỗi nói riêng), bởi lẽ, với tuổi mới lớn, những chỉ trích từ cộng đồng hoàn toàn có thể tạo nên những cú sốc tâm lý ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài đối với các em. Do vậy, vấn đề ở đây không chỉ là "những lỗi nghiệp vụ", mà còn là sự vi phạm đạo đức nghề nghiệp và vi phạm pháp luật.

Điều đáng quan ngại là đây không phải trường hợp hi hữu. Chúng ta đã chứng kiến có những cơ quan báo chí, nhà báo vì mục đích câu khách, "đánh" hội đồng cá nhân, tập thể nào đó mà bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp nguyên tắc đạo đức, đã lắt léo sử dụng những thông tin không đầy đủ, không đúng bản chất sự việc, dùng quyền áp đặt thông tin sai sự thật, kết tội, bội nhọ xúc phạm danh dự, uy tín người khác. Khi những người bị "đánh" thanh minh được thì danh dự, uy tín của họ đã bị tổn thương nặng nề.

Thời gian gần đây truyền thông nước nhà đã tạo ra không ít "cơn bão" dư luận trong đời sống xã hội. Hơn một tháng trước, khi sự việc "con ruồi" trong chai nước Number One của Công ty Tân Hiệp Phát và chuyện đòi bồi thường nửa tỷ đồng chưa đi đến hồi kết, thì trên hàng trăm trang mạng và các ấn phẩm báo chí đã xuất hiện vô số thông tin liên quan đến những vật thể lạ trong sản phẩm đồ uống của công ty này, cùng với đó là những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm. Kết quả là thương hiệu của một doanh nghiệp nội, được đánh giá đủ sức đối chọi với doanh nghiệp ngoại trên thị trường nước giải khát đang cạnh tranh khốc liệt bị tổn thương nghiêm trọng. Truyền thông đứng về phía người tiêu dùng, thế nhưng những đòn "ném đá hội đồng" nhằm vào Công ty Tân Hiệp Phát suy cho cùng không mang lại bao nhiêu lợi ích cho xã hội, ngược lại còn giúp một số kẻ "đục nước béo cò". Mới đây, câu chuyện thay thế, trồng mới cây xanh trên một số tuyến phố ở Hà Nội cũng xảy ra chuyện tương tự. Một chủ trương đúng, một việc làm bình thường trong quản lý đô thị vì một Thủ đô xanh hơn, đẹp hơn nhưng vì khi triển khai không chuẩn (vội vã, cấp tập, không tuyên truyền giải thích, chặt cả những cây còn khỏe,...), trước những dư luận trái chiều, lãnh đạo TP Hà Nội đã cho dừng công việc, nghiêm túc lắng nghe ý kiến xác đáng của giới khoa học và người dân, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, xử lý những cá nhân, tập thể liên quan... Thế nhưng, bên cạnh những ý kiến phê bình, góp ý mang tính xây dựng và có hàm lượng khoa học, hàm lượng văn hóa thì lại có các "cơn mưa gạch, đá" trên các trang mạng, trên các ấn phẩm báo chí ào ạt "ném" vào thành phố với những thông tin sai lệch hoặc bị bóp méo, với không ít lời lẽ nặng nề, bôi nhọ người này, xúc phạm người kia, thậm chí đưa ra những thông tin kích động...

Và gần đây còn nhiều trường hợp tương tự như vậy đã diễn ra mà với thành tựu của khoa học công nghệ đã kết nối, tương tác, nhân bản, tạo nên những cơn bão truyền thông gây náo loạn hoạt động xã hội. Có thể gọi thẳng ra rằng việc kết nối không biên giới, sự tương tác, nhân bản là "một xu hướng" của truyền thông hiện đại khi được công nghệ chắp cánh. Nhưng nếu vì mục đích tích cực mang hàm lượng khoa học, văn hóa cao thì đó là xu hướng tốt cần khuyến khích, ngược lại với mục đích tiêu cực và mang hàm lượng khoa học, văn hóa thấp hoặc bằng không thì đó lại là mối nguy của phát triển. Xu hướng ngợi ca cái tốt, lấy cái tốt để át cái xấu, hướng con người đến cái tốt là xu hướng tích cực, còn xu hướng chỉ khai thác (thậm chí là moi móc) cái xấu với mục đích vùi dập, hạ bệ thì sẽ hướng con người đến tiêu cực nhiều hơn. Dù như thế nào thì cũng không thể đổ lỗi cho khoa học công nghệ mà điều tiên quyết vẫn là yếu tố con người làm truyền thông, con người tham gia mạng xã hội sẽ đưa đến cái xấu hoặc cái tốt - đó là cái tâm trong sáng, là đạo đức con người của người làm truyền thông!

Tiếp cận sự thật khách quan là bổn phận, cũng là trách nhiệm của người làm báo, làm truyền thông. Nhưng khai thác thông tin thế nào, cách thức thể hiện ra sao, cần hết sức cân nhắc để bảo đảm tính trung thực và tính nhân văn; đồng thời hướng công chúng đến những giá trị tốt đẹp: chân - thiện - mỹ. Phản ánh những tiêu cực để tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực chứ không phải là "đánh hội đồng", vùi dập, triệt tiêu, không phải là chỗ cho những người trả thù cá nhân hay vơ đũa cả nắm để xúc phạm cả tập thể, càng không phải là dàn dựng, ngụy tạo... Rõ ràng kiểu thông tin ở một khía cạnh khác có thể hiểu là kiểu "làm ăn" chộp giật, bất chấp, bóp méo sự thật, moi móc cái xấu,... để câu kéo công chúng là không thể chấp nhận bởi nó đi ngược lại tính trung thực, nhân văn của báo chí, làm phương hại đến môi trường truyền thông, tác động xấu đến thị hiếu cũng như cách tiếp cận của công chúng.

Trong bối cảnh đất nước đang duy trì hơn 800 cơ quan báo chí với khoảng 1.500 ấn phẩm, hàng nghìn trang mạng được cấp phép thì việc cạnh tranh thông tin là tất yếu và cũng là vấn đề sống còn của mỗi tờ báo, mỗi cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, sự cạnh tranh không đồng nghĩa với việc chạy theo lối thông tin giật gân, câu khách, không đồng nghĩa với tạo mặt bằng truyền thông chỉ hoàn toàn là cái xấu, cái tiêu cực... Việc một số tờ báo, đặc biệt là báo mạng, đi ngược với tinh thần nhân văn của báo chí cách mạng, đã và đang gây ra không ít hệ lụy cho đời sống xã hội; đồng thời đánh mất niềm tin trong công chúng.

Một thực tế khác cũng cần đề cập. Đó là, trong mấy năm trở lại đây, báo chí nước nhà đã phát triển với một tốc độ chóng mặt, đặc biệt là báo điện tử. Đây là xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Tuy nhiên, không ít cơ quan truyền thông, báo chí chưa đưa ra được những dự báo chính xác và khoa học về xu hướng thông tin, thị trường và chưa làm chủ được nền tảng công nghệ của báo điện tử. Do vậy, báo điện tử phát triển thiếu bền vững, trong khi đó nhiều báo in sụt giảm số lượng liên tục. Chưa kể, không ít bộ, ngành, hội, đoàn thể có nhiều cơ quan báo chí nhưng hoạt động không mấy hiệu quả, thậm chí giao phó đầu báo cho đầu nậu tư nhân, dẫn đến tình trạng sai tôn chỉ mục đích, cạnh tranh thông tin không lành mạnh...

Vậy, chúng ta cần làm gì và phải làm gì để các cơ quan ngôn luận tồn tại và phát huy hiệu quả trong tiến trình phát triển chung của đất nước?

Trong hàng loạt giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và sẽ thực hiện, bên cạnh việc chấn chỉnh hoạt động báo chí, siết chặt việc thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm thì quy hoạch lại hệ thống truyền thông, báo chí là hết sức cần thiết và cấp thiết. Quy hoạch truyền thông báo chí không chỉ nhằm thanh lọc, loại bỏ những sản phẩm không mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của báo chí nước nhà, mà quan trọng hơn là thúc đẩy sự phát triển đúng hướng của báo chí và tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Đề án Quy hoạch phát triển quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đã được Chính phủ trình tại Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và đã được Bộ Chính trị xem xét.

Đi trước một bước, ngày 23-3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã họp với các cơ quan có trách nhiệm nhằm "rút gọn" hệ thống báo, tạp chí trực thuộc để bộ này chỉ còn hai cơ quan báo chí là báo Giao thông và tạp chí Giao thông Vận tải. Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ Giao thông - Vận tải quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ mục đích; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới... Bước khởi đầu đúng với tinh thần quy hoạch báo chí toàn quốc của Bộ Giao thông - Vận tải đã nhận được sự đồng thuận của nhiều cơ quan quản lý báo chí truyền thông và từ phía xã hội.

Có thể nói, "sự cố VTC 14" là giọt nước tràn ly cho thấy rõ ràng hàng loạt bất cập trong hoạt động truyền thông báo chí và những vấn đề bức thiết về quản lý truyền thông, báo chí đang đặt ra hiện nay. Để giải quyết thấu đáo những bất cập, sai lệch đó của truyền thông, báo chí thì việc thực hiện đề án quy hoạch báo chí toàn quốc là việc phải làm ngay, làm triệt để!

Cù Xuân Trường