Hiệu quả từ các trạm trực gác bảo đảm ATGT đường sắt
Giao thông - Ngày đăng : 01:42, 06/04/2015
Thời gian đầu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quyết định thành lập 14 trạm gác chắn đảm bảo ATGT tại 14 điểm đường ngang giao cắt với đường sắt. Trong đó có 9 trạm gác chắn trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên được giao cho Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây đảm nhận; 5 trạm do Công ty Cổ phần Giao thông 2 đảm nhận. Đến thời điểm này, trên trục đường sắt Bắc-Nam, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho lập thêm 2 trạm gác chắn đường sắt nữa.
Ngoài việc thành lập các trạm gác chắn đường sắt, thời gian qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cho tôn mặt đường nhằm rút ngắn cao độ tại các điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A (cũ) và các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, liên thôn có tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua nhằm đảm bảo ATGT. Bởi trước đây, cao độ giữa đường tàu Bắc- Nam với quốc lộ 1A (cũ), đặc biệt tại khu vực ngoại thành Hà Nội là rất lớn (từ 0,8m -1,25m).
Cần phải nói thêm rằng, việc cho lập các trạm trực gác đảm bảo ATGT tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt của Sở Giao thông Vận tại Hà Nội là việc làm rất thiết thực. Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua địa bàn 3 huyện ngoại thành Hà Nội, gồm: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên đều có chung một đặc điểm là bám theo hành lang giao thông quốc lộ 1A (cũ). Bởi vậy, trên đoạn tuyến này có rất nhiều điểm đường ngang giao cắt với đường sắt: Trên địa bàn huyện Thường Tín, đoạn tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua có chiều dài 16,5 km, giao cắt với hơn 10 trục đường ngang dân sinh. Còn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua 6 xã, thị trấn của huyện với chiều dài 9,7 km và giao cắt với 12 trục đường dân sinh chính vào các khu dân cư.
Từ đầu năm 2011 trở về trước, đoạn tuyến đường sắt Bắc-Nam chạy qua 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên có hơn 10 trục đường ngang dân sinh (trục đường chính) giao cắt với đường sắt (có phép) nhưng không hề có rào chắn, hay thiết bị cảnh báo… Do vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, trên tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua địa bàn huyện Thường Tín đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể: Ngày 22-11-2009, tại điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc- Nam và đường dân sinh thuộc địa bàn xã Văn Tự (Thường Tín) đã xảy ra vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng làm 20 người chết và bị thương; tiếp đến, ngày 29-3-2011, tại điểm giao cắt giữa đường sắt Bắc- Nam và đường dân sinh (lối rẽ vào chùa Đậu huyện Thường Tín) cũng đã xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô chở khách khiến 9 người thiệt mạng…
Một trạm trực gác tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn huyện Thường Tín do Sở GTVT Hà Nội thành lập |
Từ khi các trạm gác chắn đi vào hoạt động đã thực sự phát huy hiệu quả, không để xảy ra vụ TNGT nào. Theo anh Dương Văn Tịnh, Đội trưởng Đội trực gác đảm bảo ATGT đường ngang giao cắt với đường sắt trên quốc lộ 1A - Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây cho biết, Công ty đã thành lập 1 đội trực gác nhằm đảm bảo ATGT tại các điểm đường ngang giao cắt với đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên. Tại các điểm giao cắt này, Công ty đã cắt cử mỗi trạm gác chắn 4 công nhân túc trực. Hàng ngày việc túc trực tại mỗi trạm gác chắn được chia làm 2 ca (ca 1 trực từ 5 giờ đến 13 giờ; ca 2 trực từ 13 giờ đến 21 giờ), mỗi ca do 2 công nhân đảm nhận. Công nhân gác chắn được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động có gắn phản quang, đèn pin, còi, cờ, băng đỏ và một số thiết bị cần thiết khác… Công ty đã xây dựng nội quy, quy chế cho cán bộ và công nhân tham gia trực gác. Lực lượng công nhân trực gác luôn tuân thủ đúng nội quy, quy chế của Công ty đề ra, không có tình trạng tự ý bỏ vị trí gác.
Cuối năm 2014, Sở GTVT Hà Nội đã cho thành lập thêm trạm gác chắn tại trạm 500 KV thuộc địa bàn huyện Thường Tín, vì trước đó không lâu tại đây đã xảy ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 2 người.
Trước thực tế kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông qua các trục đường bộ giao cắt với đường sắt rất đông (từ sáng sớm cho đến đêm khuya). Vì thế, để đảm bảo ATGT, Sở GTVT Hà Nội nên xem xét cho tăng thêm ca trực tại các trạm gác chắn từ 2 ca lên 3 ca/ngày.