Phải chăng muốn giữ thế độc quyền trên thị trường?

Kinh tế - Ngày đăng : 20:07, 05/04/2015

(HNMO) - Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức diễn ra cuối tuần qua (ngày 3-4), Phó TGĐ Tập đoàn Viettel đã có hai đề xuất kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước áp dụng.


Đó là Viettel đề xuất Bộ quản lý giá cước viễn thông theo cơ chế giá trần và giá sàn, không nên dành ưu đãi cho DN mới hay DN nhỏ; đồng thời, kiến nghị chính sách giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại của thuê bao trả trước. Đây mới chỉ là những đề xuất kiến nghị, song nếu được áp dụng có thể sẽ là gây cản trở sự phát triển của các nhà mạng nhỏ đang hoạt động trên thị trường và ảnh hưởng lợi ích của khách hàng. 




Bỏ ưu đãi DN nhỏ - “Gây khó” doanh nghiệp nhỏ!
Theo đề xuất của Phó TGĐ Tập đoàn Viettel, cơ quan quản lý nhà nước nên có hướng dẫn mới về giá thành theo cơ chế quản lý mới để thị trường theo hướng mở. Cụ thể, nhà nước quản lý giá cước theo cơ chế giá trần và giá sàn, không nên có cơ chế ưu tiên cho DN mới hay DN nhỏ như hiện nay. Trên cơ chế giá trần và giá sàn các DN sẽ tự xây dựng giá cước trên cơ sở không được bán dưới giá sàn. Được biết, Viettel cũng đã gửi đề xuất bằng văn bản tới Cục Viễn thông về vấn đề này. 

Về đề xuất để cơ chế giá cước theo thị trường mở với giá trần giá sàn của Viettel-điều này phù hợp hay chưa sẽ được cơ quan quản lý bàn thảo và áp dụng. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đó là việc duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường. Được hiểu là nhà nước phải phải có trách nhiệm duy trì nó bằng “bàn tay” vô hình hoặc hữu hình! Song, điều đáng nói ở chỗ, nếu như trước đây song hành hai “ông lớn” là VNPT (gồm MobiFone và Vinaphone) và Viettel chia nhau nắm giữ con số tương ứng 49% và 45% thị phần (số liệu công bố năm 2014)- thì cán cân lực lượng là tương đối cân bằng. Từ giữa năm 2014, sau khi thực hiện tái cấu trúc, MobiFone đã tách khỏi VNPT trở thành DN độc lập, đồng nghĩa với việc VNPT không còn nắm giữ thị phần lớn mà bị chia hai. MobiFone chiếm 31,7% thị phần còn Vinaphone (VNPT) giữ 17,4% thị phần-đều kém xa so với Viettel. Hay nói một cách khác, Viettel đang giữ vai trò DN khống chế thị trường với lượng thuê bao di động lớn khoảng 55 triệu thuê bao và như đã kể trên, hiện giữ 45% thị phần và trước mắt trong một thời gian nhất định, khó có đối thủ nào “vượt mặt” được Viettel. MobiFone thì hiện vẫn trong giai đoạn hoàn thiện lại bộ máy, tổ chức. Vinaphone thì cùng với VNPT đang thực hiện giai đoạn hai của tái cơ cấu và ít nhiều cũng đang khó khăn. Để tạo điều kiện cho Vinaphone và thực hiện theo quy định, Bộ TT-TT cũng đang xem xét đưa Vinaphone (VNPT) ra khỏi danh sách DN chiếm lĩnh thị trường chịu sự quản lý giá cước của nhà nước để Vinaphone tự quyết định giá cước...Thông tin này nếu được áp dụng là có lợi cho Vinaphone và khách hàng của nhà mạng này! Vậy, phải chăng, Viettel đề xuất bỏ chính sách ưu đãi cho DN nhỏ, DN mới là cách mà Viettel muốn gây khó cho đối thủ của mình!? Ngoài ra, còn hai nhà mạng Vietnamobile, Gmobile vốn là những DN nhỏ (không chịu sự quản lý nhà nước về giá cước và khuyến mại) hiện đã và đang hoạt động chật vật, vậy như cách Viettel đề xuất, có lẽ hai nhà mạng nhỏ này khó còn “đất sống”!

Còn nhớ trong năm 2014, Viettel cũng hai lần đề xuất Bộ TT-TT bỏ chính sách giá cước ngoại mạng và chỉ tính cước cuộc gọi bằng với cước nội mạng hiện nay (890 đồng/phút). Đề xuất này của Viettel sau đó cũng đã vấp phải sự phản ứng của dư luận và không được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Vì nếu đề xuất này được áp dụng thì trước mắt có thể đem lại quyền lợi cho khách hàng, Viettel có lượng thuê bao lớn nhất nên sẽ bị rất ít thiệt hại, nhưng lại đẩy các DN nhỏ hơn gặp khó khăn, khó đủ sức duy trì cạnh tranh với Viettel, khi đó có thể đẩy thị trường trở lại thời kỳ độc quyền như hơn 10 năm trước. Và lần đề xuất này, để giá cước theo cơ chế giá trần và giá sàn, bỏ ưu đãi cho DN mới, DN nhỏ, phải chăng Viettel muốn giữ thế độc tôn trên thị trường? 

Xóa tài khoản khuyến mại: Nhà mạng xâm phạm lợi ích của khách hàng!
Cụ thể, theo đề xuất của Phó TGĐ Viettel, cơ quan quản lý nhà nước nên giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mại, thay cho cứ để đến khi khách hàng dùng hết tiền (như hiện nay). Theo đó, tài khoản khuyến mại gồm số tiền khuyến mại chỉ được dùng trong một thời hạn tương ứng (ví dụ tài khoản khuyến mại có 20.000 đồng và hết 20 ngày sử dụng nếu còn cũng bị trừ). Lý giải cách áp dụng này, lãnh đạo Viettel cho rằng đó là cần thiết để kích thích nhu cầu từ phía người dùng, không để thuê bao cứ chờ đợi thời gian khuyến mại mới nạp tiền, cộng dồn tài khoản khuyến mại sẽ khiến cho nhà mạng khó phát triển và sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông. 

Ngay sau khi thông tin này được các cơ quan truyền thông đưa ra, trên nhiều trang mạng, mạng xã hội, rất nhiều bạn đọc đã có những phản đối gay gắt. Có thể tạm chia các ý kiến đó theo các khía cạnh: Việc các nhà mạng, trong đó có Viettel tặng tài khoản khuyến mại là thu hút và giữ chân khách hàng, ngược lại khách hàng thấy có ưu đãi mới nạp thẻ và sử dụng. Vậy phải chăng đến nay Viettel nhiều thuê bao nên không cần giữ chân khách hàng nữa? Thứ hai, trong số khách hàng dùng di động, có nhiều người có thu nhập trung bình hoặc thấp trong đó phần nhiều là công nhân, sinh viên, lao động phổ thông họ đợi nhà mạng có chương trình ưu đãi là nạp thẻ, thậm chí nạp thẻ mệnh giá cao, hoặc nạp nhiều lần dẫn đến có tài khoản khuyến mại lớn, vậy nếu quá thời hạn họ chưa sử dụng mà nhà mạng xóa tài khoản đó đi, thì thiệt thòi cho họ, càng thiệt thòi hơn khi họ là những người có thu nhập thấp. Tiếp nữa, có nhiều khách hàng sử dụng D-com 3G, họ cũng nạp thẻ, tuy nhiên nếu ít dùng internet 3G, họ cũng có sẽ bị mất trắng khi nhà mạng áp dụng chính sách tài khoản khuyến mại. Đáng chú ý, theo tính toán của Viettel nếu chính sách này được áp dụng có khoảng 2% khách hàng bị ảnh hưởng (tương đương với con số 1,1 triệu khách hàng sẽ bị mất tài khoản. Nếu mỗi người bị mất 10.000 đồng trong tài khoản khuyến mại, nhà mạng sẽ thu được tổng cộng 11 tỷ đồng. Nhưng liệu đây có phải là con số này không hay còn nhiều hơn nữa khách hàng bị thiệt hại? Được biết, trong số 55 triệu thuê bao của Viettel thì chỉ có khoảng 2 triệu là thuê bao trả sau, còn lại là thuê bao trả trước – vậy bao nhiêu người trong số này sẽ bị mất tài khoản khuyến mại nếu đề xuất này được phê duyệt? 

Song, dù tính toán như thế nào thì đây là cách thức không công bằng, cho thấy nhà mạng chỉ tính toán đến lợi ích của mình mà chưa chú trọng đến quyền lợi của khách hàng.

Viettel đang đi ngược với những cam kết của chính mình?
Cách đây hơn 10 năm, kể từ khi chính thức cung cấp dịch vụ di động, Viettel thường có những tuyên bố và hành động hướng về khách hàng như mang tới người tiêu dùng sử dụng dịch vụ giá rẻ, bình dân…Và thực tế Viettel đã thu hút và phát triển thuê bao với tốc độ nhanh chóng và đứng số 1 trên thị trường như hiện nay. Viettel cũng tiên phong “cuộc chiến” chống lại “ông độc quyền” VNPT và nhận được sự hỗ trợ lớn của các cơ quan truyền thông, báo chí và thiện cảm của xã hội. 10 năm trước, Viettel cũng được cơ quan quản lý nhà nước áp dụng chính sách tạo điều kiện cho DN mới, DN nhỏ như hiện nay, tuy nhiên, sau 10 năm, khi đã rất lớn mạnh, Viettel lại đề xuất loại bỏ cách quản lý mà chính Viettel đã được hưởng lợi! Thay vì đề xuất “lớn” của một DN “lớn” để thị trường phát triển lành mạnh, thì ngược lại các đề xuất này về thực chất lại gây khó cho đối thủ!

Tất nhiên, đấy mới chỉ là đề xuất, song điều đó để thấy rằng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT-TT rất cần sự thận trọng trong việc tiếp thu, ban hành chính sách để duy trì sự phát triển bền vững, lành mạnh cho thị trường, có biện pháp duy trì, tạo áp lực cạnh tranh để chống sự độc quyền trở lại.

Việt Nga