Chỉ “sơ cứu” là chưa đủ
Văn hóa - Ngày đăng : 06:56, 05/04/2015
Đây là kho phim gồm 12.000 cuốn phim và trên 3.000 băng đĩa mà DSF lưu giữ suốt gần 60 năm qua, từng đối diện với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng do khí hậu và điều kiện bảo quản hạn chế... Những chia sẻ của chuyên gia người Bỉ Jean Pierre Verscheure cho thấy tình thế và những thách thức trong tương lai đối với việc lưu trữ điện ảnh tài liệu - loại di sản hình ảnh quý giá.
Chuyên gia Bỉ Jean Pierre Verscheure và đoạn phim xuống cấp. |
Nguy cơ mất trắng kho phim tài liệu và khoa học
Đó là nhận định của chuyên gia Jean Pierre Verscheure, người có khoảng 30 năm trực tiếp làm công tác bảo quản, lưu trữ phim trên thế giới, về kho tư liệu của DSF nếu tình trạng bảo quản không được cải thiện. Cụ thể, vị chuyên gia này đã đưa ra một đoạn phim được lưu giữ tại phòng truyền thống của hãng trong 3 năm qua, nay ở trong tình trạng gần như hỏng toàn bộ. Vị chuyên gia nói: "Chưa bao giờ tôi bắt gặp tình trạng phim xuống cấp ghê gớm như vậy". Trong khi đó, cũng một cuốn phim như vậy được lưu trong một máy quay đặt tại nhà riêng của ông ở Bỉ thì gần như vẫn nguyên vẹn trong suốt 30 năm qua.
Nhấn mạnh đến yếu tố khí hậu nóng ẩm khắc nghiệt của Việt Nam, vị chuyên gia khẳng định: Việc lưu trữ tư liệu phim ở Việt Nam khó khăn, phức tạp hơn gấp nhiều lần so với các viện phim khác trên thế giới. Sau chuyến khảo sát kho tư liệu vào tháng 8-2013 (với sự bảo trợ của phái đoàn Wallonie - Bruxelles), chuyên gia Jean Pierre Verscheure đã không ngần ngại nêu rõ rằng, nếu không cải thiện tình trạng bảo quản thì chỉ trong 10 đến 15 năm nữa, kho phim quý giá của Việt Nam sẽ biến mất.
Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam khắc nghiệt đến mức nó thách thức cả tuyên bố của hãng sản xuất phim ảnh nổi tiếng thế giới Kodak, rằng "độ bền và chất lượng phim màu Kodak có thể được bảo đảm suốt 4 thế kỷ". Nhưng, thực tế ở Việt Nam cho thấy chỉ trong 3 năm là phim có thể biến dạng gần như toàn bộ. Cũng trên cơ sở những nhận định về điều kiện khí hậu này, chuyên gia người Bỉ bày tỏ sự "ngưỡng mộ" đối với nỗ lực của các cán bộ, kỹ thuật viên Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ lưu trữ, bảo quản kho phim tài liệu và khoa học ở DSF trong suốt 60 năm qua.
Chia sẻ với truyền thông, bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc DSF nêu rõ: Mỗi năm DSF cho ra đời khoảng trên 30 phim, trong đó thường xuyên phải sử dụng những hình ảnh tư liệu từ các phim đã sản xuất trước đó. DSF là đơn vị được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tư liệu hóa tất cả hình ảnh các chuyến thăm ngoại giao của nguyên thủ các nước đến Việt Nam và ngược lại, của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam tại nước ngoài. Tuy nhiên, vì chức năng chính là sản xuất nên lâu nay DSF không có bất cứ nguồn kinh phí nào cho bảo quản kho tư liệu hình ảnh quan trọng mà mình đang lưu giữ.
Mới chỉ là "sơ cứu"
Sau khi có sự hỗ trợ về khảo sát, tư vấn từ các chuyên gia Bỉ, tháng 4-2014, DSF đã được Chính phủ phê duyệt dự án cải tạo nâng cấp kho tư liệu - thực hiện qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I được thực hiện trong hơn một năm qua đã đáp ứng yêu cầu có tính trước mắt là tạm ngăn chặn tình trạng xuống cấp của kho tư liệu. Cụ thể, có tổng số 4.000 cuốn phim thuộc dạng "bệnh nặng" đã được "cứu" (tại Viện Phim Việt Nam và DSF) ở mức độ cơ bản nhờ được lau rửa, tách dính, bảo quản trong môi trường nhiệt độ cùng độ ẩm tốt nhất có thể. Đến nay, vẫn còn khoảng 8.000 cuốn phim và hàng nghìn băng đĩa đang tiếp tục chờ được "sơ cứu". Mặc dù bày tỏ sự vui mừng trước sự cải thiện của kho tư liệu song các chuyên gia cũng nói rõ rằng cần phân biệt rõ ràng những nỗ lực hiện nay cho DSF mới đang dừng ở việc cứu kho phim chứ hoàn toàn không phải là phục chế phim. Bởi phục chế là công việc khổng lồ, không chỉ là lau rửa mà phải khắc phục từng vết xước trên phim cùng hàng loạt thao tác xử lý phức tạp, tỉ mỉ khác. Hiện nay, ngay cả các viện phim hiện đại trên thế giới mỗi năm cũng chỉ có thể phục chế được từ 10 đến 20 phim. Do đó, phải xem như đây chỉ là giai đoạn trung chuyển để tiếp tục có các phần việc bảo quản phim theo những tiêu chuẩn cơ bản, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Nếu cứ chỉ "sơ cứu" thì hai năm nữa thôi, mọi nỗ lực của DSF sẽ xuống sông xuống biển và kho phim lại mấp mé nguy cơ biến mất hoàn toàn.
Cũng cần phải nói đến việc: Thế nào là tiêu chuẩn cơ bản, phù hợp với Việt Nam? Chuyên gia cho hay, những khuyến cáo của ông dựa trên nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên đoàn Tư liệu phim quốc tế. Có những điều kiện cơ bản phải đáp ứng, bao gồm phòng bảo quản có nhiệt độ, độ ẩm đủ tiêu chuẩn. Hiện nay, nhiệt độ của kho phim vẫn ở mức cao, trên 20oC (mức tiêu chuẩn là 10 đến 16oC), độ ẩm vẫn còn cao. Việc đóng gói hút ẩm vào vành phim cũng chỉ là giải pháp tình thế. Kho phim DSF cũng cần được chia thành các phòng nhỏ để bảo quản một cách khoa học bởi phim màu cần bảo quản trong điều kiện độ ẩm, nhiệt độ khác với phim đen - trắng.
Cần có phòng trung chuyển khi mang phim ra sử dụng để tránh làm hại phim...
Trước những khuyến cáo này, DSF đang chuẩn bị cho giai đoạn II của dự án với các hạng mục như xây dựng kho lưu trữ, bảo quản tại tầng 5 của hãng, đầu tư một số thiết bị cơ bản như dàn lạnh, máy rửa phim... với tổng chi phí khoảng 15 tỷ đồng.
Hy vọng là không chỉ được cứu, những thước phim tài liệu, khoa học quý giá sẽ được bảo quản và khai thác tốt hơn trong thời gian tới.