Mục tiêu phải phù hợp

Thể thao - Ngày đăng : 06:53, 05/04/2015

(HNM) - Trong buổi giao lưu trực tuyến gần đây, HLV T.Miura đã nói rằng, bóng đá Việt Nam đang trong nhóm đầu Đông Nam Á và cần đặt mục tiêu tiệm cận nhóm các đội bóng khu vực Trung Đông.

Một buổi tập của các cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng


Chẳng phải ngẫu nhiên mà sau khi U23 Việt Nam thua U23 Nhật Bản 0-2 tại vòng loại U23 Châu Á vừa qua với cách chơi hoàn toàn thiên về phòng ngự để hạn chế bàn thua, nhiều người đã hỏi nhau rằng: "Biết đến lúc nào bóng đá Việt Nam mới thi đấu sòng phẳng với bóng đá Nhật Bản, để vào sân với cách tiếp cận khác?". Câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ thừa vì ít ra bóng đá Việt Nam từng có một thời oanh liệt, khiến người Nhật Bản cũng phải ngước nhìn, nể phục. Nhưng sau đó, vì những lý do khác nhau, bóng đá Việt Nam đã giậm chân tại chỗ cả về cơ chế quản lý lẫn cách đào tạo, hay nói cách khác là tụt hậu trong khi bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ. Để đến lúc này, các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đã phải chọn bóng đá Nhật Bản làm mô hình mẫu. Thế mới có các chuyên gia bóng đá Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam ở hai đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia theo chương trình hợp tác giữa LĐBĐ hai nước. Không kể, mô hình quản lý của bóng đá Việt Nam cũng hướng theo cách làm của người Nhật Bản để mong phát triển nhanh hơn trước đây.

Có người đã nói rằng bóng đá Việt Nam giờ đang ở trình độ chuyên môn và quản lý của bóng đá Nhật Bản cách đây khoảng 30 năm trước. Lời nhận xét này có thể chưa hoàn toàn chuẩn xác nhưng phần nào cũng cho thấy vị thế của hai nền bóng đá. Gần nhất, trong lần dẫn B.Bình Dương đến thi đấu tại Nhật Bản trong khuôn khổ AFC Champions League, một HLV giàu tự trọng và có cái tôi lớn trong làng HLV Việt Nam như ông Lê Thụy Hải cũng phải cảm thán rằng, bóng đá Nhật Bản vượt trội bóng đá Việt Nam ở mọi khía cạnh. Vì thế, đội bóng của ông ghi được 1 bàn vào đối thủ Kashiwa Reysol ở trận đấu đó cũng đã là tốt. Với bóng đá Việt Nam lúc này, cần phải đặt mục tiêu gần, thiết thực rồi mới hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Gần xa cũng chỉ để thấy, vì sao trong cuộc làm việc vừa qua giữa HLV T.Miura với LĐBĐ Việt Nam, cả hai bên đều nhất trí ưu tiên mục tiêu giành HCV SEA Games 28, dù trong thời gian đội U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 28 thì đội tuyển quốc gia cũng tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018. Cũng vì vậy, ông T.Miura trong vai HLV trưởng của cả hai đội sẽ theo U23 Việt Nam trong suốt quá trình thi đấu tại SEA Games 28. Trong khi đó, giáo án huấn luyện của ông cho đội tuyển quốc gia sẽ do các trợ lý đảm nhiệm. Sau SEA Games 28, ông T.Miura mới trở lại đội tuyển quốc gia để dự vòng loại World Cup 2018 từ ngày 16-6. Thực tế, ai cũng hiểu rằng mục tiêu giành vé dự World Cup 2018 mà có thời LĐBĐ Việt Nam từng đề cập hoàn toàn bất khả thi với trình độ bóng đá Việt Nam lúc này. Ông T.Miura có thể nâng tầm các cầu thủ Việt Nam mạnh mẽ trong thời gian đầu nhưng để sau đó đưa họ lên đến tầm ngang bằng với các đội bóng Trung Đông có thể sẽ là bài toán khó.

Cũng đã có ý kiến muốn bóng đá Việt Nam phải có những tính toán vượt "tầm Đông Nam Á", thay vì chỉ loanh quanh SEA Games hay AFF Cup. Nhưng rõ ràng, khi chưa làm bá chủ ở các giải đấu Đông Nam Á thì khó nói chuyện vươn xa. Thế nên, nếu thời gian tới mà ông T.Miura hoàn tất được giấc mơ vàng SEA Games cho bóng đá Việt Nam cũng đã có thể coi là quá thành công cho cách làm bóng đá dựa vào người Nhật Bản của LĐBĐ Việt Nam. Còn sau đó, để thi đấu sòng phẳng với bóng đá Nhật Bản thay vì chỉ có một toan tính hạn chế bàn thua sẽ là một chuyện khác. 

Minh An