Tăng tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Gắn với trách nhiệm người đứng đầu

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:01, 04/04/2015

(HNM) - Theo Bộ Tài chính, năm 2014 có 167 DN đã thực hiện sắp xếp lại, tăng gấp 1,65 lần năm 2013. Theo kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải cổ phần hóa (CPH) 289 DN nhưng tính đến hết quý I-2015, mới có 29 DN được phê duyệt phương án CPH.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Hoàng Văn Thu khẳng định, các DN không triển khai kịp thời theo kế hoạch phải kiên quyết xử lý nghiêm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả CPH của đơn vị.

Doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về sắp xếp, đổi mới. Ảnh: Nhật Nam



- Quý I-2015 đã qua và thời hạn phải hoàn thành CPH, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN đang thu hẹp dần. Liệu kế hoạch của Chính phủ có hoàn thành không, thưa ông?

- Theo kế hoạch CPH đã được duyệt, trong giai đoạn 2014-2015, cả nước sẽ thực hiện CPH 432 DN. Năm 2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 167 DN, tăng gấp 1,65 lần năm 2013. Trong đó, đã CPH 143 DN, tăng gấp gần 2 lần năm 2013. Tính đến ngày 24-3-2015, cả nước đã thoái vốn được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng (gồm cả Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), bằng 1,4 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản là 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, tài chính là 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng; bán vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 1.634 tỷ đồng, thu về 3.187 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2015, cả nước còn phải CPH 289 DN, chưa kể số DN sẽ bổ sung theo tiêu chí, danh mục phân loại DN mới theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết quý I-2015, 29 DN gồm 3 tổng công ty nhà nước và 26 DN đã được phê duyệt phương án CPH, 260 DN còn lại đều đã thành lập ban chỉ đạo...

- Với kết quả đã thực hiện được cho thấy số lượng công việc từ nay đến cuối năm dường như quá lớn?

- Đúng vậy, trong 9 tháng cuối năm 2015 còn phải CPH 260 DN (chiếm 90%). Tuy nhiên, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, 3 tháng đầu năm, có 27 DNNN thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 sở giao dịch chứng khoán, bằng 28% số lượng cả năm 2014 là 97 DN. Tổng số lượng cổ phần chào bán hơn 137,6 triệu cổ phần, bằng 10,4% cả năm 2014. Trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được hơn 60,5 triệu cổ phần, chiếm hơn 43% tổng số lượng cổ phần chào bán, thu được gần 1.251 tỷ đồng. Với kết quả này, chúng ta có thể kỳ vọng vào việc sẽ hoàn thành đúng kế hoạch CPH đã đặt ra.

- Để hoàn thành CPH 90% lượng DN theo kế hoạch cả năm 2015 trong 9 tháng tới rất cần sự nỗ lực của các bộ, ngành. Vậy điều này sẽ được thực hiện như thế nào khi thời gian còn lại không nhiều?

- Muốn hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần phải nỗ lực thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, đồng thời áp dụng linh hoạt, chủ động các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn đã được ban hành. Trong 9 tháng còn lại của năm 2015, các đơn vị phải tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới DN. Trong đó, cần tích cực chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện lộ trình CPH, thoái vốn theo kế hoạch. Trường hợp các đơn vị không triển khai kịp thời thì kiên quyết xử lý nghiêm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác của đơn vị.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty cần chỉ đạo các DN CPH thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định tại Điều 14, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg. Đối với DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần sau ngày 1-11-2014, cần hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trong thời hạn 90 ngày, niêm yết trong thời hạn 1 năm nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện. Còn đối với DN đã chuyển thành công ty cổ phần trước ngày thời hạn nêu trên, cần hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch và niêm yết trước ngày 1-11-2015.

- Một trong những điều kiện để CPH thành công là công khai, minh bạch thông tin để các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt tham gia. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Trên thực tế, tất cả các DN đều phải thực hiện công khai, minh bạch thông tin theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, giao Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước công khai thông tin về danh mục, kế hoạch, phương án CPH và thoái vốn của đơn vị trực thuộc để các nhà đầu tư quan tâm có đủ thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị nguồn vốn cần thiết. Các đơn vị cũng cần thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình tái cơ cấu DN theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu DN.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hương Ly