Hướng đến nhãn hiệu, thương hiệu chè Hà Nội

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 03/04/2015

(HNM) - Ở Hà Nội, cây chè tập trung nhiều ở các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ… Tại những vùng này, cây chè được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội xóa đói, giảm nghèo.



Tuy nhiên, do tập quán canh tác còn lạc hậu, giống chè cũ năng suất, chất lượng thấp nên đời sống người trồng chè còn nhiều khó khăn. Thực hiện "Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn TP Hà Nội đến 2016, định hướng đến 2020", nhiều biện pháp hỗ trợ đã đến với các vùng trồng chè, bước đầu đạt được 4 mục tiêu cơ bản đề ra về diện tích, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra, đánh giá mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn.


Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ năm 2012-2014, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất, thâm canh chè sạch theo hướng VietGap, quy hoạch, chọn giống chè năng suất, chất lượng để trồng mới và thay thế nương chè già cỗi, đồng thời áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu chè Hà Nội. Là đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ triển khai công tác này, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, trong 3 năm qua, trung tâm đã tổ chức được 59 lớp đào tạo, tập huấn, huấn luyện cho hơn 3.000 lượt cán bộ, nông dân về công tác quản lý, kỹ thuật sản xuất chè an toàn, quy trình kỹ thuật thâm canh chè theo VietGap, kỹ thuật trồng mới, trồng thay thế giống chè mới, áp dụng kỹ thuật cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ chè sạch an toàn… Đồng thời, trung tâm cũng tổ chức đoàn tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các vùng trồng chè tiêu biểu, hiệu quả tại các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Đây là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ, thay đổi tập quán cũ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh cho cây chè theo hướng sản xuất chè an toàn, chè VietGap.

Từ khi được tập huấn kỹ thuật, tuyên truyền, phổ biến những giống chè mới, nhiều hộ nông dân đã tự tin tham gia mô hình chè, thay thế dần nương chè già cỗi năng suất, chất lượng thấp của gia đình để trồng mới những giống chè có năng suất, chất lượng cao. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, đến nay, nông dân Hà Nội đã thay thế và trồng mới được 155ha chè tại vùng đồi gò các xã Trần Phú (Chương Mỹ), Yên Bài, Thuần Mỹ, Ba Trại, Cẩm Lĩnh (Ba Vì), Bắc Sơn (Sóc Sơn), Hòa Thạch (Quốc Oai)...

Mô hình sản xuất chè VietGAP có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Để giúp nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất chè sạch, biết cách ghi chép và lưu giữ hồ sơ, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Chứng nhận phù hợp Quacert tập huấn, tổ chức đánh giá mô hình VietGAP. Qua phân tích mẫu đất, mẫu nước tại các địa điểm thực hiện, Quacert đã cấp giấy chứng nhận cho 80ha sản xuất chè theo VietGAP trên tổng diện tích 305ha chăm sóc, thâm canh chè an toàn. Với mô hình chăm sóc cây chè trồng mới năm thứ 2 trên diện tích 50ha, qua kiểm tra, theo dõi, đánh giá cho thấy cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thâm canh của các địa phương và đã bắt đầu cho thu hái sản phẩm; nông dân yên tâm, tin tưởng, phấn khởi về năng suất, chất lượng và hiệu quả của các giống chè mới.

Bên cạnh tập quán canh tác lạc hậu của người dân trong nhiều năm qua, việc ít quan tâm đến đầu tư cơ giới trong sản xuất, hệ thống chế biến chè thô sơ, lạc hậu... cũng là rào cản đối với phát triển chè theo hướng hàng hóa cho năng suất, chất lượng cao. Trong 3 năm (2012-2014), Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã đã xây dựng thành công 100ha mô hình áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nông dân đã được sử dụng máy đốn chè chuyên dụng tiên tiến để các vết cắt không giập nát, vì vậy cây chè hồi phục nhanh, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt giảm công lao động và giá thành sản phẩm. Hiệu quả mô hình cơ giới hóa trong sản xuất chè an toàn cao hơn so với sản xuất đại trà 60-80 triệu đồng/ha.

Đến nay, diện tích chè toàn thành phố đã đạt 3.000ha (đạt mục tiêu so với yêu cầu của thành phố giữ ổn định diện tích 2.700-3.000ha), năng suất đạt 75,4 tạ/ha, sản lượng búp chè tươi đạt 22.682 tấn, giá trị sản xuất đạt 198,3 triệu đồng/ha. Nông dân các địa phương tham gia thực hiện mô hình tin tưởng, phấn khởi và yên tâm phát triển sản xuất chè an toàn, sản xuất chè theo VietGAP.

Nguyễn Mai