Chưa hết nỗi lo úng ngập mùa mưa

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 03/04/2015

(HNM) - Ngày 2-4, Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan đã báo cáo UBND thành phố kế hoạch thoát nước mùa mưa 2015.

Nạo vét sông Kim Ngưu. Ảnh: Bá Hoạt


Úng ngập do hạ tầng thoát nước kém

Theo ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), nếu mưa với cường độ dưới 50mm kéo dài 2 giờ, về cơ bản trên địa bàn thành phố sẽ không xảy ra úng ngập. Nhưng, nếu cường độ mưa lớn hơn, từ 50mm đến 100mm, dự kiến có 23 điểm ngập, trong đó quận Hoàng Mai úng ngập nặng nhất với 7 điểm ngập sâu tại trước Bến xe phía Nam (đường Giải Phóng), phố Vĩnh Hưng, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), phố Nguyễn Chính, Thanh Đàm, Mai Động, Định Công. Nếu lượng mưa lớn trên 150mm, kéo dài khoảng 4 giờ, toàn thành phố có thể có tới 46 điểm bị ngập. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điểm có nguy cơ ngập trên địa bàn do Công ty phụ trách (12 quận và huyện Thanh Trì, thuộc phạm vi lưu vực sông Tô Lịch, chưa kể lưu vực Sông Nhuệ và lưu vực Hà Đông).

Sở dĩ tình trạng úng ngập trở thành "chuyện thường ngày" mỗi khi mưa lớn là do năng lực hệ thống thoát nước không "đuổi kịp" sự phát triển của đô thị. Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy, nếu phạm vi lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước tương đối đồng bộ trong những năm qua thì phạm vi lưu vực Sông Nhuệ và khu vực quận Hà Đông việc tiêu thoát nước vẫn phụ thuộc vào hệ thống kênh mương cũ. Mặt khác, trong 113km kênh mương, mới có hơn 40km thoát nước khu vực nội thành được đầu tư cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn I. Còn lại đang bị lấn, thu hẹp dần dòng chảy, cao độ đáy nhiều đoạn không bảo đảm khả năng tự chảy, tiêu thoát. Trong khi, tuyến kênh mương dự án thoát nước giai đoạn II thi công dở dang, chưa phát huy hiệu quả trong mùa mưa 2015. Tương tự, hệ thống thoát nước của các quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm cũng vừa thiếu vừa yếu nên khi có mưa to, nhiều nơi ở các quận này trở thành điểm "nóng" về úng ngập.

Giảm 10 điểm ngập, bảo đảm thoát nước nhanh nhất

Về tiến độ dự án thoát nước Hà Nội, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục cải tạo hệ thống cống ở điểm nối với hạ lưu sông Kim Ngưu để phấn đấu đưa vào sử dụng đồng bộ với 46 tuyến cống trước mùa mưa. Hồ Linh Đàm cũng sẽ được cải tạo, bàn giao trước mùa mưa, trong khi 4 hồ khác đang thi công nhưng vẫn có thể tham gia điều tiết nước khi có mưa lớn. 17/30 tuyến kênh, mương cũng sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa; 13 tuyến còn lại, vừa thi công, vừa có phương án dẫn dòng và sẽ tháo dỡ thiết bị, vật cản để ưu tiên tiêu thoát nước. Với tiến độ như vậy, dự kiến khoảng 10 điểm úng ngập trước đây tại khu vực phố Vĩnh Hưng, Kim Hoa, Đức Giang, Quan Nhân, Vũ Xuân Thiều, Đội Cấn, Thợ Nhuộm, Lê Duẩn… sẽ được giải quyết.

Công nhân thoát nước ứng trực tại những điểm nóng về ngập. Ảnh: Như Ý


Để chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa 2015, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp nhận quản lý một loạt hồ như: Phương Liệt 2, Hào Nam, Trung Văn, Bảy Mẫu, Đống Đa, Thạch Bàn 1-2… để đưa vào vận hành điều hòa, giải quyết úng ngập cục bộ cho các tiểu lưu vực. Thực tế, hệ thống 85 hồ điều hòa nội thành vận hành thời gian qua đã phát huy hiệu quả chống úng ngập rõ rệt - đại diện Sở Xây dựng cho biết. Trước ngày 30-4, Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ bàn giao hạng mục cống hóa Thanh Nhàn, Mai Hương (Hai Bà Trưng), Mai Động, Định Công, Thanh Liệt (Hoàng Mai); đồng thời nạo vét các tuyến cống ngầm, ga thu, trong đó ưu tiên khu vực có nguy cơ úng ngập cao, các tuyến dẫn vào trạm bơm đầu mối Yên Sở cũng sẽ bố trí các trạm bơm di động sẵn sàng ứng trực khi có yêu cầu. Đặc biệt, từ ngày 15-4, đập Thanh Liệt vận hành theo chế độ mùa mưa phục vụ tiêu thoát nước từ nội thành ra Sông Nhuệ.

Sau khi nghe báo cáo và các sở, ngành liên quan góp ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, Ban quản lý dự án rà soát kỹ, bảo đảm phương án thoát nước mùa mưa tốt nhất. Cụ thể, với 23 trọng điểm úng ngập, phải xây dựng phương án xử lý cục bộ, bảo đảm tiêu thoát nước nhanh nhất, phân làn, phân luồng phương tiện giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Riêng tuyến đường Phạm Văn Đồng và một số khu vực chưa có hệ thống thoát nước, các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Tài chính và UBND quận Bắc Từ Liêm chuẩn bị phương án đầu tư thoát nước cục bộ, hoàn thành trước ngày 15-5. Cũng vào thời điểm ngày 15-5, Sở Xây dựng phải hoàn tất việc duy tu, cải tạo toàn bộ hệ thống cống thoát nước trên địa bàn; đồng thời hoàn tất kiểm tra, có phương án vận hành, điều tiết nước cho 85 hồ điều hòa theo chế độ mùa mưa.

Đối với dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công, trong đó bảo đảm hoàn thành hệ thống cống dẫn trước mùa mưa. Riêng tuyến cống phố Lò Đúc phải đưa vào vận hành trước ngày 30-4. Sở NN&PTNT chỉ đạo các Công ty Thủy nông phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Công ty Thoát nước vận hành trạm bơm, tuyến kênh, mương tưới để ưu tiên thoát nước mùa mưa, nhất là khu vực các quận Long Biên, Hà Đông, Bắc Từ Liêm. Công an thành phố, Thanh tra xây dựng, UBND các quận được giao nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ công trường xây dựng trên địa bàn, bảo đảm có phương án vệ sinh môi trường, không được để cát, đất, vật liệu tràn xuống hệ thống thoát nước của thành phố.

Công ty Thoát nước sẽ ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa lớn; chuẩn bị sẵn sàng 72 xe hút, xe stec phản lực; 20 máy bơm chìm công suất 100-150 m3/h; 11 máy phát điện 5-30 KVA; 1 tổ xe bơm di động 1.000 m3/h, 2 xe bơm di động 1.800 m3/h, 8 tổ máy bơm di động 200-300 m3/h và hơn 100 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu... để chống úng ngập cục bộ.

Y Linh