Vấn đề cây xanh và quyền của công dân
Bạn đọc - Ngày đăng : 06:12, 03/04/2015
LTS: Trong các số báo ra ngày 1 và 2-4-2015, bên cạnh việc đăng tải ý kiến chỉ đạo của các cấp lãnh đạo đối với cơ quan chức năng trong việc giải quyết, xử lý những sai phạm, thiếu sót khi triển khai thực hiện dự án cải tạo và thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố, Báo Hànộimới đã giới thiệu các bài viết "Lắng lại và suy ngẫm", "Chuyện thay cây xanh - đừng suy diễn thiếu căn cứ pháp luật" đề cập vấn đề từ các góc độ khác nhau. Nhiều bạn đọc đã gửi bài về tòa soạn bày tỏ suy nghĩ, quan điểm cũng như thể hiện tình yêu Hà Nội. Số báo hôm nay, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của bạn đọc Ngọc Thùy, trú tại Chung cư N01B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Là một công dân của Thủ đô, sinh ra và lớn lên ở đất kinh kỳ, tôi cũng như bạn bè cùng trang lứa luôn trọn một tình yêu Hà Nội. Chúng tôi đã đi qua cái thời trèo sấu, bắt ve... Những gốc cây già trong con phố nhỏ đã thành người bạn gìn giữ những vui buồn suốt những năm tháng tuổi thơ và kể cả khi trưởng thành. Cây xanh ăn vào tiềm thức con người, đi vào thi ca, nhạc họa... Chúng tôi hiểu rằng những người bạn tưởng như vô tri vô giác ấy đã trở thành một phần trong cuộc sống, nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn với thời gian - đó là quy luật. Cây cũng bệnh tật, cũng cong vênh, cũng mục ruỗng và trong rất nhiều trường hợp đã trở thành mối nguy hiểm cho những ngôi nhà, những con người, đặc biệt khi mùa mưa bão đến. Và rồi đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ phải xa những người bạn ấy cũng là một lẽ thường như bao điều bình thường khác trong cuộc sống. Chúng tôi có thể say đến ngất ngây khi hát "những đêm hoa sữa thơm nồng", nhưng cũng hiểu rất rõ nỗi khổ của những người phải sống trong "nồng nồng" hoa sữa khi trăng cuối thu gọi trăng đầu đông. Do vậy, tôi cho rằng việc thành phố Hà Nội quy hoạch lại, thay thế, trồng mới hệ thống cây xanh là việc làm bình thường, không có gì chúng ta phải tốn nhiều giấy mực đến thế.
Bản thân tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều khi cầm bút viết những dòng này bởi xung quanh tôi là ào ạt những phản ứng do cảm xúc không thể kìm giữ của nhiều người, cái cảm xúc có thể vì những yếu tố khác như là hội chứng của truyền thông, của mạng xã hội. Thậm chí, có những lúc rất muốn viết gì đó để thể hiện suy nghĩ của mình về tình yêu Hà Nội, nhưng tôi cũng như nhiều người làm sao tránh khỏi sự e dè bởi có những lúc cảm tưởng như dư luận đang bị cuốn theo "tâm lý đám đông" với những đợt "ném đá" ào ào, "lời ra tiếng vào" như để thể hiện trách nhiệm cá nhân song lại thiếu thông tin. Rồi những ngày gần đây, đọc báo Hànộimới với những bài viết phân tích khá sâu các vấn đề liên quan đến việc quy hoạch, thay thế, trồng mới cây xanh đô thị, tôi nghĩ đã đến lúc phải góp thêm tiếng nói của mình, của một công dân Hà Nội.
Tôi cũng như nhiều người Hà Nội không thể kìm nén được lòng mình khi bỗng một ngày ra đường thấy những "bạn cây" đổ dài trên phố. Do vậy, tôi hiểu phần nào phản ứng gay gắt của những người yêu Hà Nội. Không phải riêng tôi, bây giờ nhiều người mới biết thành phố có kế hoạch thay thế 6.708 cây trên 190 tuyến phố của các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Tây Hồ... trong vòng 3 năm tới. Nhiều năm trước, Hà Nội đã có đề tài nghiên cứu khoa học về cây xanh, trong đó làm rõ những loại cây phù hợp với đô thị... cũng như việc thành phố đã xây dựng và ban hành "Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ" đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và lần triển khai thay thế cây xanh vừa qua chỉ là sự cụ thể hóa những quy hoạch, đề án nói trên... Thế nhưng không nhiều người dân như tôi tiếp cận và sớm được tiếp cận được những thông tin như vậy. Đó thực sự là điều đáng tiếc đối với các cơ quan có trách nhiệm thực thi dự án.
Trong khi đó, thông tin từ các trang mạng, đặc biệt là mạng xã hội, thì rất nặng nề: Đây là vụ thảm sát cây xanh có tổ chức; đây là việc hủy hoại môi trường sống...; Và rồi cần phải khởi tố vụ án hình sự chứ không thể xử phạt hành chính... Các ý kiến khác nhau từ những người làm công tác nghiên cứu khoa học đến văn nghệ sĩ và người dân bình thường với đủ sắc thái thăng - giáng trong ngôn ngữ. Nhiều ý kiến đưa ra trên công luận trên một nền tảng thông tin không đầy đủ hoặc là tiếp cận không đúng vị trí nên thiếu sức thuyết phục. Vẫn biết rằng thành phố thay những cây mục ruỗng, nguy hiểm, cây không đúng chủng loại quy định cho cây trồng trong đô thị bằng cây mới thì không thể gọi là "thảm sát cây xanh". Vẫn biết việc thay thế cây mới để không còn chuyện hàng trăm cây gãy gục sau những cơn dông bão, và để trong tương lai thành phố sẽ có thêm nhiều đường phố đẹp dưới những tán cây xanh, thì không thể gọi là "hủy hoại môi trường"... Nhưng trước những "quả núi" cảm xúc ào ạt như vậy, mấy ai có thể thoát ra để bình tâm suy ngẫm, để hiểu đúng bản chất sự việc!
Dư luận bị dẫn đường bởi những thông tin không đầy đủ, thậm chí thông tin bị bóp méo sẽ đưa đến những hệ lụy. Do vậy việc minh bạch thông tin và vai trò của truyền thông vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay. Nếu giới truyền thông không trung thực, chạy theo thông tin "câu khách" hòa nhịp cùng các trang mạng xã hội, nếu các nhà quản lý không minh bạch để thông tin dẫn đường cho những tư duy đúng thì hệ lụy xã hội thế nào có lẽ không phải nói thêm.
Nói cho cùng, bên cạnh những khuyết điểm trong việc thực thi một cách nóng vội, đơn giản đề án quy hoạch, thay thế, trồng mới cây xanh đô thị ở Hà Nội, thì có thể thấy rằng những trang mạng xã hội đã và đang tận dụng (hoặc lợi dụng) cái cớ để gây "sóng gió" cho xã hội. Đã là công dân thì việc được tiếp cận với những thông tin chính thống, minh bạch là hết sức cần thiết. Chúng tôi cần biết, cần được thông tin về hoạt động của thành phố, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân, để hiểu hơn, để có điều kiện góp tiếng nói cùng các nhà quản lý nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, vì một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại hơn.
Tôi nghĩ rằng, quyền cao nhất của công dân là được sống trong môi trường xã hội, môi trường tự nhiên lành mạnh; được bàn, được góp ý kiến, được làm những việc có ích cho xã hội; và cũng có quyền từ chối, bác bỏ những sự lôi kéo, kích động làm rối xã hội. Có như thế mỗi công dân chúng ta mới thực sự là người có ích cho chính gia đình, cho môi trường xã hội mà chính chúng ta đang sống!