Quản lý và xử lý nghiêm các sai phạm trong liên kết sản xuất chương trình truyền hình

Công nghệ - Ngày đăng : 20:57, 02/04/2015

(HNMO)- Chiều ngày 2-4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết Bộ sẽ thực hiện quản lý cũng như xử lý nghiêm các sai phạm trong liên kết sản xuất chương trình truyền hình.

Đây cũng là nhiệm vụ đã được quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT : “Đài phát thanh, truyền hình chỉ được thực hiện hoạt động liên kết sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ TT-TT”. Do vậy hành vi thực hiện hoạt động liên kết khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11- 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Cũng theo Bộ TT-TT, trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ đang khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan đến hoạt động liên kết sản xuất chương trình bảo đảm phù hợp với thực tiễn, để cho hoạt động này phát triển lành mạnh, phát huy các ưu điểm và ngăn chặn những hoạt động bán kênh, bán sóng, để tư nhân “núp bóng”. Đây là công việc hệ trọng nên những quy định về liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình được Bộ TT-TT nghiên cứu thận trọng, đưa vào dự thảo Nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trình Chính phủ tới đây, theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện công tác hậu kiểm chặt chẽ.

Không để tư nhân “núp bóng” chi phối chương trình truyền hình

BộTT-TT cho biết, thực tế đang có hiện tượng các đài phát thanh, truyền hình chấp nhận vi phạm các quy định của pháp luật để đáp ứng thời hạn phát sóng của đối tác liên kết theo hợp đồng đã ký. Từ đó dẫn đến chuyện đối tác đang nắm quyền chi phối hoạt động liên kết và vì lợi ích cục bộ, lợi ích của đối tác liên kết mà chưa tính đến lợi ích chung của công chúng xem truyền hình. Bên cạnh đó, có thể thấy các chương trình liên kết chỉ tập trung vào một số ít đối tác và phần lớn mua lại format của nước ngoài, trong khi việc Việt hóa lại rất hạn chế; và rất ít chương trình được sản xuất theo kịch bản trong nước.

Trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, khi cấp giấy phép hoạt động cho các đài phát thanh, truyền hình, cấu tạo nội dung chương trình cơ bản đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quy định cụ thể trong giấy phép. Chủ thể đứng tên và thực hiện các nội dung quy định trong giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình chính là các đài phát thanh, truyền hình. Vì vậy, khi các đài phát thanh, truyền hình thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình và trao đổi các chương trình với các đối tác liên kết thực chất là hoạt động điều chỉnh nội dung giấy phép đã cấp. Theo quy định của pháp luật về báo chí, việc thay đổi, điều chỉnh nội dung giấy phép hoạt động báo chí nói chung và giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình nói riêng phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước về báo chí (Điều 20 Luật Báo chí; khoản 4 Điều 14 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí…). Vì vậy, việc đăng ký chương trình liên kết với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là nhằm bảo đảm quản lý được nội dung chương trình, bảo đảm việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép, tránh tình trạng nội dung một số chương trình liên kết bị chi phối do ý chí chủ quan của nhà tài trợ, quảng cáo, của đối tác liên kết; đồng thời nhằm đưa các hoạt động liên kết tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến lợi ích đất nước, lợi ích của khán giả xem truyền hình.

Mặt khác, lĩnh vực báo chí nói chung và lĩnh vực phát thanh, truyền hình nói riêng là lĩnh vực chính trị tư tưởng quan trọng, cần phải quản lý chặt chẽ. Cụ thể, thời lượng, nội dung các chương trình thực hiện liên kết có phạm vi ảnh hưởng và tác động xã hội lớn. Chính vì vậy, đăng ký chương trình liên kết là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước về báo chí kiểm soát tốt hoạt động liên kết, bảo đảmthực hiện đúng định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không thương mại hóa, không tư nhân hóa báo chí, không để tư nhân núp bóng, không để lợi ích nhóm chi phối. Nếu hoạt động báo chí có liên kết với tư nhân thì phải có sự chỉ đạo, định hướng quản lý, bảo đảm nội dung chương trình thiết thực, phù hợp với văn hóa và truyền thống đạo đức dân tộc, bảo đảm lợi ích đất nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, việc thực hiện thủ tục đăng ký chương trình liên kết chỉ áp dụng với những kênh chương trình và chương trình mang tính định kỳ là phù hợp với các quy định của pháp luật về báo chí và đã bảo đảm yếu tố thông thoáng cần thiết khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính.

Phải đăng ký chương trình liên kết với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí

Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28-5-2009 của Bộ trưởng Bộ TT-TT là văn bản pháp lý đầu tiên điều chỉnh hoạt động liên kết trong sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình. Những quy định này nhằm vừa bảo đảm giữ vững nguyên tắc không để tư nhân núp bóng chi phối hoạt động báo chí, vừa tạo hành lang pháp lý cần thiết trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thông tin. Cũng cần nói thêm, Thông tư số 19 được xây dựng căn cứ trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ban đầu, tại văn bản số 5945/VPVP-KGVX ngày 10-9-2008 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT “xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về hoạt động liên kết sản xuất chương trình của các đài phát thanh, truyền hình trong cả nước trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10-2008”. Sau đó Bộ đã có các Tờ trình số 4332/TTr-BTTTT ngày 30-12-2008 và số 280/TTr-BTTTT ngày 11-2-2009 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 7-4-2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2187/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT “nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để hoàn chỉnh nội dung và ban hành Quy chế liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình theo thẩm quyền”. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ban hành Thông tư số 19 quy định về liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình theo đúng trình tự, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thời điểm đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến với việc ban hành quy định về liên kết trong hoạt động sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình (văn bản số 240/BTP-PLDSKT ngày 22-1-2009) khẳng định: “việc ban hành quy chế quản lý hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình là cần thiết…, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, không trái với các quy định của Hiến pháp, Luật Báo chí, thống nhất và đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan”.

Theo nhiệm vụ và quyền hạn, các đài phát thanh, truyền hình có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng, tuy nhiên quyền tự quyết định này phải phù hợp với các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định của pháp luật về báo chí. Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các Tổng Giám đốc, Giám đốc các đài phát thanh, truyền hình đối với mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong đó có cả việc trách nhiệm về nội dung chương trình. Nếu Tổng Giám đốc, Giám đốc các Đài phát thanh, truyền hình buông lỏng trách nhiệm này sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết và lợi ích nhóm thao túng, kiểm soát và chi phối hoạt động liên kết. Và thực tế như thế nào thì báo chí đã thông tin rộng rãi.

Việc yêu cầu tạm dừng phát sóng các chương trình liên kết chưa được Bộ TT-TT cấp giấy chứng nhận đăng ký liên kết để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật là việc làm đúng chức năng quản lý nhà nước của Bộ (được xác định trong Điều 17 Luật báo chí hiện hành và Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí).

Châu Anh