Dấu ấn Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 02/04/2015
1. Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, IPU-132 đã trải qua những phiên làm việc sôi nổi với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển và thịnh vượng chung của Liên minh Nghị viện thế giới. Nhiều nội dung nghị sự về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, khí hậu - môi trường… đã được xem xét, điều phối, hợp tác trên quy mô toàn cầu với sự thảo luận sâu rộng. Trong đó tiếng nói của các nghị viện đóng vai trò quyết định và thiết thực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU-132 phát biểu tại phiên bế mạc. Ảnh: TTXVN |
Sự kiện đáng chú ý nhất tại IPU-132 là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được Đại hội đồng nhất trí bầu làm Chủ tịch IPU-132. Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì phiên thảo luận chung "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Đây là chủ đề lớn do Việt Nam đề xuất mang tính trọng tâm, vừa đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà các thành viên Liên hợp quốc đã cam kết mạnh mẽ từ năm 2000, vừa đề ra những khuôn khổ cho sự phát triển tiếp theo, thu hút sự quan tâm của các nghị viện, nghị sĩ của các quốc gia trong 4 phiên họp toàn thể. Nhiều ý kiến đánh giá, nội dung Việt Nam đề xuất rất phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và phù hợp với mong muốn của cộng đồng thế giới. Có những ngày có gần 100 ý kiến phát biểu của các đoàn xoay quanh vấn đề phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững nhằm thay thế các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ khi những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đã hoàn tất vào năm 2015, được các nước xác định bao gồm 17 mục tiêu và 169 nhiệm vụ bao trùm các lĩnh vực phát triển bền vững như xóa đói nghèo, nâng cao giáo dục đào tạo và sức khỏe, xây dựng các thành phố phát triển bền vững hơn, đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng và đại dương… Và một văn kiện tổng hợp đã được thông qua tại ngày bế mạc IPU-132 là Tuyên bố Hà Nội với chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Đây là văn bản quan trọng, mang tính tổng kết kết quả thảo luận của IPU-132; phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, của quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu, sẽ được chuyển tới Hội nghị thế giới Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Nghị viện của các nước cuối tháng 8-2015, trước khi được chuyển cho Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào cuối tháng 9-2015 tới.
Một nội dung hết sức quan trọng trong chương trình nghị sự của IPU-132 lần này được dư luận quan tâm là vấn đề về dân chủ, nhân quyền, luật pháp quốc tế đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và vai trò của IPU đối với việc bảo đảm hòa bình, an ninh toàn cầu cũng mang đậm dấu ấn của Việt Nam. Lĩnh vực này khá rộng; bao gồm 4 chủ đề nhỏ là luật pháp quốc tế, những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và vấn đề quyền con người. Việt Nam đã nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ nội dung và lên tiếng một cách thích hợp để bày tỏ những quan điểm phù hợp với điều kiện chính trị. Quyết định cuối cùng phụ thuộc vào ý kiến 166 nước thành viên của IPU cho thấy, quan điểm của nước chủ nhà đã được sự đồng thuận cao của Đại hội đồng.
2. Không chỉ là một sự kiện ngoại giao quan trọng của Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các nghị viện và nghị sĩ từ tất cả các nước, IPU-132 còn là dịp để bạn bè quốc tế hiểu đầy đủ và toàn diện về đất nước, con người Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò ngày càng cao của Quốc hội Việt Nam, thành tựu đổi mới về mọi mặt của đất nước.
Về vai trò của Việt Nam đối với IPU-132, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, nhận định: "Việt Nam đã có sự đón tiếp nồng hậu, luôn dành tình cảm tốt đẹp các đoàn khách quốc tế. Với những nội dung thảo luận trong những ngày qua, IPU lần này đã đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Những kỳ IPU trước, chúng tôi miêu tả, lồng ghép những vấn đề của nghị viện. Lần này có cách tiếp cận mới, đó là đưa ra giải pháp hơn là xác định vấn đề. Đây là xu thế mới của IPU. Mỗi nghị quyết được thông qua, chúng tôi mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân. Xu hướng này được diễn ra tại Hà Nội và Hà Nội là dấu mốc mà nhận thức và cách tiếp cận của chúng ta đã thay đổi. Người dân được đặt vào trung tâm; biến lời nói thành hành động". Cũng theo Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, biến lời nói thành hành động là chủ đề do phía Việt Nam đưa ra. Các nghị sĩ sẽ thúc đẩy, biến nó trở thành những hành động, thông qua việc lập pháp, bảo đảm giám sát chính phủ để làm sao cho những cam kết của họ sẽ được thực hiện. Và bằng cách thông qua phân bổ ngân sách để bảo đảm lợi ích vì người dân. Đó là cách thức chúng tôi biến lời nói thành hành động.
Bế mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 Chiều tối 1-4, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã chính thức bế mạc. Trong chương trình, Chủ tịch IPU-132 Nguyễn Sinh Hùng đã tuyên bố thông qua văn kiện chính thức của IPU-132, đó là Tuyên bố Hà Nội với chủ đề: "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". (Hànộimới giới thiệu toàn văn Tuyên bố Hà Nội trong số báo này). Cùng với Tuyên bố Hà Nội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế về "Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng với hòa bình và an ninh thế giới"; Nghị quyết của Ủy ban Thường trực về Phát triển bền vững, Tài chính và Thương mại về "Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện trong vấn đề nước và vệ sinh"; Nghị quyết của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền về: "Luật pháp quốc tế trong mối quan hệ với chủ quyền quốc gia: Không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền" đã được thông qua. * Cùng ngày, nhiều hoạt động khác trong chương trình của IPU-132 cũng đã diễn ra. Chiều 1-4, Ban tổ chức IPU-132 tổ chức họp báo quốc tế thông tin về hoạt động của IPU-132 giữa nước chủ nhà Việt Nam và IPU. Buổi họp báo do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đồng chủ trì. Trả lời câu hỏi của phóng viên về những tác động của IPU-132 đến hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đây là sự kiện rất quan trọng về đối ngoại, chính trị, hợp tác ở phạm vi toàn cầu. IPU-132 và những mục tiêu được đề xuất từ Đại hội đồng lần này còn là bài học kinh nghiệm quý báu cho Quốc hội Việt Nam trong xây dựng luật pháp; quyết định chủ trương, giải pháp, đặc biệt là quyết định ngân sách và tiến hành giám sát hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp. |