Những khoảnh khắc khó quên

Văn hóa - Ngày đăng : 06:44, 01/04/2015

(HNM) - Trong chuỗi hoạt động chào mừng kỳ họp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam, màn trình diễn nhằm tái hiện những giá trị tiêu biểu của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội) đã để lại


Trình diễn lễ hội Yang Koi - cúng thần lúa tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.Ảnh: Ngọc Thành


Trong các ngày từ 27 đến 29-3, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây) đã tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc nhằm giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và Quốc hội Việt Nam, chào mừng các đại biểu, khách quốc tế tham dự IPU-132 tại Việt Nam. Trong đó, chương trình ngày 27-3 gồm các hoạt động tái hiện hội Sắc bùa của dân tộc Mường, lễ hội Cầu mùa của dân tộc Nùng, lễ hội Yang Koi (cúng thần lửa) của dân tộc Mạ (Lâm Đồng), lễ rước cây nêu vào nhà mới của dân tộc Ê Đê (Đăk Lăk), các tiết mục biểu diễn của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, Nam bộ, Bắc bộ… Trong ngày 28-3 cũng đã diễn ra các hoạt động tái hiện trích đoạn đám cưới dân tộc Giáy (Lào Cai), lễ ăn hỏi của dân tộc Sán Chay, lễ hội Rija Praung của dân tộc Chăm… Đặc biệt, Đêm hội giao lưu đoàn kết Nghị viện diễn ra tối 29-3 tại sân khấu nổi của Làng Văn hóa chắc chắn để lại rất nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế. Các chương trình đều được chuẩn bị công phu nhằm tôn vinh, giới thiệu với bạn bè quốc tế về những giá trị văn hóa tiêu biểu, sự phong phú, đa dạng của văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Chuẩn bị cho chương trình, BTC đã huy động khoảng 500 người thuộc 26 dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của các cộng đồng dân tộc Mông, Thái, La Ha (Sơn La), Dao (Tuyên Quang), Tày, Nùng (Lạng Sơn), Mường (Hòa Bình), Kinh (Bắc Ninh), Sán Chay (Bắc Giang), Ê Đê, Ba Na, Gia Rai (Đắk Lắk), Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo (Hà Giang), Hà Nhì, Phù Lá, Giáy (Lào Cai), Giẻ Triêng, M'Nông, Xơ Đăng (Kon Tum), Mạ (Lâm Đồng), Chăm (Bình Thuận), Khmer (An Giang), Hoa (TP Hồ Chí Minh); Dân tộc Tà Ôi (Thừa Thiên Huế). Giữa không gian rộn ràng âm hưởng cồng chiêng Tây Nguyên, anh Ykonie, người dân tộc Ê Đê, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở VH,TT&DL tỉnh Đăk Lăk cho biết: "Đoàn chúng tôi gồm 61 người, trong đó có 41 nghệ nhân. Không dễ để có thể thuyết phục và tổ chức một chuyến đi xa dài ngày cho các nghệ nhân, già làng như vậy. Các nghệ nhân rất e ngại khi phải tổ chức các hoạt động tín ngưỡng ở xa không gian sống của họ. Các cán bộ Phòng Nghiệp vụ phải rất nhiều lần thuyết phục, để họ hiểu đây không chỉ là vấn đề tín ngưỡng, mà còn là dịp để giới thiệu văn hóa của dân tộc mình với bạn bè quốc tế và rồi, họ đã nhiệt tình tham gia".

Đoàn của anh Ykonie gồm nghệ nhân các dân tộc Ê Đê, Gia Rai và M'Nông, trong đó nghệ nhân Ê Đê giới thiệu về lễ hội truyền thống rước cây nêu vào nhà mới, còn nghệ nhân Gia Rai và M'Nông giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ. Có những nghệ nhân chuyên về chế tác nhạc cụ, có nghệ nhân chuyên về dân ca, cũng có nghệ nhân chuyên về dệt. Họ tái hiện sống động những nghi thức cầu an, biểu diễn các bài hát ca ngợi mối đoàn kết cộng đồng. Tại khu vực Tháp Chăm cách đó không xa, lễ hội Rija Praung của dân tộc Chăm cũng được tái hiện vô cùng sống động, thu hút sự quan tâm của hàng trăm du khách. Ông Huỳnh Văn Vinh - Trưởng đoàn nghệ thuật Bình Thuận bày tỏ: "Đoàn nghệ nhân của tỉnh Bình Thuận đến Làng văn hóa gồm 16 nghệ nhân.Với phần giới thiệu lễ hội Rija Praung, chúng tôi muốn mọi người hiểu hơn về một lễ hội lớn thứ hai của người Chăm (sau lễ hội Ka-tê), có ý nghĩa cầu an, tránh rủi ro. Tùy theo tộc họ lớn, nhỏ mà lễ hội này có thể kéo dài 2 ngày 2 đêm hoặc lên đến 6 ngày 6 đêm".

Góp vào các hoạt động của Làng văn hóa, Đoàn nghệ nhân tỉnh Bình Thuận còn mang đến những chương trình giới thiệu ẩm thực, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm ở không gian văn hóa chung. Ông Vinh cho biết: "Cùng với lễ hội Rija Praung, chúng tôi còn giới thiệu món cơm béo và gà nướng, cũng như một số loại bánh truyền thống của người Chăm. Bên cạnh đó là các trò chơi đội nước, đập hũ, các hoạt động triển lãm ở không gian văn hóa về nghề dệt thổ cẩm và nghề gốm của người Chăm".

Không chỉ nhằm giới thiệu, với nhiều người, đây cũng là dịp để được giao lưu, mở rộng hiểu biết về các dân tộc anh em. Háo hức xem trích đoạn đám cưới của người dân tộc Giáy, em Sần Xá Phơ, người dân tộc Hà Nhì (thôn Choán Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được xem đám cưới của người dân tộc Giáy, thấy rất nhiều điều lạ và thú vị. Với em, những ngày tại Làng văn hóa thực sự là những ngày hội vui. Em được khoe bộ trang phục rất đẹp của người dân tộc Hà Nhì, được chơi nhảy que, nhặt đá và trò chuyện, giới thiệu với mọi người về những điều vốn rất gần gũi, thân thuộc. Ở nhà, em thường chỉ chơi với người làng, với bạn bè người Mông, người Dao. Nay, em được gặp rất nhiều bạn bè các dân tộc khác nhau, cũng được nhìn thấy những kiểu nhà đặc trưng của từng dân tộc, rất hấp dẫn và ấn tượng".

Niềm vui đôi lúc thực giản dị. Xúng xính trong trang phục màu đỏ rực rỡ giữa không gian xanh rợp cây rừng, hai thiếu nữ người dân tộc Pà Thẻn (Hà Giang) là Tải Thị Mai và Phàn Thị Xuân tự hào giới thiệu: "Để hoàn thành được một bộ trang phục như chúng em đang mặc, phải mất gần năm. Em tự hào vì đã tự làm, hoàn thành được bộ trang phục mặc vào những dịp quan trọng này và rất vui vì nhiều người ở Làng văn hóa đã bày tỏ sự yêu thích với trang phục của dân tộc Pà Thẻn".

Chuỗi hoạt động giới thiệu về các dân tộc ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chỉ kéo dài trong vài ngày, nhưng với nhiều du khách và bạn bè quốc tế, ký ức về các nét văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú của các dân tộc Việt Nam sẽ còn sống động mãi… Chỉ mong Làng văn hóa tổ chức giới thiệu, quảng bá phong tục, tập quán, nếp sống của bà con dân tộc các miền thường xuyên hơn, qua đó thúc đẩy ý thức bảo vệ nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.

Mai Hoa