Hòa bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững
Chính trị - Ngày đăng : 17:15, 31/03/2015
Ông N. Schrijver – Hà Lan cho rằng, các mục tiêu phát triển bền vững tuy không mang tính ràng buộc pháp lý nhưng cũng cần sự cam kết về mặt pháp lý giữa các quốc gia để đảm bảo được thực hiện vì con người. Các chương trình này cần được triển khai hiệu quả cả ở cấp độ toàn cầu lẫn quốc gia, địa phương.
“Cách thức triển khai trên thực tế vẫn còn rất yếu, nhiều kế hoạch không được thực hiện. Do đó, chúng ta cần phát huy vai trò của các cơ chế tham vấn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Tôi hi vọng sau khi các mục tiêu phát triển bền vững được thông qua, chúng ta sẽ khẩn cấp cải thiện cơ cấu quốc tế, quốc gia để thực hiện các mục tiêu này”, ông nói.
Theo ông A. Labdag – Nghị viện Ả Rập, phát triển bền vững là chủ đề rất thời sự hiện nay, trong giai đoạn mới cần phải tính đến những yếu tố mới. Ông cho rằng, tình hình hiện nay đã khác nhiều so với tầm nhìn khi xây dựng hiến chương Liên hợp quốc. Tại nhiều quốc gia, người dân vẫn phải sống trong bệnh tật, không nhà cửa. Ngoài ra những vấn đề khủng bố, vi phạm quy tắc nhà nước pháp quyền… vẫn xảy ra thường xuyên.
“Những vấn đề này không phải do thiên nhiên mà do con người tạo ra. Do đó, cần những cam kết quốc tế mạnh mẽ hơn, chúng ta chính là những người chịu trách nhiệm về hành tinh này, thế giới hôm nay là gắn kết và phụ thuộc lẫn nhau”, ông nói.
Theo ông, chú trọng tới phát triển bền vững chính là phối hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội song hành với bảo vệ môi trường để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho mọi người.
Ông R.Walter – Đại hội đồng nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) chia sẻ,PACE có 47 thành viên với các ủy ban trên mọi lĩnh vực và đã thông qua nhiều văn kiện, gửi nhiều khuyến nghị về các vấn đề khác nhau tới các quốc gia thành viên như tạo việc làm, tăng trưởng cho mọi người, bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển bền vững, hỗ trợ xây dựng mục tiêu phát triển bền vững khác….
“Để tạo sự phát triển công bằng và bền vững, chúng ta cần quản trị dân chủ, vững mạnh, chống lại nạn tham nhũng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái, chống lại bạo lực với phụ nữ, trẻ em, tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi, giảm bớt những sự bất bình đẳng trong xã hội”, ông nói.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, nếu không có hòa bình và an ninh thực sự toàn cầu thì không thể đạt được sự phát triển bền vững. Chủ nghĩa khủng bố đang đe dọa đến hàng triệu người trên thế giới, đẩy nhiều quốc gia có chủ quyền vào bất ổn. Châu Âu cam kết diệt chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức vì hòa bình của thế giới.
Cùng quan điểm, bà A. King – New Zealand chia sẻ, con người đang sống trong một thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khẩn cấp, trong đó mỗi người cần thể hiện trách nhiệm và sự ứng phó có trách nhiệm về những vấn đề này.
Theo bà, muốn đề ra các mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta phải dựa vào những mục tiêu trước đây. Những mục tiêu đề ra là khá phức tạp, theo ước tính thì chỉ có 29% các mục tiêu này có thể đạt được với nguồn lực hiện nay, còn lại là khó đạt vì thiếu gắn kết và mang tính định tính nhiều.
“Phát triển xã hội, kinh tế và môi trường cần phải gắn với các mục tiêu lớn trong phát triển bền vững và phải phù hợp với sự phát triển của mỗi quốc gia. Phải lồng ghép các mục tiêu của tương lai ngay trong các mục tiêu cho giai đoạn hiện tại”, bà đề nghị.
Các bà S. Sutterlin-Waack và D.Freitag – Đức cho rằng, IPU đóng vai trò trung gian hiệu quả trong tương tác giữa nghị viện và chính phủ các nước. Giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững không dừng lại ở biên giới quốc gia mà là trách nhiệm toàn cầu, cần có sự chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện và triển khai nếu chúng ta muốn đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới.
Vì vậy, các nữ đại biểu đề nghị, các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ cần nhận được sự thống nhất giữa các quốc gia thông qua đàm phán mà còn cần được thảo luận ở cấp độ quốc gia, trong đó các nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các mục tiêu này tới nghị viện.