Huế động đất liên tiếp, người dân hoang mang
Xã hội - Ngày đăng : 10:04, 31/03/2015
Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, lúc 10h29’5’’ngày 30/3/2015, tại huyện A Lưới đã xảy ra động đất 2,2 độ richter ở tọa độ 16.202N – 107.449E, độ sâu 17.1 km, mag = 2,2 ml.
Hiện chưa có thông tin cụ thể từ chính quyền địa phương huyện A Lưới về ảnh hưởng của trận động đất này. Tuy nhiên người dân cho rằng việc liên tiếp xảy ra động đất ở đây cần có sự quan tâm, sát sao hơn của chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, bởi đây chắc chắn là một điều bất thường.
Cũng trong ngày 30/3 đã xảy ra một trận động đất ngoài khơi Thái Bình Dương, trước trận động đất tại A Lưới. Cụ thể, Viện Vật lý địa cầu dẫn thông tin từ Trung tâm Cảnh báo sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS), 1 trận động đất đã xảy ra ngoài khơi tại Papua New Guinea vào lúc 6h49’00’’ (giờ Việt Nam) ngày 30/3.
Trận động đất này được xác định có độ lớn 7,6 độ richter và có chấn tâm nằm ở tọa độ 152.7 E, 4.7S và độ sâu 33 km. Sau đó, các trạm quan trắc mực nước biển của PTWS tại Hawai (Mỹ) đã phát hiện sóng thần tại TAREKUKURE (cách tâm chấn 450 km) vào lúc 7h59’00’’ (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, biên độ sóng thần được xác định là không nguy hiểm và chỉ gây ra biến động mực nước biển không đáng kể.
Trước trận động đất ở A Lưới gần 4 tiếng, ở ngoài khơi Thái Bình Dương, tại Papua New Guinea đã xảy ra trận động đất (dấu ngôi sao). Việt Nam (dấu vòng đỏ) cũng nằm trong vành đai bị ảnh hưởng màu lục. |
Ở A Lưới, mới đây nhất là trận động đất 2,9 độ richter vào ngày 22/12/2014. Ba trận động đất trong cùng năm 2014 xảy ra tại A Lưới cụ thể như sau: ngày 13/11 động đất 3,3 độ richter; ngày 11/7 động đất 2,9 độ richter; ngày 15/5 động đất 4,7 độ richter.
Đặc biệt, hai trận động đất 3,3 độ richter và 4,7 độ richter trên đã gây nứt nẻ một số nhà dân và trạm xăng dầu trên địa bàn huyện A Lưới.
Viện Vật lý địa cầu đã từng vào Huế khảo sát và cho rằng tỉnh Thừa Thiên - Huế nên tiến hành ngay một nghiên cứu đánh giá nguy hiểm động đất ở mức độ chi tiết cao. Nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào được tiến hành, công bố tới dư luận để cảnh báo.
Được biết, A Lưới nằm trên đới đứt gãy Khe Sanh – Huế. Đới này thuộc đới đứt gãy “mẹ” Đà Nẵng – Khe Sanh (dài 250km, rộng 5-10km, kéo dài từ Đà Nẵng – Huế - Quảng Trị - Lào) là một đới cấu trúc kiến tạo lớn đóng vai trò phân định cấu trúc địa chất khu vực Bắc Trung Bộ. Nhiều trận động đất trên đới này đã xảy ra liên tiếp như động đất Sông Tranh 2 (Quảng Nam, 2012), Đăkrông (Quảng Trị, 2013) và A Lưới (2014, 2015).
Trong một lần trả lời PV Dân trí mới đây, PGS.TS. Nguyễn Văn Canh, chuyên gia địa chất động đất, nguyên Trưởng Khoa Địa lý – Địa chất, ĐH Khoa học (ĐH Huế) cho biết “Việc tái hoạt động trở lại của các tuyến đứt gãy sâu miền Trung với việc xảy ra động đất ví von như một ngọn núi lửa ngủ yên giờ lại thức dậy. Tôi khẳng định việc các đứt gãy kiến tạo hoạt động trở lại gây ra động đất là sự thật, cần có sự quan tâm của nhiều ban ngành chức năng”.
Theo PGS. Canh, có nhiều nguyên nhân gây ra động đất: Do hoạt động tự trở lại của chính các đứt gãy kiến tạo bên dưới; Do hoạt động con người gây ra, lớn nhất là đắp đập chứa nước có dung tích lớn tải trọng cao; Do con người nổ mìn làm đường (nhưng nguyên nhân này không đáng kể). Một nguyên nhân lớn cần quan tâm là có thể dưới sâu lòng đất 12-13km tồn tại các khối macma chưa phun lên thành núi lửa được, nên bị ức chế nên gây ra động đất.