Hai đợt “sóng” trên thị trường vàng trong quý 1
Kinh tế - Ngày đăng : 09:32, 31/03/2015
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, cũng là phiên cuối cùng của quý 1/2015, giá trong nước giảm nhẹ. Tại Hà Nội, giá vàng miếng SJC được giao dịch phổ biến là 35,16 triệu đồng/lượng-35,20 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 30.000 đồng/lượng mỗi chiều so với hôm trước. Tại TP HCM, giá được điều chỉnh giảm 20.000 đồng, xuống 35,14 triệu đồng/lượng-35,22 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước giảm do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Giá vàng giao ngay hôm qua giảm đến hơ 13 USD/ounce, xuống mức 1.185 USD/ounce; giá vàng giao tháng 4 hạ hơn 15 USD, còn 1.181,8 USD/ounce. Giá kim loại quý này đi xuống bởi đồng USD tăng giá sau khi bà Janet Yellen- Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed)- cho biết lãi suất khả năng cao sẽ tăng trong năm nay do tình hình kinh tế Mỹ có sự cải thiện vững chắc. Cần nhớ rằng, trong nhiều năm qua Fed duy trì lãi suất thấp để kích thích nền kinh tế, và giá vàng đã được hỗ trợ rất nhiều từ chính sách này.
Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng kháng cự trước mắt của giá vàng là 1.190 USD/ounce, sau đó là 1.200 USD/ounce. Ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 1.182,2 USD/ounce, kế đến là 1.175 USD/ounce.
Trở lại thị trường trong nước, hôm nay là phiên cuối cùng của tháng 3. Trong tháng 3 này giá vàng biến động theo xu hướng giảm là chủ yếu, giá cao nhất là 35,60 triệu đồng/lượng và thấp nhất là ngày hôm nay. Tính chung cả tháng, giá kim loại quý này đã “bốc hơi” đến 400.000 đồng/lượng, chênh lệch giá nới 300 đồng/lượng so với tháng trước.
Thời điểm giao dịch vàng sôi động |
Còn tính chung trong quý 1, giá vàng trong nước có 2 đợt “sóng” khá lớn. Đó vào vào thời điểm tháng 1 và trung tuần tháng 2. Hai đợt sóng này có sự khác biệt, bởi đợt 1 là do yếu tố thị trường thế giới, còn đợt 2 hầu như xuất phát từ sức cầu trong nước.
Cụ thể, vào ngày 21/1, giá vàng trong nước tăng vọt hơn 200.000 đồng, lên 35,76 triệu đồng/lượng do giá vàng quốc tế tăng gần 15 USD, lên 1.291,50-mức cao nhất 5 tháng bởi có đồn đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố chương trình kích thích kinh tế. Trước thông tin này, giới đầu tư đua nhau mua vàng như tài sản bảo đảm rủi ro. Còn vào trung tuần tháng 2, thời điểm cận Tết âm lịch, là lúc người dân có nhiều tiền mặt nên tranh thủ đi mua vàng vừa để tích trữ vừa để làm quà tặng Tết và quà chúc thọ. Vì vậy, giá tăng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu trong nước chứ không phải do yếu tố bên ngoài. Vào ngày 16/2, giá vàng chạm mức 35,82 triệu đồng/lượng sau khi đã rụch rịch tăng vào vài ngày trước đó. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 22/10/2014. Giao dịch trên thị trường rất sôi động.
Sau khi có đợt “sóng” thứ 2, giá vàng giảm dần. Đến ngày 28/2 (ngày vía Thần Tài) mặc dù sức cầu lớn và giao dịch trên thị trường rất sôi động nhưng giá cũng không vượt qua 2 mốc. Đặc biệt, trong nửa tháng cuối tháng 3, giá chỉ biến động trong biên độ 35,20-35,40 triệu đồng/lượng. Tính chung trong quý 1, giá vàng chỉ tăng 60.000 đồng mỗi lượng. Trước đó, ngày 31/12/2014, giá vàng miếng SJC bán ra phổ biến là 35,14 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có sự biến động đáng kể, có thời điểm lên đến 5,5 triệu đồng/lượng. Chính chênh lệnh lớn này đã là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá VND/USD trên thị trường tăng mạnh do xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng. Tuy nhiên, hôm nay chênh lệnh giá đang là 4,4 triệu đồng/lượng, không thay đổi nhiều so với mức 4,5 triệu đồng/lượng hồi đầu tháng 1.
Giá vàng trong nước thường ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, nhận định về giá vàng trong nước trong năm 2015, một số chuyên gia cho rằng, giá vàng thế giới năm nay khó dự đoán bởi yếu tố hỗ trợ và yếu tố không hỗ trợ đan xen. Giá kim loại quý sẽ giảm nếu đồng USD tăng giá, đặc biệt khi mà lãi suất USD của Mỹ được nâng lên; và ngược lại khi có bất ổn về địa chính trị trên thế giới. Tuy nhiên, với việc ECB kích thích nền kinh tế trong thời gian qua đã khiến giá đồng USD tăng vọt và lãi suất USD có thể tăng, thì dự báo giá vàng nhiều khả năng giảm trong năm nay.