Chuồn chuồn, bồ câu tre Thạch Xá

Xã hội - Ngày đăng : 08:24, 31/03/2015

(HNMO) - Gần 20 năm nay, chuồn chuồn tre Thạch Xá đã vươn cánh bay khắp mọi miền quê Việt Nam và bay xa tới nhiều đất nước trên thế giới. Làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá bây giờ không chỉ còn là công việc phụ để kiếm thêm thu nhập mà còn là nghệ thuật, là niềm đam mê của người dân nơi đây.


Anh Tái say mê giới thiệu sản phẩm


Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 25km, rẽ phải vào xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, thạch Thất, Hà Nội, chúng ta sẽ đến với gia đình anh Nguyễn Văn Tái, người làm nghề chuồn chuồn tre đầu tiên ở xã này. Theo anh chia sẻ, vào năm 2000, anh đi chụp ảnh trên chùa Tây Phương thấy những con chuồn chuồn tre nhưng mẫu mã xấu và không bậu được. Anh thấy hứng thú rồi về mày mò tự làm, từ những sản phẩm đầu tay bé và xấu, dần làm được những con chuồn chuồn cân bằng và sơn màu sắc bắt mắt với họa tiết ngộ nghĩnh. Rồi anh sáng tạo ra những chú chuồn chuồn đẹp hơn để mang ra thị trường tiêu thụ với giá từ 2.000 đến cả 50.000 tùy vào kích thước.

Chị Minh (vợ anh Tái) vẽ họa tiết cho chuồn chuồn


Để làm được một con chuồn chuồn tre, người làm phải mất rất nhiều thời gian, công sức từ lên rừng đốn tre trúc, rồi đến chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô… Không những thế, người làm phải đam mê, đo đạc cẩn thận, tính toán kĩ lưỡng mới cho ra được một sản phẩm đẹp và có thể đứng bằng. Một ngày trung bình mỗi người làm được 200 con chuồn chuồn. Trừ chi phí đi thì mỗi gia đình 3 người làm như nhà anh Tái thu nhập được 10 triệu/tháng.

Bướm, rùa là 2 sản phẩm được anh sáng tạo ra trong thời gian gần đây


Gần 20 năm gắn bó với nghề, chuồn chuồn tre của gia đình anh Tái được nhận xét là đẹp và nhất vùng. Có những đơn hàng trăm ngàn con của khách tận Sài Gòn, Nha Trang, Nghệ An… đem đồ chơi ngộ nghĩnh này đến hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ trên khắp đất nước. Nhiều du khách nước ngoài vô tình mua được chuồn chuồn tre ở lễ hội đã tìm về tận làng chùa Tây Phương để đặt hàng mang về nước. Hiện tại, mặt hàng này được xuất khẩu sang Nhật, Pháp, Anh… qua công ty mỹ nghệ. Anh Tái cho biết: “Khách muốn mua chuồn chuồn tre ở làng này phải đặt từ tháng trước mới có hàng, mỗi tháng nhà tôi xuất đi hàng vạn con các loại cho các tỉnh và nước ngoài”.

Bằng đôi bàn tay khéo léo và tính sáng tạo của những “nghệ nhân” làm chuồn chuồn, hiện nay họ đã đa dạng hóa mặt hàng làm bằng tre như làm công, chim bồ câu, bướm, rùa… Để làm được một món đồ chơi mới, người tạo ra chúng phải đo đạc nghiên cứu đến cả tuần trời. Những sản phẩm này cũng được nhiều người mua về làm quà tặng và xuất khẩu sang nước ngoài.

Những năm gần đây, gia đình anh Tái đã kết hợp với một số tổ chức xã hội như trung tâm Nghiên cứu và bảo trợ trẻ em Cenforchil (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam), tổ chức MyHanoi (Việt Nam) thực hiện dự án nghiên cứu và bảo tồn đồ chơi Việt. Có nhiều người ở nơi xa cũng tìm hiểu, mày mò đến Thạch Xá học làm nghề. Đây là một tín hiệu tốt để nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ngày càng phát triển.

Phạm Thị Nết