Niềm tin đã mất!
Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 31/03/2015
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến cuối ngày 30-3 cho thấy, phe trung hữu gồm đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UDI) đã thắng áp đảo, nắm quyền kiểm soát 65-71/101 tỉnh của nước Pháp. Cánh tả, mà đại diện là PS, đã thất bại nặng nề khi mất gần một nửa số tỉnh đang nắm giữ, tức là chỉ còn khoảng 28-35 tỉnh có số cử tri ủng hộ so với 61 tỉnh trước đây. Đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) tuy không giành quyền lãnh đạo tại tỉnh nào nhưng lại có nhiều ứng cử viên lọt vào vòng 2 và xu hướng ủng hộ quan điểm của đảng FN đang gia tăng tại nhiều địa phương ở Pháp.
Kết quả nêu trên thể hiện thông điệp của cử tri gửi tới đảng cầm quyền với những thành tích nghèo nàn trong thời gian qua. Sau gần 3 năm giành thắng lợi ngoạn mục trong cuộc bầu cử được trông đợi là sẽ thay đổi nước Pháp, đến thời điểm hiện nay, có thể nói, những cam kết của Tổng thống F.Hollande và Chính phủ cánh tả đang hết sức xa vời. Nước Pháp vẫn đang chật vật tìm lối thoát sau những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ. Mọi phương thức nhằm đẩy lùi tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn chưa đem lại kết quả. Kinh tế ảm đạm đã dẫn đến những hệ lụy về chính trị và xã hội, khiến nước Pháp hai lần phải thay đổi nội các. Nội bộ đảng Xã hội chia rẽ, các đảng đối lập chỉ trích Chính phủ gay gắt, người dân ngày càng mất niềm tin vào Tổng thống và bộ máy hành pháp.
Hiện tại, nước Pháp giống như một thành viên "ốm yếu" của Liên minh Châu Âu (EU) với những con số thống kê đáng thất vọng. Thậm chí, một số cơ quan truyền thông đã gọi năm 2014 là "Năm đen tối" trên mặt trận việc làm khi tình trạng thất nghiệp tiếp tục leo thang trong những tháng gần đây (lên tới gần 3,5 triệu người). Trong khi đó, thâm hụt ngân sách vẫn là nỗi ám ảnh đối với nước Pháp và được dự báo ở mức 4,3% trong năm 2015, cao hơn nhiều so với con số quy định 3% của EU.
Về phương diện đối ngoại, nước Pháp tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Châu Phi; đồng thời đi đầu trong việc tham gia chiến dịch không kích chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng ảnh hưởng quốc tế của đất nước hình lục lăng đang suy giảm mạnh. Pháp cũng mất dần ảnh hưởng ở Châu Âu khi không phát huy được vai trò trong trục Đức - Pháp, vốn là "xương sống" của cả EU.
Với những thành tích đối nội và đối ngoại như vậy, dễ hiểu vì sao tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Francois Hollande xuống mức thấp kỷ lục. Ông F.Hollande đã trở thành tổng thống mất lòng dân nhất trong nền Đệ ngũ cộng hòa với tỷ lệ ủng hộ "chạm đáy" là 13%. Tương tự, chỉ có 13% người Pháp cho rằng kết quả đến giữa nhiệm kỳ của ông là tích cực và cứ 10 người Pháp thì có đến 8 người không muốn ông F.Hollande ra tái tranh cử năm 2017.
Công bằng mà nói, khó khăn của Tổng thống F.Hollande là phải lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển đổi, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ kéo dài, với thâm hụt ngân sách và thâm hụt cán cân thương mại tích tụ từ nhiều chính phủ tiền nhiệm. Trong bối cảnh như vậy thì bất kỳ ai ngồi vào ghế tổng thống cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, dù khách quan hay chủ quan thì tất cả đều cảm nhận được những dồn nén trong xã hội Pháp. Điều này đã tạo áp lực lên Chính phủ với đòi hỏi nhanh chóng cải thiện tình hình. Trong khi đó, các chính sách cải cách kinh tế mà nước Pháp đã triển khai lại cần thời gian để phát huy hiệu quả. Đây quả là một bài toán nan giải!